Tương thân tương ái là giá trị sống đáng trân trọng thể hiện tình yêu thương và trái tim nhân hậu giữa con người với con người trong cuộc sống. Tinh thần này đã tồn tại từ ngàn xưa cho đến nay. Vậy thành ngữ "tương thân tương ái" là gì và thực hiện như thế nào là đúng? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Tương thân tương ái là gì?
Trước khi định nghĩa tương thân tương ái là gì, bạn nhớ lại xem đã từng nghe qua câu “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và hiểu câu này như thế nào?.
Như bạn biết, bầu và bí hoàn toàn khác nhau nhưng chúng có thể hấp thụ chất dinh dưỡng, trao đổi không khí trong cùng một điều kiện sống. Hình ảnh đó cho chúng ta thấy con người Việt Nam, tuy không chung một gia đình nhưng cùng sống chung một đất nước.
Bởi vậy, tương thân tương ái là biết đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu, chia sẻ và sống hòa thuận với nhau. Sẵn sàng “đưa tay” giúp đỡ những người xung quanh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Là tình thương, lòng nhân đạo giữa con người với con người mà không phân biệt dòng máu, quan hệ họ hàng.
Xem thêm: Vô tâm là gì? Chúng ta có đang vô tâm với chính mình và xã hội?
2. Ý nghĩa ‘tương thân tương ái’ giữa xưa và nay
Tương thân tương ái được chứng minh từ xưa đến nay trong công cuộc giành độc lập, tự do cho đất nước. Từ giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc, kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược.
Biết bao thế hệ những chàng trai, cô gái đã xung phong ra tiền tuyến khi tuổi đời vừa đôi mươi; đội ngũ y bác sĩ phục vụ cho kháng chiến và nhân dân; những bà mẹ Việt Nam đào hầm nuôi quân giấu bộ đội. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu với quê hương, tình đồng bào, tình đồng đội tương trợ nhau vượt qua hoạn nạn.
Trong thời bình, tinh thần tương thân tương ái được thể hiện qua chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hoạt động từ thiện của các cá nhân, tổ chức. Nói cách khác là của “những tấm lòng vàng” chia sẻ với hoàn cảnh kém may mắn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thoát nghèo và hướng đến cuộc sống ấm no.
Có thể thấy, một số hoạt động thiết thực như: hỗ trợ trẻ mồ côi có mái ấm gia đình và được học hành đầy đủ, mang trái tim khỏe mạnh cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh hay chăm sóc người già neo đơn.
Các tỉnh thành miền Trung nước ta hàng năm phải gánh chịu đợt thiên tai lũ lụt, là nơi tinh thần tương thân tương ái được thể hiện bằng hoạt động cứu trợ lương thực - thực phẩm cho bà con, hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa….
Ngoài ra, những quỹ thiện nguyện cũng được ra đời nhằm kêu gọi, chung tay giúp đỡ cộng đồng. Có thể kể đến như: xây dựng cầu bê-tông vững chắc xóa bỏ cầu tạm, cầu tre để người dân đi lại dễ dàng và trẻ an toàn cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, là những chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho người dân nghèo giúp họ an cư - lập nghiệp, bớt cơ cực và tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.
Đại dịch Covid-19 một lần nữa, khắc họa rõ nét tinh thần cao quý của nhân dân Việt Nam. Hàng loạt hoạt động nghĩa tình được ra đời như: ATM gạo, ATM F0 chống dịch, Oxi yêu thương, ATM khẩu trang và hàng ngàn suất cơm 0 đồng nhằm hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn nhất. Thậm chí họ - những y bác sĩ, những cá nhân đã quên đi sự an toàn của bản thân để cống hiến sức lực giúp người giúp đời.
3. Tương thân tương ái như thế nào cho đúng?
Tương thân tương ái và lối sống nghĩa tình nên được sẻ chia và phát huy. Đừng đợi khi giàu mới giúp người!. Bạn có thể không giàu nhưng bạn có tình yêu thương để kêu gọi sự quan tâm từ xã hội như câu “người bỏ công, người góp của”.
Tuy nhiên, đừng mượn danh tương thân tương ái để bao che cho điều sai trái. Ví dụ: anh em của bạn vi phạm pháp luật, thay vì tố giác với cơ quan chức năng, bạn lại bao che, giúp đỡ và đồng cảm cho lý do phạm tội.
Cho rằng: “Tôi đang làm đúng, vì là anh em nên không thể để vào tù và phải giúp đỡ trong lúc khó khăn như thế này”. Như vậy, bạn đang hiểu sai và đi lệch với tinh thần tương thân thương ái !.
Chúng ta cần hiểu đúng về tương thân tương ái và sáng suốt phân biệt những việc làm đúng sai. Tránh trường hợp không giúp được người khác mà còn hại bản thân và để tình thương của bạn bị lợi dụng.
Các bậc phụ huynh nên dạy tinh thần tương thân tương ái, nuôi dưỡng trái tim ấm áp và lòng nhân ái cho trẻ con thông qua những việc nhỏ nhất trong gia đình, đến nhà trường và sau đó lan rộng ra toàn xã hội.
Lấy ví dụ: dạy trẻ biết phụ việc nhà khi bố mẹ bận; biết quan tâm và cùng học tập với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Hay biết nhường chỗ ngồi cho bà cụ, người khuyết tật khi đi xe bus. Ngoài ra, dạy con biết yêu thương mọi người xung quanh, học cách cho đi mà không đòi hỏi nhận lại.
Như vậy, tương thân tương ái vô cùng đáng trân trọng và cần được lan tỏa mạnh mẽ. Nếu bạn đã hiểu được ý nghĩa của tinh thần rồi. Hãy áp dụng ngay vào cuộc sống của mình và trở thành một “đóa hoa thơm ngát nở giữa đời” !
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet