Cống hiến là gì? Tấm gương sống cống hiến truyền động lực trong xã hội

(VOH) - Cống hiến là một đức tính mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang theo đuổi. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại này có bao nhiêu người biết rõ ‘cống hiến là gì’ và vì sao nên sống một đời cống hiến?

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, chắc chắn không ít lần ta nghe được từ “cống hiến". Vậy cống hiến là gì và liệu bạn có phải là một người biết cống hiến hay không?

1. Cống hiến là gì?

Để định nghĩa được chính xác cống hiến là gì là điều không dễ. Bởi lẽ cống hiến có nhiều ý nghĩa khác nhau và được thể hiện ở đa dạng các phương diện. Dưới đây là khái niệm cơ bản nhất về cống hiến.

1.1 Khái niệm cống hiến

Về mặt chữ, cống hiến là từ Hán Việt được ghép bởi hai từ đều mang ý nghĩa là hiến dâng, cho đi. Về mặt ngữ nghĩa, cống hiến được hiểu là những hành động, suy nghĩ đề cao lợi ích chung lên trên lợi ích của bản thân. Từ đó dốc sức mình thực hiện công việc để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cống hiến là gì và tấm gương sống cống hiến 1
Ảnh minh hoạ

1.2 Sống cống hiến là như thế nào

Sống cống hiến được thể hiện ở hai khía cạnh là hành động và suy nghĩ. Đối với suy nghĩ, sự cống hiến phải xuất phát từ sự tự nguyện, có nghĩa là bản thân người đó phải tự làm theo ý nguyện của bản thân chứ không phải bị thúc ép hay vì bất kỳ một mưu lợi nào.

Đối với khía cạnh hành động, sống cống hiến thể hiện bằng những hành động khác nhau nhưng tựu chung lại, chúng đều là sự hiến dâng tiềm lực của bản thân cho một mục đích cao cả hơn lợi ích cá nhân. Đó có thể là cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho một công trình nghiên cứu chế tạo thuốc chữa bệnh. Đó có thể là cống hiến sức trẻ của mình để tuyên truyền và thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp…

Cống hiến là gì và tấm gương sống cống hiến 2
Tuổi trẻ cống hiến sức mình vì môi trường xanh

1.3 Cống hiến tiếng Anh là gì

Có nhiều từ trong tiếng Anh để diễn tả hành động sống cống hiến. Một số từ tiếng Anh thường dùng nhất chẳng hạn như:

  • Dedicate (v): cống hiến, hiến dâng, dành cho
  • Give (v): trao cho
  • Bestow (v): dành cho (dùng cho văn phong lịch sự)

Các từ trên không giống nhau hoàn toàn về mặt ý nghĩa nhưng chúng có cùng trường nghĩa, đó là sự trao đi. Khi diễn tả việc sống cống hiến bạn có thể sử dụng những từ này một cách linh hoạt.

Xem thêm: Đã bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi bản thân: "Ý nghĩa cuộc sống là gì?" hay "Mình sống để làm gì" chưa?

2. Ý nghĩa của sống cống hiến

Cống hiến là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người chúng ta phải rèn luyện mỗi ngày. Xã hội sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu có nhiều cá nhân biết cống hiến vì cộng đồng. Nhà thơ Tố Hữu đã có câu thơ như thế này “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc sống cống hiến, trao đi những giá trị tốt đẹp. 

2.1 Cống hiến trong cuộc sống

Có lẽ ý nghĩa lớn nhất của sự cống hiến trong cuộc sống là tạo nên giá trị nhân sinh quan tích cực cho xã hội. Khi bạn dùng năng lực, trí tuệ của mình để phục vụ những mục đích cao cả cũng có nghĩa là bạn đã góp sức mình làm cho cuộc đời trở nên đáng sống hơn. Những giá trị bạn trao đi không chỉ có ích đối với người nhận mà còn giúp bản thân bạn cảm thấy, bình yên, thanh thản. 

Cống hiến là gì và tấm gương sống cống hiến 3
Cống hiến là cho đi mà không mong nhận lại

Tấm gương sống cống hiến sẽ truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Một trong những ý nghĩa khác của cống hiến đó là tạo động lực thúc đẩy mọi người biết trao đi nhiều điều tốt đẹp. Bởi lẽ cống hiến là hy sinh "cái tôi” của mình để hướng đến cái “ta” chung. Một hành động đáng trân quý sẽ được lan tỏa đến nhiều người hơn nhờ chính kết quả tích cực mà nó tạo ra. 

2.2 Cống hiến trong công việc

Trong công việc, người sống cống hiến thường sẽ có cho mình một lý tưởng cao đẹp và dốc lòng để thực hiện lý tưởng ấy. Sự cống hiến không nhất thiết phải được nhiều người biết đến, nó có thể là những hy sinh thầm lặng nhưng đáng trân trọng.

Có thể lấy ví dụ như Marie Curie, một nhà vật lý - hóa học đã cống hiến cả cuộc đời mình để nghiên cứu, phát hiện ra tia phóng xạ. Sau khi bà mất đi đã để lại cho hậu thế là một công trình vĩ đại, giúp ích rất nhiều cho nhân loại.

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy

Cống hiến là gì và tấm gương sống cống hiến 4
Marie Curie cống hiến cả đời cho nền khoa học

3. Điều kiện được coi là cống hiến và cách phát huy

3.1 Điều kiện

Không có một quy chuẩn nào đầy đủ để gọi là điều kiện của sự cống hiến, tuy nhiên sự cống hiến có những biểu hiện cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, sự cống hiến phải được xuất phát từ sự tự nguyện. Tự nguyện ở đây được hiểu là không mưu cầu lợi ích, không bị bắt ép. Bắt nguồn từ chính suy nghĩ, trái tim của con người mà sự cống hiến được hình thành, nuôi dưỡng. Mục đích của cống hiến không phải để thu lợi mà là để tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống và mọi người.
  • Một sự cống hiến là đóng góp những giá trị cho sự phát triển của xã hội trong tương lai.

3.2 Cách phát huy sự cống hiến

Dẫu cống hiến là tự nguyện, không yêu cầu lợi ích cá nhân nhưng ít nhất, chúng ta cũng nên bày tỏ sự trân trọng, khuyến khích những hành động đẹp đó. Mục đích là để tạo động lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng, xã hội. Có thể kể đến một số cách như sau: 

  • Sự cống hiến nên được công nhận và vinh danh thích đáng để làm động lực cho mọi người sau noi theo.
  • Khi làm việc, hy sinh cho một tập thể không đòi hỏi hay suy nghĩ tới lợi ích riêng mà hết mình với công việc.
  • Cống hiến không phải lúc nào cũng là những việc vĩ đại, chỉ cần bạn sống và làm việc hết mình cho một công việc mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì vậy, hãy tự tin với chính những gì các bạn đang thực hiện.

Xem thêm: Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội

4. Tấm gương người cống hiến tiêu biểu

Nói đến những tấm gương cống hiến tiêu biểu, có rất nhiều người khiến chúng ta phải ngả mũ thán phục. Họ không chỉ là những tấm gương cống hiến làm đẹp cho xã hội mà chính cuộc đời của họ cũng là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau này.

Trong văn học, ta gặp anh thanh niên trong Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Người thanh niên ấy đã cống hiến cả thanh xuân, tuổi trẻ của mình để làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Điều kiện sống tuy khắc nghiệt nhưng anh vẫn lạc quan, tích cực để góp sức tô điểm cho bức tranh vùng núi cao. Anh thanh niên là một trong những tấm gương mà người trẻ cần học tập và noi theo.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, biết bao nhiêu người lính đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Họ hi sinh ước mơ, hoài bão, tình yêu cá nhân cho hòa bình đất nước. Tất cả đều là những tấm gương sáng ngời, luôn trường tồn với thời gian.

Trong đời sống thực tại, có một tấm gương cống hiến thầm lặng nhưng đôi khi chúng ta lại vô tình lãng quên, đó chính là người mẹ. Chúng ta sẽ không thể biết hết được những hy sinh mà mẹ đã trải qua. Bao nhiêu lần mẹ thức trắng đêm chăm ta ốm. Rồi sau khi tan làm với những áp lực công việc chồng chất, mẹ lại tất bật về nhà để nấu cho ta những bữa cơm. Liệu rằng có mấy người trong chúng ta thấu hiểu được điều này?

Cống hiến là gì và tấm gương sống cống hiến 5
Mẹ cống hiến cả đời mình cho hạnh phúc gia đình

Có thể thấy, cống hiến là một đức tính tốt đẹp mà bất kỳ ai cũng nên rèn luyện. Sự cống hiến chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp đưa tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Qua bài viết này, bạn đọc đã có thể hiểu rõ khái niệm cống hiến là gì và ý nghĩa của nó. Chúng ta hãy cùng sống một cuộc đời thật đáng “sống” bạn nhé!

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận