Chờ...

Nhân văn là gì? Chủ nghĩa nhân văn là gì? Cách nuôi dưỡng lối sống nhân văn

(VOH) - Những giá trị tinh thần như vẻ đẹp xuất phát từ tâm hồn, tri thức, tình cảm,... đều là biểu hiện đẹp đẽ nhất của giá trị nhân văn. Vậy nhân văn là gì? Nó có thật sự cần thiết trong cuộc sống?

Con người chỉ sinh ra và sống một lần trong đời nên hãy sống sao cho trọn vẹn, cho ý nghĩa, để hướng đến chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Yêu thương, khoan dung, độ lượng với bản thân và người khác để xây dựng được lối sống nhân văn hoàn mỹ. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…

Hãy chuẩn bị cho bản thân những hành trang quý giá từ tâm hồn, tình cảm cho đến tri thức để vững tin bước vào đời. Đó là biểu hiện sâu sắc của giá trị nhân văn thông qua giá trị tinh thần. Vậy nhân văn là gì và làm thế nào để xây dựng được một lối sống nhân văn tích cực? 

nhan-van-la-gi-voh-0
 

1. Nhân văn là gì?

Nếu lý giải theo mặt chiết tự từng từ thì “nhân” ở đây được hiểu là người, chỉ những nét đặc trưng nổi bật của con người. Còn “văn” là văn học, văn hóa, văn minh. Nhân văn là sự kết hợp hài hòa giữa tri thức văn hóa và bản chất của con người thông qua hành động, suy nghĩ, cách giao tiếp, lịch sử, truyền thống.

Ngoài ra, nhân văn có thể hiểu đơn giản là những tư tưởng, tình cảm, quan điểm sống của từng người. Nó thường gắn liền với vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh, tình cảm, trí tuệ. 

Từ bao đời nay, con người luôn có sự gắn kết chặt chẽ với xã hội, cộng đồng. Bởi họ không sống riêng lẻ, đơn độc. Họ yêu thương, quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh vì “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Từ đó cho thấy các giá trị nhân văn luôn tồn tại và hiện hữu trong cuộc sống. Đó là những phẩm chất tốt đẹp mà con người luôn muốn hướng tới, giúp phần “người” trong chúng ta dần hoàn thiện.

Nhân văn giúp chúng ta phát triển bản thân qua từng ngày, xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp, văn minh và tử tế. Xã hội luôn đề cao những giá trị nhân văn, mong muốn được nhân đôi, gìn giữ và phát huy nhiều hơn nữa. 

nhan-van-la-gi-voh-1
 

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, sự yêu thương và sẻ chia là điều trân quý nhất mà ai cũng cần. Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người chạy theo giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần đáng quý cần được gìn giữ. Họ quên mất những phẩm chất tốt đẹp đó, sống một cách ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. 

Xem thêm: Thành ngữ ‘Nhường cơm sẻ áo’ và ý nghĩa ẩn dụ đằng sau câu nói đầy tính nhân văn

2. Chủ nghĩa nhân văn là gì?

Chủ nghĩa nhân văn (chủ nghĩa nhân bản) được xem là một nhánh triết học luân lý lớn. Trong đó, nó hướng đến lợi ích, giá trị và phẩm chất tồn tại bên trong con người. Đồng thời nó đề cao việc giáo dục nhân văn, tôn trọng những giá trị tốt đẹp của con người. 

Chủ nghĩa nhân văn không đơn thuần là đạo đức mà là một hệ thống các quan điểm, nhận định, đánh giá về con người với nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể là đời sống xã hội hay tự nhiên. Bên cạnh đó, nó còn ca ngợi và tôn vinh phần “người” khi chúng ta biết cách thể hiện tình yêu thương, nhân phẩm tốt đẹp và luôn coi trọng quyền được phát triển của người khác. 

Hàng nghìn năm nay, chủ nghĩa nhân văn là truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nó là bản sắc dân tộc độc đáo, là truyền thống văn hóa chủ đạo của đất nước. Do đó, chúng ta cần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã để lại. 

3. Làm thế nào để nuôi dưỡng một lối sống nhân văn cao đẹp?

Để có một lối sống đầy tính nhân văn, chúng ta cần nuôi dưỡng bản thân từ những điều đơn giản nhất. 

nhan-van-la-gi-voh-2

3.1 Là chính mình và bộc lộ cảm sống của bản thân một cách trọn vẹn

Người luôn sống thật với cảm xúc của bản thân là người đang theo đuổi lối sống nhân văn. Họ bộc lộ cảm xúc với mọi thứ trong cuộc sống, những hiện tượng diễn ra xung quanh. Họ sống chân thật, không giả tạo, thể hiện thái độ tình cảm giống như những gì họ nghĩ. 

Khi hình thành lối sống nhân văn, tâm hồn chúng ta sẽ an yên hơn, không ganh ghét, đố kị, không sân si, tham lam. Chúng ta sẽ không còn muốn thể hiện cái “tôi” quá rõ ràng, gai góc. Thay vào đó, chúng ta biết đồng cảm, yêu thương mọi người hơn, đau trước nỗi đau của nhân loại và vui trước niềm vui của người.

3.2 Mở rộng lòng mình, sống độ lượng và vị tha hơn

Nhờ có những giá trị tốt đẹp của nhân văn, chúng ta học được cách buông bỏ phiền muộn đúng lúc, tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Sống độ lượng với người khác cũng chính là khoan dung với chính bản thân mình. Từ đó, chúng ta cảm thấy bình yên và thư thái hơn trong tâm hồn. 

3.3 Hình thành thói quen độc lập, tự cường

Ai trong chúng ta cũng khát khao về một cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây được xem là giá trị to lớn và cao đẹp mà chúng ta hướng đến. Giá trị nhân văn này được thể hiện qua tình yêu quê hương và đất nước, mong muốn một cuộc sống hòa bình. 

3.4 Hướng đến khát vọng công lý, hy vọng hạnh phúc

Đặc biệt, lối sống nhân văn còn đề cao tinh thần bất khuất, kiên cường và luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ kẻ yếu. Con người luôn mưu cầu hạnh phúc, muốn tìm ra chân lý của cuộc sống, mong ước cái thiện chiến thắng. 

Nhờ vào những giá trị đó mà chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về con người và cuộc sống. Chúng ta thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, con người dần chạm đến chân - thiện - mỹ của cuộc đời.

4. Giá trị nhân văn trong tác phẩm văn học

nhan-van-la-gi-voh-3

Nhân văn là chỉ những giá trị tốt đẹp của con người. Một tác phẩm đầy tính nhân văn là tác phẩm thể hiện trọn vẹn phẩm chất, vẻ đẹp tinh thần của con người như vẻ đẹp trí tuệ, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm chân thành,...

Nhân văn là thước đo giá trị của người làm nghệ thuật. Nó thể hiện sự yêu thương, đồng cảm hay trăn trở của tác giả về con người và cuộc sống. Do đó, tác giả luôn xây dựng cho tác phẩm những giá trị nhân văn cao đẹp trong việc khẳng định và đề cao giá trị con người. Điều này giúp độc giả cảm nhận sâu sắc những nét đặc trưng, độc đáo của con người.

Xem thêm: 40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sức khỏe mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc

5. Những câu nói đầy tính nhân văn hướng con người đến chân -  thiện - mỹ cuộc sống 

Chúng ta sẽ có đôi lần vấp ngã, gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng bạn đừng vội nản lòng. Hãy thả hồn vào những câu nói hay đầy tính nhân văn dưới đây để giúp bạn có thêm động lực và yêu đời hơn nhé!

nhan-van-la-gi-voh-4
  1. Yêu thương là cái gì đó vĩnh cửu. - Vincenl Van Gohg
  2. Luôn luôn có niềm hy vọng cho người nào bình tâm suy nghĩ về cuộc sống.- Katherine Logan
  3. Bao lâu bạn vẫn còn tự tin ở bạn, thì người khác vẫn còn tin bạn. - Cynda Williams
  4. Đừng quá xem trọng điều gì. Hãy tiếp nhận mọi sự may rủi một cách nhẹ nhàng. - Jepfecson
  5. Đứng vững và không nghĩ rằng mình sẽ ngã thì sẽ chẳng bao giờ ngã. - H.Andersen
  6. Khi tất cả những cái khác đã mất đi thì tương lai vẫn còn. - Bové
  7. Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người. Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào điều đó cả. - Elvis Presley
  8. Trong xã giao đừng đổi bạn thành thù mà hãy đổi thù thành bạn. - Pythagore
  9. Tình bạn là nhận thêm niềm vui và chia bớt nỗi buồn. - Thomas Fuller
  10. Nhân từ, ngọt ngào là dấu hiệu của tính cao thượng. - Pythagore
  11. Có những tình cảm sống suốt cả đời và chỉ chấm dứt cùng với đời sống. - Fosefine
  12. Đứng sau động từ “yêu thương” thì “giúp đỡ” là động từ đẹp nhất trên thế giới. - Bertha Von Suttner
  13. Đừng bao giờ mất kiên nhẫn, đó chính là chiếc chìa khoá cuối cùng mở được cửa. - Saint Exupery 
  14. Tình thương yêu là một trái cây luôn nở rộ và vừa tầm hái. - Mẹ Teresa
  15. Trong tâm hồn cao thượng tất cả đều cao thượng. - Pascal
  16. Lòng yêu thương là điều mà chúng ta có thể mang theo khi chúng ta ra đi, và nó khiến cho giây phút cuối trở nên dễ dàng chịu đựng. - Louisa May Alcott
  17. Tình yêu không có thời hạn, chừng nào trái tim còn đập người ta còn yêu. - Karamzin
  18. Hãy có lòng nhân ái, bởi vì bất kỳ ai bạn gặp đều đang chiến đấu gian khổ hơn bạn. - Plato
  19. Phải yêu bạn vì hạnh phúc thương yêu không vì lợi lộc có thể khai thác được. - La Bruyere
  20. Cư xử với con người bằng sự chân thành sẽ được đáp lại bằng sự chân thành. - Khuyết danh
  21. Hãy khám phá những điều nhỏ nhoi đang làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Những khoảnh khắc ấy là những hạt vàng trên lối đi toàn sỏi đá… Để ta nhận ra rằng “Cuộc đời là một điều kỳ diệu”. - Trích Trái tim có điều kỳ diệu
  22. Tất cả kho tàng trên trái đất không thể nào so sánh nổi với hạnh phúc gia đình. - Calderon
  23. Nơi nào có tình thương yêu, thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu. - Loilla Cather
  24. Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, hạnh phúc đích thực của con người chỉ có bấy nhiêu thôi. - Epicure
  25. Đừng che dấu tình yêu và sự dịu dàng của mình cho đến khi bạn lìa đời. Hãy làm cuộc đời bạn tràn đầy sự ngọt ngào. Hãy nói những lời thân thương khi bạn còn nghe được và tim bạn còn rung động. - Henry Ward Beecher 
  26. Giúp những người khác là giúp chính mình. Điều tốt nào chúng ta cho đi chắc chắn sẽ quay trở lại với chúng ta. - Flora Edwards
  27. Tình yêu cho đi sẽ được đáp lại bằng tình yêu, tình thương cho đi sẽ được đáp lại bằng tình thương. - Khuyết danh 

Nhân văn là ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối cho chúng ta, hướng con người đến chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Nó là kim chỉ nam đúng đắn giúp chúng ta rèn luyện và hoàn thiện bản thân mỗi ngày tốt hơn. Hãy xây dựng cho mình một lối sống nhân văn để san sẻ và cho đi nhiều hơn nhé!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet