Hy sinh là gì? Biểu hiện của sự hy sinh trong cuộc sống

VOH - Hy sinh là một trong những giá trị cốt lõi của xã hội, giúp tạo nên môi trường sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Vậy hy sinh là gì?

Ngày nay, con người không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi những đức tính tốt để hoàn thiện bản thân. Một trong những phẩm chất quý báu đó là sự hy sinh. Vậy hy sinh là gì và nó có phải là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội?

1. Hy sinh là gì?

1.1 Khái niệm hy sinh là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học 1992, hy sinh (犧牲) có hai nghĩa:

  • Thứ nhất, hy sinh lợi ích cá nhân, tự nguyện chấp nhận sự thiệt thòi, mất mát về vật chất lẫn tinh thần vì một mục đích lớn lao, cao cả nào đó. 
  • Thứ hai, hy sinh có nghĩa là chết (mọi hoạt động, chức năng sinh lý của cơ thể ngừng hẳn) vì lý tưởng cao đẹp.

Tuy nhiên, nếu phân tích nghĩa hy sinh theo từng yếu tố thì nhiều người vẫn còn nhầm lẫn. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, từ hy sinh được hiểu đúng như sau:

  • Hy (犧): Con vật thuần sắc, làm thịt để cúng tế trời đất, thần linh. Thời cổ đại từ hy vốn chỉ việc dùng gia súc để cúng tế. Ngày nay, từ này mang hàm ý sự xả thân vì nghĩa.
  • Sinh (牲): Con vật sống dùng để hiến tế, chẳng hạn như dê, bò, lợn,...

Để làm rõ từ hy sinh, người ta còn dẫn điển tích vua Thành Thang (1847 - 1760 TCN) bên Trung Quốc lập đàn tế trời. Suốt 7 năm liền không có giọt mưa nào, đất đai bị hạn hán, dân chúng phải đối mặt với nguy cơ đói khổ. Vì vậy, vua quyết định lấy mình làm vật cúng tế để cầu mưa. 

Vua Thành Thang rời khỏi cung điện, đến khoảng đất trống trong rừng dâu và trực tiếp thực hiện nghi thức. Sau đó, trời tối và mưa rơi xuống như trút. Sự kiện này được xem là một tấm gương về sự hy sinh và tình cảm của ông dành cho dân chúng. Câu chuyện đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong lịch sử Trung Quốc.

Như vậy, từ hy sinh được hiểu đơn giản là quên sinh mệnh, quyền lợi mà làm việc vì mục tiêu chung. Đó có thể là hy sinh cả tính mạng, tiền bạc, thời gian, công sức.

Hiểu theo nghĩa nào thì hy sinh cũng là một hành động có sự cân nhắc, suy nghĩ cả về mặt lý trí lẫn tình cảm để đạt quyền lợi cho một cá nhân hay tập thể. Điều này giúp giảm thiểu thiệt hại cho bản thân hoặc nhóm người trong khả năng cho phép. 

hy-sinh-la-gi-voh-0
Hy sinh là chấp nhận thiệt thòi về mình - Ảnh: Canva

Xem thêm:
Ý nghĩa của cách sống cống hiến là gì mà lại được xã hội trân trọng đến thế?
Làm thế nào để có lối sống đẹp như những bông hoa tô điểm cho cuộc đời

1.2 Hy sinh tiếng Anh là gì?

Hy sinh tiếng Anh được dịch là “sacrifice”. Ví dụ như câu: My sacrifice will remain forever in their souls (Sự hy sinh của tôi sẽ mãi mãi ở trong tâm hồn họ). Hay câu: He has sacrificed everything for his brother. (Anh ấy hy sinh tất cả vì người em trai của mình).

2. Hy sinh thầm lặng là gì?

Hy sinh thầm lặng là hành động hy sinh mà người thực hiện không công khai hoặc không được biết đến rộng rãi. Nó xảy ra khi một ai đó quyết định hy sinh cho người khác hoặc lợi ích chung mà không cần đến sự công nhận hay khen ngợi của mọi người. 

hy-sinh-la-gi-voh-1
Sự hy sinh luôn bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất - Ảnh: Canva

Trong cuộc sống, sự hy sinh thầm lặng là sẵn sàng giúp đỡ người khác, không màng đến bản thân. Ấy là những con người cho đi mà không mong nhận lại.

3. Biểu hiện của sự hy sinh

Hy sinh chẳng ở đâu xa mà nó hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Vậy biểu hiện của sự hy sinh là gì?

  • Sẵn sàng giúp đỡ người khác: Người có đức tính hy sinh luôn giúp đỡ mọi người mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào. Họ có lòng trắc ẩn, quan tâm đến sự an vui, hạnh phúc của người khác.
  • Tôn trọng lời hứa: Người biết hy sinh thường luôn tôn trọng lời hứa, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân. Họ hy sinh thời gian, công sức và tài sản của mình để giữ lời hứa.
  • Không để bất kỳ ai bị tổn thương: Họ làm bất cứ điều gì để bảo vệ và giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người yếu thế.
  • Từ bi, khoan dung: Người hy sinh luôn thông cảm, bao dung với người khác. Họ quan tâm, chia sẻ khó khăn, nỗi đau của những người xung quanh.
  • Hy sinh cho lợi ích chung: Người có đức tính hy sinh thường có tinh thần đồng đội, sẵn sàng hy sinh cho lợi ích chung của cộng đồng. Họ tin rằng hành động của mình sẽ đem lại điều tốt đẹp cho người khác và xã hội.

Xem thêm:
Người có lòng khoan dung sẽ nhận được điều gì trong cuộc sống?
Hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc?

4. Vai trò, ý nghĩa của sự hy sinh trong cuộc sống

Hy sinh là một giá trị đạo đức cao quý của con người. Nó có tầm quan trọng trong cuộc sống. 

  • Hành động hy sinh có thể giúp tôn vinh và khẳng định nhân phẩm của con người, chứng tỏ rằng họ có trách nhiệm với cộng đồng, có lòng yêu nước sâu sắc.
  • Hy sinh cũng thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến mọi người, cộng đồng. Họ sẵn sàng đánh đổi những điều quan trọng của bản thân để bảo vệ, cứu giúp người khác.
  • Hy sinh còn tạo động lực cho cộng đồng, thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó và khơi gợi tinh thần đóng góp của mọi người.
  • Những người có đức tính hy sinh thường trở thành tấm gương sáng truyền cảm hứng, động lực giúp mọi người cố gắng hơn trong cuộc sống, hướng con người đến chân - thiện - mỹ của cuộc đời.

5. Hy sinh - Sự đánh đổi xuất phát từ trái tim bao dung

Sự hy sinh là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những con người hy sinh bản thân để giúp người, giúp đời.

Chẳng hạn, các anh hùng áo vải đã ngã xuống vì hòa bình, cuộc sống ấm no của nhân dân. Những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc của chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ. Tất cả họ đều không quản khó khăn, gian khổ mà hăng hái tham gia chiến đấu.

Khi bom đạn chiến tranh qua đi, đức tính hy sinh của con người vẫn luôn hiện hữu. Sự hy sinh của lực lượng y, bác sĩ được thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19. Những “thiên thần áo trắng” lao mình vào trận chiến không tiếng súng. Họ chiến đấu từng phút, từng giây để giành lại sự sống cho đồng bào. Họ đã ngày đêm chống dịch, không màng đến bản thân mà đi vào vùng dịch để bảo vệ sức khỏe người dân. 

Hy sinh là gì? Hy sinh là
Sự hy sinh thầm lặng của các anh bộ đội trong đại dịch Covid-19 - Ảnh: TTXVN

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta còn bắt gặp sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ dành cho con cái. Họ đã dùng cả cuộc đời chăm lo cho các con, mong sao chúng có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Bao nhiêu giọt mồ hôi rơi là bấy nhiêu nỗi vất vả, gian truân mà cha mẹ đã trải qua. Nhưng họ không than vãn, không oán trách vì họ tự nguyện và cảm thấy xứng đáng.

Bên cạnh đó, người vợ, người mẹ đã hy sinh cả quãng đời tươi trẻ của mình để chăm lo cho gia đình. Họ quán xuyến việc nhà để chồng con yên tâm phát triển bản thân, sự nghiệp. Những người phụ nữ ấy luôn có một trái tim ấm áp, bao dung và tình yêu thương vô bờ bến.

Thậm chí, sự hy sinh trong tình yêu cũng là điều đáng được tôn vinh. Nó không lớn lao như xả thân vì dân, vì nước hay không thiêng liêng như sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Hy sinh trong tình yêu đơn giản, bình dị đến lạ thường. Bởi những người yêu nhau luôn chấp nhận đánh đổi hoặc từ bỏ mong muốn của mình chỉ để mong đối phương được hạnh phúc.

Xem thêm:
Sự sẻ chia là gì? Ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống?
Tấm lòng nhân ái của con người - sợi dây gắn kết và lan tỏa yêu thương

6. Hy sinh có phải là điều bắt buộc?

Hy sinh không phải để đổi lấy một thứ gì đó cho bản thân. Sự hy sinh phải luôn xuất phát từ tâm. Do đó, người có đức tính hy sinh sẽ luôn được mọi người quý mến, kính trọng. Nhờ có họ mà xã hội có nhiều tình yêu thương, con người trở nên gần gũi và sống hạnh phúc hơn. 

hy-sinh-la-gi-voh-3
Hy sinh là hành động tự nguyện, không phải trách nhiệm của bất kỳ ai - Ảnh: Canva

Tuy nhiên, hy sinh không phải là điều bắt buộc. Đó là một hành động tình nguyện của mỗi người. Bởi hy sinh quá nhiều, người khác sẽ xem đó là chuyện hiển nhiên và lợi dụng. Đặc biệt, hy sinh một cách mù quáng, không cẩn thận hay không có mục đích rõ ràng thì sẽ phản tác dụng, gây ra những hậu quả xấu. Nếu hy sinh cho những điều không xứng đáng còn được xem là sự lãng phí, làm hại đến bản thân và xã hội.

Mặc dù đức tính hy sinh tốt đẹp là thế nhưng ngày nay vẫn còn đâu đó những kẻ sống vô cảm, ích kỷ. Họ có lối sống chủ nghĩa cá nhân rất cao, chỉ quan tâm đến bản thân, thờ ơ và không biết hy sinh vì người khác. Những con người ấy đáng bị lên án và phê phán.

7. Những bài thơ về sự hy sinh

Sự hy sinh là một trong những đức tính cao quý của con người, nó thể hiện tình cảm yêu thương và lòng trắc ẩn sâu thẳm. Hy sinh được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống đến những hành động to lớn, đầy ý nghĩa và nhân văn. Bằng những câu thơ đậm chất tâm hồn, thơ về sự hy sinh giúp chúng ta trân trọng và đánh giá cao hơn giá trị của sự hy sinh trong cuộc sống.

7.1 Thơ hay nói về sự hy sinh của người lính

Có lẽ không có bất cứ nghề nghiệp nào đòi hỏi sự hy sinh cao như người lính. Họ hy sinh sức khỏe, tinh thần cho đến tính mạng để bảo vệ quê hương, đất nước. Những con người ấy mang trong mình trọn vẹn một lời thề với nước non, nhân dân. Thơ hay nói về sự hy sinh của người lính là một cách để tôn vinh, cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của những người hùng vô danh này.

1. Đồng chí

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

 

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá, chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Chính Hữu)

hy-sinh-la-gi-voh-4

2. Anh lính đảo

Từ biệt em anh lên đường ra đảo

Để làm tròn đạo nghĩa với quê hương

Dòng nhật ký ăm ắp bóng người thương

Làm chỗ dựa trên chiến trường ác liệt.

 

Chắc tay súng canh biển trời đất Việt

Noi chiến công oanh liệt bốn nghìn năm

Chặn vòi rồng của bọn giặc hung hăng

Muốn lấn biển san mặt bằng chiến hạm.

 

Với quyết tâm không cho dòng biển cạn

Nguồn tài nguyên có hạn của dân ta

Như tiếng sóng giữa lòng biển bao la

Anh viết lên những bài ca bất hủ.

 

Em đừng buồn khi căn nhà vắng chủ

Bởi tâm hồn đang lưu trú bên em

Nơi đảo xa anh đứng gác ngày đêm

Vẫn hạnh phúc bởi biết em mong nhớ.

(Mạc Phương)

3. Lính mà em

Nơi biên giới điệp trùng cây lá

Nhớ mẹ hiền nhớ cả em yêu

Hoàng hôn bóng ngả về chiều

Thư nhà anh đọc bao điều gửi trao.

 

Nụ hôn ấm ngọt ngào em tặng

Khúc nhạc tình sâu lắng yêu thương

Anh đi khắp mọi nẻo đường

Tình em nồng ấm vấn vương theo hoài.

 

Anh đi lính dặm dài bước mỏi

Giữa ngàn cây thầm gọi yêu à

Suối rừng róc rách chim ca

Từng tia nắng tỏa chan hòa lung linh.

 

Chỉ em hiểu tâm tình người lính

Bước quân hành lỉnh kỉnh quân trang

Ba lô đạn dược súng quàng

Ngôi sao trên mũ ánh vàng đêm trăng.

(Bằng Lăng Tím)

4. Bộ đội màu xanh

Cơn mưa rừng suối khe hung dữ

Quét tan nhà cửa, chia cắt dân

Các anh áo xanh màu Tổ quốc

Hàn đắp vết thương nối xóm làng.

 

Sao trên mũ tỏa ánh hào quang

Như năm ngón tay Bác Hồ chỉ lối

Dân như nước nuôi cá bộ đội

Không một ai có thể tách rời!

 

Hòa bình giặc núp khắp mọi nơi

Lấp niềm tin bao người lạc hướng

Màu áo xanh gieo mầm sự sống

Tình quân dân càng đẫm sắc màu.

 

Đánh giặc nội xâm không súng gươm

Bằng nhân nghĩa, trái tim trong sạch

Những quốc nạn dần dần lẩn tránh

Bộ đội vì dân khi Tổ quốc cần …

 

Các anh là trụ cột của thời gian

Bộ đội áo xanh không phai màu đất nước

Trái tim yêu máu căng lồng ngực

Bám đất, giữ trời sáng rực tuổi Xuân!

(Phan Huy Hùng)

hy-sinh-la-gi-voh-5

5. Nơi đầu sóng

Chiều qua em vừa ra thăm biển

Con sóng chan hòa kể chuyện đảo xa

Nơi đầu sóng, ngọn gió là nhà

Anh đứng gác giữa phong ba, bão táp.

 

Cây bàng vuông che anh bóng mát

Sóng du dương ca hát vỗ mạn thuyền

Cho quê nhà cuộc sống được bình yên

Cờ Tổ quốc khắp mọi miền phấp phới.

 

Bình minh lên rạng ngời ngày mới

Tàu nối tàu giăng lưới khơi xa

Những mẻ cá lấp lánh đẹp như hoa

Luôn rực rỡ chan hòa trong nắng sớm.

 

Cũng có lúc sóng gầm gào, vật lộn

Cuồn cuộn dâng dữ dội đến nao lòng

Biển gồng mình gạn đục lại khơi trong

Cho con sóng thôi ngày đêm giằng xé.

 

Cũng như anh luôn hướng về đất Mẹ

Dưỡng tình yêu xem nhẹ những nhọc nhằn

Sát cánh bên nhau chia sẻ khó khăn

Giữ biển quê hương xem thường vất vả...

 

Nghe sóng kể mà lòng em rộn rã

Biển quê hương ôm trọn cả tim hồng

Gửi ra anh nơi ấy một tấm lòng

Luôn trân quý những người con của biển.

(Hoàng Như Phượng)

6. Quảng Trị anh hùng

Tám mươi mốt ngày đêm lịch sử

Thật hào hùng vinh dự biết bao

Dòng sông Thạch Hãn ngọt ngào

Hiền Lương cầu nối yêu sao quê mình.

 

Nhớ một thuở điêu linh tang tóc

Mỹ rải bom suốt dọc tuyến đường

Bom cày đạn xới bụi vương

Biết bao máu đổ chiến trường Khe Sanh.

 

Pháo đạn bắn gãy cành săng lẻ

Tiếng em thơ gọi Mẹ nghẹn ngào

Nhói lòng đau xót biết bao

Máy bay oanh tạc thét gào bom rơi.

 

Các chiến sĩ không rời tay súng

Chí kiên cường anh dũng xông pha

Giữ yên mảnh đất quê nhà

Mong ngày thống nhất cờ hoa đủ màu.

 

Lớp Cha trước… con sau tiếp bước

Đường Trường Sơn xuôi ngược đoàn người

Hòa bình hạnh phúc muôn nơi

Vọng vang tiếng Bác đời đời nhớ ơn.

 

Dù gian khổ không sờn ý chí

Những người con thế kỷ hai mươi

Về thăm Thành Cổ nghẹn lời

Trầm hương dâng kính chẳng vơi nỗi buồn.

(Bằng Lăng Tím)

7. Yêu lắm bộ đội mình

Bộ đội mình sao lạ thế hả anh?

Bao khó khăn lại cứ dành lấy hết

Ngày nắng hay mưa chẳng hề biết mệt

Giữ trọn lời thề dù quyết hy sinh.

 

Bộ đội mình vẫn bị nói linh tinh

Họ ngồi bóng râm cho mình là giỏi

Tay chẳng làm đâu nhưng miệng thì cứ nói

Mặc kệ bao lời bộ đội vẫn hành quân…

 

Bộ đội mình cống hiến chẳng phân vân

Mỗi lúc nguy nan khi dân cần là có

Thương quê hương từng lá cây, ngọn cỏ

Quân phục xanh màu trái tim đỏ tình yêu.

 

Bộ đội mình vất vả biết bao nhiêu

Dịch khắp nơi nơi dân đang nhiều đau khổ

Xếp bút nghiên, gấp lại từng cuốn sổ

Tạm biệt gia đình, xa đơn vị vào Nam.

 

Dân của mình giữa đại dịch chịu cam

Trăm nỗi khó khăn sức làm sao chống nổi

Gạt riêng tư hành quân ngay đêm tối

Bộ đội đến rồi! Lòng dân ấm lại thôi.

 

Từng ngả đường tràn màu áo anh tôi

Chốt chặn kiểm tra, lái xe rồi vận chuyển

Từng túi hàng trao tay, chỉ mắt nhìn lưu luyến

Cái gật đầu trọn ấm nghĩa Quân – Dân.

 

Ở đâu thì cũng giống những người thân

Mỗi cử chỉ đưa ra đầy ân cần trách nhiệm

Cả hậu sự liệu lo phần khâm niệm

Nén hương trầm kính cẩn tiễn người xa…

 

Dịch một ngày gần nhất sẽ dẹp qua

Đường phố lại hân hoan, từng khóm hoa đua nở

Góp vào chiến công của bao ngành rực rỡ

Bộ đội lặng thầm hạnh phúc ở trong tim…

(Hà Nhung)

8. Người lính già không khóc

Điếu thuốc trên tay nhìn phía trời xa

Giữa nghĩa trang người lính già không khóc

Sao trong tim hình như nghe tiếng nấc

Thương bạn mình hy sinh lúc tuổi xanh.

 

Anh ước gì nếu không có chiến tranh

Bạn của anh được học hành tử tế

Lấy vợ sinh con sớm hôm bên mẹ

Chẳng lìa đời lúc tuổi trẻ hai mươi.

 

Cầu mong bạn nơi chín suối ngậm cười

Bạn hy sinh cho bao người hạnh phúc

Vì nhân dân vì non sông tổ quốc

Bạn quên mình cho đất nước bình an.

 

Tổ quốc ghi công bạn nằm dưới nghĩa trang

Cuối chiều đông sương khói nhang nhoà nhạt

Người lính già nay mái đầu đã bạc

Trầm ngâm nhìn thấy mặn chát bờ môi.

 

Thương đồng đội anh chẳng nói lên lời

Đứng nơi đây nhớ về thời khói lửa

Cùng chiến đấu nơi chiến trường một thuở

Nghĩa trang buồn giờ hai đứa âm dương.

 

Anh hy sinh gửi lại cả máu xương

Tôi bỏ lại nơi chiến trường chân trái

Gió bấc lạnh chiều mùa đông tê tái

Xin bạn yên lòng nằm lại nơi đây.

(Nguyễn Đình Huân)

hy-sinh-la-gi-voh-6

9. Ngã ba không có ngã ba

Ngã ba mà không có ngã ba

Là ngã ba Đồng Lộc

Chiến đấu ở đây vô cùng khốc liệt

Vì một ngả đường vào chiến trường xa…

 

Mười cô gái: mười pho huyền thoại

Rất hồn nhiên yêu hoa cải hoa cà

Từng đố nhau và thức khuya tranh cãi

Hoa cải, hoa cà sao gạt khỏi loài hoa?

 

Vào chiến đấu là những Nữ Oa

Không vá trời mà mở đường vá đất

Hố bom trên dày, chồng chất

Bom gỡ rồi, đường mở tiễn xe qua.

 

Mười cô gái tên vô cùng bình dị

Như quê hương: Cúc, Nhỏ, Hợi, Tần…

Mang Hồng Lĩnh, Lam Giang đi đánh Mỹ

Nên hy sinh không giây phút ngại ngần.

 

Và nghĩa trang bên ngã ba Đồng Lộc

Đội hình mười cô, mộ đứng thẳng hàng

Đêm đêm, mười ngọn đèn không tắt

Dõi một đường đi, tư thế sẵn sàng.

 

Ngã ba mà không có ngã ba

Là ngã ba Đồng Lộc

Chỉ một ngã đường đẹp nhất quê ta…

(Phan Xuân Hạt)

10. Ngọc... nghiến!

Mảnh bom găm vào lòng đất

Toạc cả cánh rừng mênh mông

Tháng năm âm thầm khỏa lấp

Vá lành bằng tấm thảm xanh!

 

Mảnh bom găm vào người anh

Như hạt cát cấy vào lòng trai

Trai cho đời những viên ngọc

Anh cho đời cả tương lai…

 

Tương lai cứ thế đi qua

Mảnh bom thì mãi nằm lại

Trái gió trở trời ào thức

Khói bom cứ thế trào về…

 

Em ngược rừng, em tìm cây nghiến cổ

Để hiểu vì sao nu nghiến say lòng

Em đã hiểu để có sắc vân kỳ diệu ấy

Nghiến nghiến răng tích nhựa ủ hương nồng!

Anh! Người lính đi vào mênh mông…

(Phan Thúc Định)

Xem thêm:
Tuyển chọn những bài thơ về quê hương đưa bạn về với miền ký ức tuổi thơ
Tổng hợp chùm thơ lục bát về quê hương giúp bạn tìm về ký ức miền quê
Phác họa vẽ đẹp chiến đấu của người lính Việt qua 20+ bài thơ mang khí thế hào hùng

7.2 Chùm thơ về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái 

Câu chuyện về sự hy sinh của người mẹ, người cha luôn là nguồn cảm hứng vô tận của các thi sĩ. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục con trưởng thành, đem đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Chùm thơ về sự hy sinh của cha mẹ sẽ gợi lên những cảm xúc dạt dào trong lòng độc giả, giúp chúng ta nhớ và trân trọng cha mẹ nhiều hơn nữa. 

1. Nhớ lời mẹ cha

Mẹ là biển cả thênh thang

Cha là ngọn núi cao sang giữa đời

Cho con cuộc sống tuyệt vời

Với bao no ấm từ thời ấu thơ.

 

Mẹ hiền dìu những giấc mơ

Cho con chấp cánh bay vào tương lai

Ơn cha nghĩa mẹ đong đầy

Sớm hôm vất vã hao gầy lao tâm.

 

Chỉ mong con chớ sai lầm

Sa vào cạm bẫy thăng trầm thế gian

Dòng đời sóng gió miên man

Con yêu hãy nhớ đừng gian dối lòng.

 

Tiền tài vật chất hư không

Chỉ là một chút phấn hồng mà thôi

Làm người bể khổ đơn côi

Nên con đã hiểu được rồi mẹ ơi.

 

Từ nay đến trọn muôn đời

Con xin ghi khắc những lời mẹ cha

Sống luôn mang những thật thà

Yêu người yêu bạn mới là chính nhân.

(Phan Thanh Tùng)

hy-sinh-la-gi-voh-7

2. Công cha nghĩa mẹ

Suốt đời vất vả nắng mưa

Vì con, cha mẹ sớm trưa quản gì

Hằng theo từng bước con đi

Công ơn cha mẹ con ghi suốt đời

Tóc cha nay đã bạc rồi

Còng lưng dáng mẹ một đời vì con

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Đời đời truyền mãi câu ca

Ơn sâu tựa bể bao la tựa trời

Ai ơi xin nhớ suốt đời

“Sống tròn đạo hiếu” làm người chớ quên!

(Đào Quang)

3. Nỗi nhớ mẹ cha

Bao năm trôi dạt xứ người 

Chỉ mong sớm được yên vui bên nhà

Ân tình sâu nặng bao la

Tình thương cha mẹ hơn là biển khơi.

 

Đêm nay nước mắt con rơi

Vì thương cha mẹ một đời khổ mang

Chỉ mong con được vinh quang

Tương lai tươi sáng muôn vàn ngày sau.

 

Mẹ cha tóc đã bạc màu

Một đời lầm lũi dãi dầu nắng mưa

Tháng ngày vất vả sớm trưa

Gió sương dầm dãi bốn mùa gian truân.

 

Mẹ là hương sắc mùa xuân

Cha mang hơi ấm ủ từng giấc đông

Cho con giấc ngủ ấm lòng

Tình thương cha mẹ biển dâng sóng trào.

 

Ân tình hơn ngọn núi cao

Tình thương cha mẹ dạt dào tim con

Cả đời khắc dạ sắc son

Đời đời ghi nhớ công ơn đạo đồng.

(Nguyễn Quang Long)

4. Công cha nghĩa mẹ sinh thành

Chuyện đời lắm lúc trớ trêu

Đau thương vì bởi chữ nghèo trong ta

Dù sao cũng nhớ mẹ già

Dày công chăm sóc thiết tha nghĩa tình.

 

Cha là ánh sáng bình minh

Mẹ như trăng sáng lung linh đêm tàn

Cho con cuộc sống huy hoàng

Với bao mơ ước ngập tràn yêu thương.

 

Dẫu con luôn sống tha phương

Vẫn luôn ghi nhớ đoạn trường mẹ qua

Biển trời rộng lớn bao la

Nhưng không sánh nổi nghĩa cha cao vời.

 

Mẹ ơi con đã cạn lời

Mong sao chữ hiếu một đời xứng danh

Cảm ơn cha đã chân thành

Cho con cuộc sống trong xanh với đời.

(Phan Thanh Tùng)

5. Cha tôi

Đời cha khó nhọc gian truân lắm

Bốn mùa mưa nắng tắm mồ hôi

Những đêm đông lờ lững mây trôi

Giấc ngủ không đầy thương con thơ lạnh.

 

Bao ngày rã ròng mưa không chịu tạnh

Dáng lom khom gánh bó củi tròn

Mái tóc hằn màu sương gió mỏi mòn

Đôi chân gầy cũng không còn lành lặn.

 

Bát cơm không đầy chấm thìa muối mặn

Chén canh rau cha nuôi nấng đời con

Xin lỗi cha con chữ hiếu chưa tròn

Chút tài mọn con chưa làm nên sự.

 

Cha đã già con vẫn đứa con hư

Đã bao lần con hứa mình sẽ đổi

Chưa hiểu đời con mắc nhiều lầm lỗi

Cha vẫn là người dẫn lối đời con.

 

Con còn nhớ thuở bé lon ton

Đến bây giờ con sức dài vai rộng

Cha khổ cực – ân cần – lo toan – vất vả

Con tự dặn mình không vấp ngã đâu cha.

(Huỳnh Minh Nhật)

6. Thương cha

Thương cha nhiều lắm cha ơi

Cày sâu cuốc bẫm, một đời của cha

Đồng gần rồi tới ruộng xa

Ban mai vừa nở, chiều tà, sương rơi.

 

Nếp nhăn vầng trán bên đời

Vai cha mái ấm bầu trời tình thương

Dìu con từng bước từng đường

Lo toan vất vả đêm trường năm canh.

 

Bàn tay khô, cứng, sỏi, sành

Ôm con mưa, nắng, dỗ dành, chở che

Cha là chiếc võng trưa hè

Ru con ngon giấc tuổi thơ ngọt ngào.

 

Cha là những hạt mưa rào

Cho con uống mát biết bao nhiêu lần

Giờ đây con đã lớn khôn

Công cha như núi Thái Sơn trong lòng!

(Lê Thế Thành)

hy-sinh-la-gi-voh-8

7. Thương cha nhớ mẹ

Ơn đời con đã sinh ra

Biển khơi là mẹ, cha là núi non

Bao nhiêu vất vả gầy mòn

Mẹ cha đánh đổi cho con nụ cười.

 

Mẹ là tia nắng vàng tươi

Thắp lên ánh sáng trong người của con

Mẹ ơi hãy mãi cười giòn

Con yêu mẹ lắm dáng thon gầy gò.

 

Cha cho những bát cơm no

Mẹ cho câu hát điệu hò lời ru

Tóc con mọc tốt đầu xù

Bố ngồi cắt tỉa chỉn chu mượt mà.

 

Bây giờ con lớn đi xa

Thương cha nhớ mẹ tuổi già đơn côi

Lòng con thấp thỏm bồi hồi

Nhớ về nơi ấy sục sôi trong lòng.

(Minh Lộc)

8. Lục bát về cha

Cánh cò cõng nắng qua sông

Chở luôn nước mắt cay nồng của cha

Cha là một dải ngân hà

Con là giọt nước sinh ra từ nguồn.

 

Quê nghèo mưa nắng trào tuôn

Câu thơ cha dệt từ muôn thăng trầm

Thương con cha ráng sức ngâm

Khổ đau hạnh phúc nảy mầm thành hoa.

 

Lúa xanh xanh mướt đồng xa

Dáng quê hoà với dáng cha hao gầy

Cánh diều con lướt trời mây

Chở câu lục bát hao gầy tình cha.

(Thích Nhuận Hạnh)

9. Mẹ ơi, đời mẹ

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều

Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng

Mà lòng yêu sống lạ lùng

Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.

 

"Đắng cay ngậm quả bồ hòn,

Ngậm lâu hoá ngọt!" Mẹ còn đùa vui!

Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?

 

Quanh năm có nghỉ ngày nào!

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.

Rét đông đi cấy  đi cày

Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.

 

Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài

Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.

Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,

Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều.

 

Cắn răng bỏ quá trăm điều

Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.

Mẹ là tạo hoá tháng ngày

Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

(Huy Cận)

10. À ơi tay mẹ

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chắn bão qua mùa màng.

 

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi...

 

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái Mặt Trời bé con

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

 

Ru cho mềm ngọn gió thu

Ru cho tan đám sương mù lá cây

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

 

Bàn tay mang phép nhiệm màu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

 

Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau

À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình.

(Bình Nguyên)

hy-sinh-la-gi-voh-9

Xem thêm:
70 bài thơ về cha mẹ ngắn, thơ về công ơn bố mẹ hay nhất
Chùm thơ về cha hay và ý nghĩa nhất mà bạn không thể bỏ qua
Thơ ngắn về mẹ - Những bài thơ ý nghĩa chạm tới trái tim

8. Danh ngôn hay về sự hy sinh 

Sự hy sinh giúp con người học được tình yêu thương, lòng nhân ái và nâng cao giá trị cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu thêm những hành động đẹp của con người qua các danh ngôn hay về sự hy sinh dưới đây nhé!

  1. Yêu không chỉ là một danh từ, nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc, nó còn là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh. - William Arthur Ward
  2. Sự dịu dàng, hy sinh và hào phóng không là tài sản riêng của bất cứ chủng tộc hay tôn giáo nào. - Mahatma Gandhi
  3. Tôi chỉ tiếc rằng tôi chỉ có một cuộc đời để hy sinh cho đất nước của mình. - Nathan Hale
  4. Những người hy sinh vì đại nghĩa chẳng bao giờ thất bại. - Lord Byron
  5. Những thành tựu lớn lao được sinh ra từ sự hy sinh lớn lao và không bao giờ là kết quả của sự ích kỷ. - Napoleon Hill
hy-sinh-la-gi-voh-10
  1. Đức khiêm nhường đến từ tri thức; sức mạnh đến từ sự hy sinh. - Rudyard Kipling
  2. Sự hy sinh chẳng còn ý nghĩa sau khi bạn bắt đầu cảm thấy mình đang hy sinh. - Stefan Zweig
  3. Chúng ta hãy hy sinh ngày hôm nay để con cái chúng ta có một tương lai tốt đẹp hơn. - Abdul Kalam
  4. Sự hy sinh của con người trong tình yêu không tỷ lệ thuận với niềm hạnh phúc mà họ giành được, người càng muốn yêu lại càng không được yêu... - Tân Di Ổ
  5. Không thể có tiến bộ hay gặt hái được thành tựu mà không có sự hy sinh. - James Allen

9. Stt hy sinh vì tình yêu hay, ý nghĩa

Chắc hẳn ai cũng từng trải qua những cảm xúc hỷ nộ ái ố trong tình yêu. Những khoảnh khắc ấy không chỉ làm cho chúng ta hiểu thêm giá trị của tình yêu mà còn giúp cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn. Đừng bỏ qua những stt hy sinh vì tình yêu hay, ý nghĩa sau đây nhé!

  1. Thật ra tình yêu rất đơn giản. Yêu hết mình và hy sinh đúng lúc.
  2. Hy sinh vì tình yêu là điều nên làm, nhưng đừng hy sinh vì những người không xứng đáng. Hy sinh nhiều thứ đấy, nhưng rút cuộc người ta vẫn bỏ bạn mà đi và biến những hi sinh của bạn trở thành vô nghĩa.
  3. Thanh xuân của phụ nữ ấy à? Đừng bao giờ để hy sinh cho những điều không đáng. Phụ nữ sinh ra là để được hưởng hạnh phúc chứ không phải để hy sinh!
  4. phụ nữ hiện đại, đừng bao giờ hy sinh quá nhiều. Đừng bao giờ dốc cạn kiệt vốn liếng của thanh xuân cho một ai đó.
  5. Tình yêu không chỉ là nhận được mà còn là cho đi. Yêu là mong muốn người mình yêu thương được hạnh phúc, vui vẻ mỗi ngày.
  6. Yêu không phải là sở hữu mà là hy sinh, chấp nhận đánh đổi mọi thứ để bảo vệ tình yêu.
hy-sinh-la-gi-voh-11
  1. Hy sinh trong tình yêu không phải là một việc đơn giản. Chỉ khi bạn yêu bằng một trái tim chân thành và đầy nhiệt huyết thì bạn mới làm được điều đó.
  2. Trong tình yêu hiếm khi sự hy sinh được thực hiện một cách công bằng. Sẽ luôn có một người hy sinh nhiều hơn, một người hy sinh ít hơn. Yêu đơn phương chính là một sự hy sinh vô tư và chua xót nhất trên thế giới này. Không mong được đáp lại, thậm chí càng không mong đối phương hay biết.
  3. Thì ra tình yêu tốt đẹp nhất không có những lời thề non hẹn biển, không có những đóa hồng ngát hương. Nó chỉ có sự hy sinh nhỏ bé thầm lặng và một trái tim cảm nhận chân thành. Trái tim ấy giống như là viên kim cương lấp lánh được vớt lên từ dưới đáy biển sâu.
  4. Tình yêu thực sự không phải yêu vì sự đền đáp hy sinh. Đó là cam tâm tình nguyện thầm lặng hy sinh vì đối phương, không bao giờ nghĩ đến mình sẽ được đền đáp như thế nào.

10. Loài hoa tượng trưng cho sự hy sinh

Loài hoa tượng trưng cho sự hy sinh là hoa mào gà. Loài hoa này có xuất xứ từ Ấn Độ, thân thảo, thẳng đứng. Lá có hình bầu dục, hoa có nhiều màu sắc nhưng phổ biến nhất là màu đỏ thắm. Vì là cây ưa nóng, ẩm nên hoa chỉ nở vào mùa hè. 

hy-sinh-la-gi-voh-12
Hoa mào gà - Biểu tượng của sự hy sinh - Ảnh: Eva

Hoa mào gà tượng trưng cho sự hy sinh bởi bắt nguồn từ một câu chuyện xưa. Chuyện kể rằng, tự xa xưa, có chú gà Mơ sở hữu một chiếc mào đỏ thắm trên đầu. Mọi vật đều ngưỡng mộ chiếc mào của chú. Chú rất hãnh diện và tự hào về nó. 

Một ngày nọ, gà Mơ lang thang kiếm mồi thì nghe tiếng thút thít của một loài cây ven đường. Cây than khóc vì mình không có hoa như các loài cây khác. Chú gà cảm thương cho loài cây bé nhỏ kia nên tặng cho cây chiếc mào mà chú yêu thích nhất. Từ đó, loài cây nở ra chùm hoa rực rỡ, đỏ thắm. 

Xem thêm:
Ý nghĩa của các loài hoa đẹp trong cuộc sống và tình yêu
101 loài hoa đẹp và nổi tiếng nhất thế giới hiện nay

Chúng ta là những con người xa lạ với trái tim ấm áp, bao dung, cao thượng luôn có ước mơ, hoài bão khác nhau. Tuy nhiên, nếu tất cả chúng ta cùng cố gắng nuôi dưỡng bản thân, biết hy sinh vì nhau thì sẽ tạo ra được một thế giới tràn ngập tình yêu thương. Hãy sống với tâm thế cho đi, bởi "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".