Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhân nghĩa là gì? Tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo

(VOH) - Nhân nghĩa là một cụm từ xuất hiện từ khá sớm. Đồng thời, tư tưởng nhân nghĩa cũng được dân tộc ta đề cao và phát huy qua nhiều thế hệ. Vậy nhân nghĩa là gì?

Nhân nghĩa không chỉ là một tư tưởng cao cả mà còn là một lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Tư tưởng này mang tính chất nhân văn và có giá trị nhân đạo sâu sắc từ bao đời nay. Tư tưởng nhân nghĩa được nhắc đến rất nhiều trong danh ngôn, ca dao hay thơ ca,... của cha ông ta. Vậy nhân nghĩa là gì? Làm thế nào để hình thành một lối sống nhân nghĩa cho chính mình và cộng đồng? 

1. Nhân nghĩa là gì?

Nhân nghĩa là một khái niệm, hơn thế nó còn một phạm trù trong văn học và đời sống. Tuy nhiên, nhân nghĩa là gì không phải ai cũng biết và hiểu đúng về nó.

nhan-nghia-la-gi-voh-0
 

Trong các sách kinh điển Nho giáo, từ “nhân nghĩa” được hình thành bởi hai từ đơn lẻ là “nhân” và “nghĩa”, “nhân” được xem là gốc rễ của “nghĩa”. Nhân ở đây tức chỉ người và thiên về tình cảm trong mối quan hệ ngũ luân của con người, bao gồm vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn. Còn “nghĩa” là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi thực hiện các điều trong mối quan hệ trên.

Do đó, nhân nghĩa có thể được hiểu là lòng thương người, sự đối xử với người theo lẽ phải và là tình cảm, thái độ, tư duy, làm việc đúng đắn, phù hợp với luân thường đạo lý của con người. Đây là nền tảng sức mạnh để chiến thắng, là tư tưởng cao đẹp mà từ bao đời nay cha ông ta luôn theo đuổi với mong muốn gây dựng nên nền văn hiến mang bản chất truyền thống của cả dân tộc Việt Nam.

Đặc trưng nổi bật của nhân nghĩa phải nói đến là thế hệ sau luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ trước. Ngoài ra, nhân nghĩa còn được biểu hiện ở lòng nhân ái, sự yêu thương và giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn mà không đắn đo, tính toán hay sự đùm bọc nhau khi sa cơ lỡ bước,...

Tư tưởng nhân nghĩa giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Nó hướng con người đến chân - thiện - mỹ của cuộc đời, làm cho chúng ta thêm yêu cuộc sống và có động lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn. Vì thế, có thể khẳng định rằng, nhân nghĩa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ thời xưa đến nay và mãi về sau.

2. Tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo

nhan-nghia-la-gi-voh-1
 

Trong Nho giáo, tư tưởng nhân nghĩa xuất hiện từ khá sớm sớm và trở nên phổ biến. Tư tưởng cũng như những quan điểm khác nhau về nhân nghĩa này phản ánh tinh thần của con người và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của người Việt Nam chúng ta.

Theo Khổng Tử, “nhân” là yêu người và để yêu người thì phải hiểu người. Còn “nghĩa” là cách cư xử dựa trên việc hiểu người. Nhân nghĩa luôn thể hiện phẩm chất, tư tưởng của người quân tử, hướng đến mối quan hệ đề cao sự công bằng. 

Nói đến tư tưởng nhân nghĩa, không thể không nhắc đến tư tưởng của Mạnh Tử - người kế tục Khổng Tử. “Nhân, nghĩa” giữ vị trí cốt lõi và là cái gốc của 4 đức: nhân, nghĩa, lễ, trí. Còn “lễ” và “trí” phục vụ cho “nhân, nghĩa”. 

Theo Mạnh Tử, có được hai phẩm chất đạo đức cơ bản đó thì con người ta có thể thông đạt thiên hạ. Nhân nghĩa là yêu cầu đạo đức mà ai cũng có. Do đó, “người nhân thì yêu người” là bản chất con người và là nguyên tắc đạo đức phổ biến ở mọi nơi. Đây có thể xem là bước mở rộng và nâng cao của Mạnh Tử đối với tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử. 

Bên cạnh đó, Mạnh Tử xem nhân nghĩa là một quy phạm đạo đức điều tiết các mối quan hệ trong gia đình, từ đó làm cơ sở để thực hiện tư tưởng chính trị xã hội. Ông không chỉ xây dựng nền tảng lý luận “thuyết tính thiện”, mà còn là câu trả lời cho căn nguyên của các phạm trù đạo đức.

Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo chính là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi, rèn giũa con người. Chỉ khi mỗi cá nhân hình thành được tư tưởng ấy thì xã hội, cộng đồng mới phát triển và tốt đẹp hơn.

Xem thêm:
Đạo lý là gì? Những câu nói về đạo lý sống làm người trên đời
Những câu nói về tâm đức khiến ta phải suy ngẫm
Giải thích ý nghĩa câu nói “Có tài mà không có đức” ngụ ý điều gì?

3. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là sự kế thừa và phát triển từ tư tưởng của Nho giáo. Ông tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Mạnh Tử một cách sáng tạo, không quá máy móc. Ông phát triển tư tưởng đó, vận dụng nó để đánh địch, và thông qua tư tưởng nhân nghĩa ông thể hiện lòng yêu nước thương dân sâu sắc của mình.

nhan-nghia-la-gi-voh-2
 

Tư tưởng “Dân vi quý” của Mạnh Tử thấm sâu vào Nguyễn Trãi. Đối với ông, nhân dân là nỗi lòng thương xót, niềm tin yêu, là sức mạnh. Do đó, nhân dân chính là định hướng cho toàn bộ tư tưởng của ông. Đồng thời, nhân nghĩa là một tư tưởng, là một phương pháp luận hết sức quan trọng. Nó thường được thể hiện trong nhiều tác phẩm của ông như Quân trung từ mệnh tập, Ức trai thi tập, Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập,... 

Nội dung tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trước hết được thể hiện theo tư tưởng nhân nghĩa truyền thống. Nhân nghĩa cũng vẫn là cái gốc của người lãnh đạo, người cai trị dân, vì “Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc”. Nó là cái gốc ứng xử của người lãnh đạo, của bậc quân vương đối với người dân “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, viện công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”. 

Có thể thấy rằng đường lối cứu nước bằng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đề ra là đường lối hoàn toàn khác so với nhân nghĩa của Nho giáo truyền thống. Tiếp theo, tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi gắn kết biện chứng với tư tưởng thuận dân và an dân, biết trọng dân, ơn dân, thấy được vai trò, sức mạnh của nhân dân.

Nguyễn Trãi là một nhà nho, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Nho giáo nên ông cũng lấy đạo nhân nghĩa là đầu. Nhưng bản thân ông lại là người Việt, vì thế, nhân nghĩa của ông mang đậm tinh thần nhân nghĩa của văn hóa Việt.

Có thể thấy, điểm khác biệt trong tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi so với Nho giáo Khổng - Mạnh là ở chỗ, nhân nghĩa trước hết là để “yên dân”. Trong các văn thư gửi cho tướng giặc và dụ hàng các thành, Nguyễn Trãi đề cập rất nhiều tới vấn đề này.

Nhân nghĩa là thực sự coi dân là gốc nước, phải thực sự gắn với nhân dân, phải thương yêu dân, phải vì nhân dân và cho nhân dân. Nhân nghĩa là phải cứu nước, cứu dân. Muốn cứu nước, cứu dân trước phải lo trừ bạo. Lòng nhân nghĩa đó trong tư tưởng của Nguyễn Trãi chính là sức mạnh bảo vệ quốc gia dân tộc. Có thể nhận định đây là cái nhìn hết sức mới mẻ và nhân văn của ông.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng, thậm chí đối với cả kẻ thù. Đây là nét độc đáo riêng trong tư tưởng của ông. Nguyễn Trãi mang tư tưởng ấy đi xây dựng một đất nước thái bình để khắp nơi không còn tiếng giận oán sầu. 

Tư tưởng của Nguyễn Trãi là một tư tưởng tích cực, tiến bộ và ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng nhân nghĩa về sau. Ông xem nhân nghĩa như một nghệ thuật, một binh pháp để điều binh khiển tướng, xây dựng một đất nước giàu mạnh, mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân. 

4. Ca dao, tục ngữ hay về nhân nghĩa

Tư tưởng nhân nghĩa dạy con người sống phải luôn hướng thiện, làm những điều tốt, biết yêu thương và giúp đỡ người khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Do đó, nó được vận dụng nhuần nhuyễn vào ca dao, tục ngữ, đem đến bài học giá trị cho đời sau. Cùng tham khảo một số câu tục ngữ thành ngữ sau để thấy rõ tư tưởng tốt đẹp ấy của dân tộc ta nhé!

  1. Vay chín trả mười.
  2. Lá lành đùm lá rách.
  3. Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa.
nhan-nghia-la-gi-voh-3
 
  1. Đường mòn nhân nghĩa không mòn.
  2. Chia ngọt sẻ bùi.
  3. Oán cừu thì cởi, nhân nghĩa thì thắt.
  4. Ăn ở có nhân, mười phần chẳng khó.
  5. Ở đời có đức, mặc sức mà ăn.
  6. Tìm nơi có đức gửi thân, tìm nơi có nhân gửi của.
  7. Rách lành đùm bọc, dỡ hay đỡ đần.
  8. Thương người như thể thương thân.
  9. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
  10. Nhường cơm sẻ áo.
  11. Vì tình vì nghĩa không ai vì đĩa xôi đầy.
  12. Vi nhân bất phú vi phú bất nhân
  13. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết

Xem thêm:
Chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người
40 câu tục ngữ về con người và xã hội được dùng hằng ngày

Hay tư tưởng nhân nghĩa đi vào trong ca dao, trở thành chủ đề phổ biến trong kho tàng ca dao Việt Nam. Với những câu từ đơn giản và mộc mạc, cha ông ta đã mang đến bài học, thông điệp quý báu về truyền thống nhân nghĩa cho cả thế hệ sau.

  1. Dương trần phải ráng làm hiền,
    Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.
  2. Anh đừng thấy đăng mà phụ đó
    Đừng chê em nghèo khó mà vội phũ phàng,
    Anh coi đồng tiền mới có sớm mai mà chiều đã mất
    Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim.
  3. Ra về em nắm áo kéo xây
    Bao nhiêu nhân nghĩa trả đây rồi về.
  4. Thương nhau chẳng luận sang hèn
    Nghĩa nhân mới trọng, bạc tiền đâu hơn.
  5. Trên cao đã có thánh tri
    Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ.
  6. Khi vui ngồi ghế gảy đờn
    Khi buồn muốn dứt nghĩa nhơn cho rồi.
  7. Ở cho có nghĩa có nhân
    Cây đức lắm chồi, người đức lắm con
    Ba vuông sánh với bảy tròn
    Đời cha ân đức, đời con sang giàu.
  8. Áo cụt cũ, ân tình không cũ,
    Đường tuy mòn, nhân nghĩa không mòn.
    Ta đi tìm bạn đầu còn hơi sương.
    Đứng xa kêu hớt người thương
    Người thương lúc trước, giờ đứng đường chờ ai ?
  9. Nhân nghĩa nào giữ được lâu
    Vắng chồng hôm trước hôm sau ngứa nghề!
  10. Ruộng sâu cấy lúa đứng chùm
    Biết ai nhân nghĩa chỉ giùm làm ơn
  11. Thương ai chữ nghĩa hơn vàng
    Chữ nhân coi trọng, chữ sang bình thường.
  12. Mảng coi hạc tắm suối vàng
    Cây cao vội ngã lấp đàng nghĩa nhân
    Nghĩa nhân là nghĩa nhân đồng
    Qua không biểu bậu bỏ chồng theo qua
  13. Chẳng tham của sẵn anh đâu
    Tham vì nhơn ngãi của đầu móng tay
  14. Anh về cưa ván đóng đò,
    Trước đưa quan khách, sau dò nghĩa nhân.
  15. Đường mòn, quen lối quen chân
    Bao năm lên xuống ngãi nhân chưa tròn.
  16. Qua không ham rộng ruộng lớn vườn
    Ham vì nhân ngãi cang thường mà thôi.
  17. Nghĩa nhân anh dứt em không chô
    Để ra truông vắng khó no rồi về.
  18. Ai ơi bưng bát cơm đầy
    Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Dù trải qua bao năm tháng thăng trầm thì tư tưởng nhân nghĩa vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và đem đến giá trị, ý nghĩa thiết thực cho thế hệ con cháu người Việt đến bây giờ và mai sau. Chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước hãy hình thành lối sống sống “nhân nghĩa”, biết yêu người và hiểu người để cùng chung tay xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc, một đất nước giàu mạnh.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận