Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu nói “Có tài mà không có đức” ngụ ý điều gì?

(VOH) – Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe câu “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vậy câu nói đó đang ẩn ý điều gì?

Ai ai trong chúng ta đều mong muốn có thể trở thành một người tài giỏi và có ích cho xã hội, thế nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Người có tài thì chưa chắc đã có tâm và ngược lại, giống như câu nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

1. Câu nói ‘Có tài mà không có đức’ có ý nghĩa gì?

Trong buổi trò chuyện thân mật với các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ nỗi lòng chân thành của mình tới những mầm non nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Khi ấy Bác đã nói rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

Đây chính là lời răn dạy và là tư tưởng mà Bác muốn truyền tải tới các em, để các em luôn nỗ lực phấn đấu, trở thành một người tài đức vẹn toàn. Để hiểu được ý nghĩa của câu nói trên, trước hết ta cần hiểu được ẩn ý trong từng con chữ.  

co-tai-ma-khong-co-duc-voh-1

‘Tài’ có thể được hiểu là năng lực, là thiên phú của mỗi người trong cuộc sống hoặc trong công việc. ‘Tài’ được biểu hiện rõ nét ở trình độ học vấn, khả năng tiếp thu kiến thức và sự nhanh nhạy khi học hỏi, khám phá các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. 

‘Đức’ có thể hiểu là những đức tính tốt đẹp của con người. Đức chính là đạo đức, là lối sống và cách hành xử giữa người với người. Người có ‘Đức’ sẽ biết cách cư xử đúng đắn, lịch thiệp, lễ phép và biết tôn trọng mọi người xung quanh. Biểu hiện của ‘Đức’ phần lớn nằm ở tính cách, là sự ngoan ngoãn hiểu chuyện, biết kính trên nhường dưới, sống thật thà, khiêm tốn

Tuy hai vế này không thuộc cùng một phạm trù, nhưng nếu như con người ta chỉ có tài hoặc chỉ có đức mà thiếu mất vế còn lại thì không thể được xem là một người tốt đẹp. Bởi lẽ nếu chỉ có tài mà không có đức thì sẽ khó nhận được sự trọng dụng và yêu quý. Ngược lại người có đạo đức nhưng lại không có tài thì cũng sẽ khó lòng làm nên “đại sự”. Tuy nhiên, kiểu người này vẫn nhận được tình cảm và sự trân trọng của những người xung quanh.

Như vậy, câu nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng” như muốn nhấn mạnh, chúng ta ai cũng có những điểm mạnh-yếu khác nhau, nếu như bạn chỉ nhìn vào điểm mạnh mà lờ đi điểm yếu thì sẽ khó lòng thành công. Muốn trở thành một người con có ích cho đất nước, bạn cần phải nỗ lực phát huy điểm mạnh và đồng thời cải thiện mặt yếu kém của chính mình. Có như vậy mới phát huy được tối đa năng lực, và nhanh chóng gặt hái được những thành quả trong cuộc sống.

Xem thêm: Học theo câu tục ngữ ‘Có chí thì nên’ - Rèn luyện ý chí để thành công

2. Có tài mà không có đức sẽ gây ra hệ lụy gì cho đất nước?

Người có tài đương nhiên sẽ được ngưỡng mộ và trọng dụng, tuy nhiên tài năng cần đi kèm với đạo đức và phẩm chất tốt đẹp thì mới có thể tồn tại lâu dài. 

Đức và tài chính là một thể song hành đi cùng với nhau, giúp nâng đỡ nhau cùng phát triển. Đức là gốc, khi có gốc vững vàng bạn mới có đủ điều kiện để phát triển tài năng. Và cũng chính tài năng sẽ góp phần tô điểm cho cái đức thêm tỏa sáng. 

Xã hội ngày càng phát triển, những người tài đức càng được đất nước trọng dụng. Thiếu một trong hai cũng khó lòng góp sức giúp đất nước ngày càng đi lên, giàu mạnh. Đặc biệt là với những người có tài mà không có đức, sớm muộn gì cũng sẽ gây tổn thất lớn và bị đào thải.

co-tai-ma-khong-co-duc-voh-2

Bởi lẽ trong bất cứ một môi trường làm việc nào cũng vậy, không một ai muốn giữ một người xấu tính bên mình. Thậm chí trong trường hợp bạn làm chủ, bạn giỏi nhưng lại sống không có tâm, đối xử không tốt với đồng nghiệp và cấp dưới thì cũng chẳng ai muốn làm việc cùng với bạn.

‘Đức’ mới là cái giúp bạn nhận được sự yêu mến và trân trọng thực lòng từ những người xung quanh. Nếu chỉ có tài mà không có đức, thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ rất hạn chế, các mối quan hệ xã hội cũng sẽ bị ỳ trệ hoặc dần dần biến mất. Ngay cả những mối quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm cũng sẽ chẳng thể bền lâu, bởi chúng ta đâu ai muốn kết giao với những người có đạo đức kém.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Thả con săn sắt bắt con cá rô’ và bài học về tầm nhìn, giá trị và cơ hội

3. Có tài mà không có đức thể hiện ra sao trong đời sống?

‘Có tài mà không có đức’ cho thấy sự yếu kém và suy đồi về mặt đạo đức, người có tài có thể thành công và giàu có, nhưng nếu không có đức thì họ sẽ chẳng nhận được sự tôn trọng thật lòng từ những người xung quanh.

Ví dụ như: 

“Bạn A là một học sinh giỏi, thành tích rất tốt thế nhưng tính cách lại không tốt. Bạn ấy sống rất ích kỷ, vì thấy mình giỏi nên coi khinh người khác, có những lời lẽ xúc phạm người kém hơn. Như vậy chính là sống không có đức, dù không ai phủ nhận cái giỏi của bạn, nhưng cũng sẽ chẳng có ai yêu mến bạn.”

“Nhân viên B là một người có tài, bạn ấy có thành tích học tập xuất sắc, có kỹ năng chuyên môn thế nhưng thái độ làm việc lại rất hống hách. Bạn ấy không hề có tinh thần đồng đội, thường hay khinh thường hoặc cố ý gây khó khăn cho người khác. Người như vậy sẽ không nhận được sự tôn trọng từ phía đồng nghiệp, thậm chí ngay cả cấp trên cũng sẽ ghét bỏ. Dù bạn có giỏi đến đâu mà không được trọng dụng, không được cất nhắc thì mãi mãi vẫn chỉ là một nhân viên nhỏ bé.”

Không có đức thì tài năng của bạn rồi sẽ bị mài mòn, sẽ trở nên phí phạm vì nó không thể được phát huy tối đa. Tài và đức luôn phải song hành với nhau, bằng không cái tài ấy sẽ trở thành thứ vô dụng. 

co-tai-ma-khong-co-duc-voh-3

Những biểu hiện của người ‘Có tài mà không có đức’ có thể kể đến như:

  • Vì giỏi mà kiêu ngạo, khinh thường người khác
  • Cậy quyền cậy thế không coi ai ra gì
  • Cậy mình có tiền mà khinh miệt người khác
  • Dùng tiền tài và quyền lực để sỉ nhục người khác
  • Cố ý gây khó dễ cho những người có địa vị thấp kém hơn mình
  • Khinh thường những công nhân viên làm việc ngoài xã hội
  • Dùng tiền tài để mua chuộc địa vị, thăng quan tiến chức
  • Nhận hoặc đi hối lộ để trục lợi cho bản thân
  • Lợi dụng cấp dưới, chèn ép, bóc lột sức lao động
  • Sống ích kỷ, chỉ biết thu lấy cái lợi cho bản thân
  • Không biết dạy dỗ con cái, để những đứa nhỏ trở nên kiêu căng và xấu tính

Có tài, có năng lực và sự hiểu biết nhưng lại không biết cách phát huy và sử dụng đúng chỗ, không biết cách để bản thân trở nên tốt đẹp hơn thì có tài thế nào đi nữa cũng vô ích. 

Một người có tài nhưng lại bỏ bê chữ “đức”, chỉ biết lo nghĩ cho bản thân thì sẽ khó mà có được tình cảm chân thành, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một kẻ cô độc. Khi đó cái tài của bạn sẽ không còn đáng được trân trọng nữa, sống không có đạo đức thì ngay cả bạn bè hay người cũng sẽ quay lưng lại với bạn.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ bàn về đạo lý nào trong cuộc sống?

4. Những câu ca dao, tục ngữ về đạo đức

Việt Nam ta có rất nhiều câu ca dao và tục ngữ xưa nói về đạo đức, qua những câu nói ấy, cha ông ta muốn răn dạy con cháu rằng hãy luôn giữ mình trong sạch, sống tử tế và có đạo đức. Người sống có đạo đức mới là bậc quân tử, là người được bạn bè và người thân nể trọng.

  1. Quân tử nhất ngôn.
  2. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng.
  3. Vô công bất hưởng lợi.
  4. Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại.
  5. Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.
  6. Giấy rách phải giữ lề.
  7. Chết trong còn hơn sống đục.
  8. Khẩu Phật tâm xà.

co-tai-ma-khong-co-duc-voh-4

  1. Uống nước, nhớ kẻ đào giếng.
  2. Nhân vô tín như xa vô luân.
  3. Thà chết vinh còn hơn sống nhục.
  4. Chữ tín còn quý hơn vàng.
  5. Đất lành chim đỗ, đất ngỗ chim bay.
  6. Một lần bất tín, vạn lần bất tin.
  7. Lời nói như đinh đóng cột.
  8. Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
  9. Cái nết đánh chết cái đẹp.
  10. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
  11. Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên.
  12. Đừng ham nón tốt dột mưa, đừng ham người đẹp mà thưa việc làm.
  13. Dù đẹp tám vạn nghìn tư, mà chẳng có nết cũng hư một đời.
  14. Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
  15. Người đừng khinh rẻ người.
  16. Người chết, nết còn.
  17. Kính già yêu trẻ.

Xem thêm: ‘Rút dây động rừng’ và hàm ý được ẩn giấu đằng sau về một đức tính con người cần rèn luyện

Những ẩn ý trong câu nói ‘Có tài mà không có đức là người vô dụng’ dường như luôn đúng trong mọi hoàn cảnh dù đã bao nhiêu năm trôi qua. Rõ ràng, một người sống có đạo đức, có khiêm nhường thì mới có thể ngày càng phát triển và có một cuộc sống đầm ấm hòa thuận. Hãy luôn nhớ rằng, nếu có tài mà không có đức thì sớm muộn cũng sẽ trở thành kẻ vô dụng.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet     
         

Bình luận