Khiêm tốn là đức tính mà ai cũng được học, được rèn luyện ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng để trở thành người khiêm tốn chúng ta cần cả một quá trình rèn luyện và trước hết phải hiểu được khiêm tốn là gì?
1. Khiêm tốn là gì?
1.1 Khái niệm khiêm tốn
Trong cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn bạn thường xuyên nghe thấy từ khiêm tốn. Mọi người thường khuyên người khác rằng sống phải biết khiêm tốn, thế nhưng khi hỏi khiêm tốn là gì thì không phải ai cũng định nghĩa hay giải thích rõ ràng được.
Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp của con người. Người khiêm tốn là người đánh giá được chính xác khả năng của mình, biết mình biết ta, không kiêu căng, tự phụ, không đề cao bản thân một cách quá mức. Ta có thể biết được một người có khiêm tốn hay không thông qua lời nói và cử chỉ của họ.
Khiêm tốn không phải là tự nhận mình kém cỏi, không bằng người khác. Khiêm tốn chỉ là xóa bỏ những điều không tốt như tự cao, tự mãn, ngạo mạn... Người khiêm tốn sẽ tự biết mình đang có gì và chưa có gì, họ biết được chính xác khả năng của bản thân, có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Bên cạnh đó, họ cũng có cách, có thái độ cư xử đúng mực, hòa nhã cũng như giữ mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.
1.2. Trái nghĩa với khiêm tốn là gì?
Trái nghĩa với khiêm tốn chính là kiêu căng, kiêu ngạo. Nếu khiêm tốn là một đức tính tốt cần được giữ gìn và rèn luyện thì kiêu căng là đức tính không hề tốt chút nào, cần được loại bỏ. Người kiêu căng là người tự cho mình hơn người khác, từ đó dễ xem thường người xung quanh.
Cách cư xử của người kiêu căng thường khiến mọi người khó chịu và không có thiện cảm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, người kiêu căng cũng tự bó hẹp con đường phát triển của bản thân vì vậy họ thường rất khó có thể tiến xa.
Xem thêm: Ảo tưởng sức mạnh - ATSM là gì?
1.3. Khiêm tốn tiếng Anh là gì?
Nếu trong tiếng Việt ta chỉ dùng một từ khiêm tốn trong mọi ngữ cảnh thì trong tiếng Anh lại có ít nhất 3 cách khác nhau để diễn đạt đức tính tốt đẹp này. Đó là modest, humble’, humility. Trong đó, modest và humble là tính từ, còn humility là danh từ.
Ví dụ:
- He was a very modest man. (Anh ấy là một người đàn ông rất khiêm tốn.)
- We should be humble enough to recognize that even our most confident judgements might be wrong. (Chúng ta nên khiêm tốn để nhận ra rằng ngay cả những đánh giá mà chúng ta tự tin nhất cũng có thể sai.)
- I'm trying to teach him a lesson in humility. (Tôi đang cố gắng dạy anh ấy một bài học về sự khiêm tốn.)
2. Người khiêm tốn là người như thế nào?
Đọc định nghĩa khiêm tốn là gì có thể chúng ta sẽ cảm thấy khá mông lung. Đôi khi, khiêm tốn chỉ thể hiện ở những điều vô cùng nhỏ nhặt. Vậy làm thế nào để nhận biết người khiêm tốn? Những biểu hiện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Có lòng biết ơn
Người khiêm tốn là người biết mình có gì và người khác cho gì. Họ trân trọng những điều nhận được từ người khác, không chỉ từ những người đưa tay ra giúp đỡ mà cả những người “đẩy ngã” họ để họ có được bài học. Và vì không coi mình hơn người khác nên người khiêm tốn luôn biết cách trân trọng những giá trị dù là nhỏ nhất.
Có tinh thần học hỏi
Người khiêm tốn đánh giá được chính xác năng lực bản thân, biết mình còn hạn chế ở mặt nào. Đó chính là lý do vì sao mà họ luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi, rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức. Nói cách khác, những người sở hữu đức tính này không tự đề cao bản thân, không tự phụ nên thường có năng lực hay nhu cầu học hỏi rất mạnh.
Nhận rõ thiếu sót của bản thân
Người khiêm tốn có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân nên có thể nhìn rõ cũng như chấp nhận thiếu sót của bản thân. Tuy nhiên, họ sẽ không vì vậy mà tự ti, giấu dốt, ngược lại sẽ biến chúng trở thành động lực để hoàn thiện bản thân.
Xem thêm: Kiềm chế cảm xúc - Làm chủ bản thân - Làm chủ cuộc đời
Không ngủ quên trên chiến thắng
Khiêm tốn là không tự mãn về bản thân cũng như những gì đạt được. Dù thành quả xứng đáng với nỗ lực mà bản thân bỏ ra nhưng cuối cùng chúng cũng chỉ là tiền đề đến tiến xa hơn. Nhận thức rõ điểm này nên người khiêm tốn hoàn toàn có thể tránh được “cái bẫy’ ngọt ngào ở phía sau sự thành công.
Không so sánh
Một trong những thói quen không tốt thường thấy ở mọi người là hay so sánh với người khác. Người khiêm tốn không như vậy. Họ không so sánh, hơn thua mà thay vào đó, họ dành thời gian để cải thiện bản thân.
Biết đón nhận lời khen, tiếp thu ý kiến
Người khiêm tốn là người biết được vị trí của mình chứ không phải người luôn phủ nhận thành công. Khi đạt được thành quả, họ vẫn biết cách đón nhận lời khen của mọi người, một cách tự hào nhưng không kiêu ngạo. Thêm vào đó, họ cũng rất nghiêm túc trong việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người khác.
Biết cách giữ mối quan hệ
Bạn sẽ nhận thấy được người khiêm tốn thường có mối quan hệ rất tốt với đồng nghiệp và những người xung quanh. Họ giúp đỡ mọi người lúc họ gặp khó khăn, chia sẻ kiến thức, cởi mở, giữ thái độ đúng mực và quan trọng nhất là luôn đem lại cho người khác cảm giác dễ chịu
Biết chịu trách nhiệm
Khi có vấn đề xảy ra, người khiêm tốn không hề trốn tránh trách nhiệm mà sẽ nhận đúng lỗi của mình. Bởi họ không kiêu căng và biết cách đánh giá bản thân. Việc thẳng thắn nhìn nhận vào cái sai và sửa chữa chúng giúp họ không ngừng tiến bộ, tích lũy thêm kinh nghiệm cho tương lai.
Xem thêm: Cách cải thiện khả năng giao tiếp
3. Vì sao cần phải rèn luyện đức tính khiêm tốn?
Khiêm tốn là một trong những đức tính được nhắc đến trong 5 điều Bác Hồ dạy – "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Điều này không chỉ cho chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng đức tính quý báu này như thế nào mà còn khẳng định được sự cần thiết, vai trò quan trọng của chúng trong quá trình giáo dục con người.
Điều này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều vĩ nhân khác. Ăng-ghen đã từng nói "Hành trang quan trọng nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Hay như theo Karl Marx "Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa".
Thực tiễn cũng cho thấy rằng việc rèn luyện đức tính khiêm tốn vô cùng quan trọng. Khiêm tốn giúp bạn không còn bị bó hẹp trong cái giếng tri thức của bản thân mà có thể vươn xa ra ra thế giới bên ngoài, nhận rõ được điểm còn hạn chế để khắc phục nhược điểm, cải thiện bản thân.
Người khiêm tốn, lễ độ, tôn trọng người khác sẽ dàng gây thiện cảm với người xung quanh, từ đó dễ dàng phát triển các mối quan hệ. Như vậy, có thể nói khiêm tốn là “chìa khóa” quan trọng giúp bạn tiến tới thành công trong tương lai.
4. Làm thế nào để rèn luyện tính khiêm tốn?
Sau khi hiểu rõ được khiêm tốn là gì và tầm quan trọng của đức tính này trong cuộc sống, một số người sẽ tự hỏi làm thế nào để rèn luyện nó? Sau đây là những điều cần làm để rèn luyện đức tính khiêm tốn trong con người bạn:
- Học cách bao dung, thấu hiểu, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác và không ngại học hỏi.
- Biết ơn những gì mình đang có và những gì mình nhận được từ mọi người xung quanh.
- Không ngừng trau dồi thêm kiến thức mới, không ngừng hoàn thiện bản thân.
- Biết thừa nhận lỗi lầm, chấp nhận khuyết điểm của bản thân, có trách nhiệm và cố gắng tìm cách khắc phục.
- Không tự mãn, không tự đề cao bản thân hay hạ thấp người khác.
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ được khiêm tốn là gì và nhận thức rõ được vai trò của nó trong cuộc sống. Việc rèn luyện tính khiêm tốn vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp bạn đạt được nhiều thành công mà còn là nền tảng giúp xã hội ngày càng văn minh và phát triển.
Nguồn ảnh: Internet