Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

(VOH) - Trong vô vàn di sản văn hóa quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đời, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng luôn là bài học vỡ lòng của trẻ em Việt Nam.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam” 

(Nhạc sĩ Phong Nhã)

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. 5 lời Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng chính là bài học quý giá, mục tiêu phấn đấu của các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

1. Nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục các em, hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội, thành “chủ của nước nhà” trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Vì vậy, Bác đã có những lời dạy, bức thư và bài viết dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng trong đó có 5 điều Bác Hồ dạy. 

Dưới đây là năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng.

Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt,
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 1

2. Nguồn gốc 5 điều Bác Hồ dạy

Năm 1961, nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 – 15/5/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng, ân cần động viên và căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng. 

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 2
Nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 – 15/5/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng.

Năm 1965, trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ - phần quà dành cho giáo viên và học sinh đã hăng hái tham gia phong trào “Hai tốt” (Dạy tốt, Học tốt) trong năm học 1964 - 1965, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi đã được in hoàn chỉnh là: 

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ, 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy là không cân đối. Do đó, Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đều đủ 6 chữ.

Đặc biệt, Bác đã thêm chữ “Khiêm tốn” ở câu thứ 5 vì ngày càng nhiều tấm gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi như ở miền Bắc có gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng hay miền Nam xuất hiện dũng sĩ diệt Mỹ,... Vì không muốn các em tự kiêu nên Bác đã thêm từ “khiêm tốn” vào 5 lời Bác răn dạy thiếu niên, nhi đồng với mong muốn các em sẽ giữ vững tinh thần khiêm tốn học hỏi để tiến bộ mãi.

3. Ý nghĩa sâu sắc của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

5 điều Bác Hồ dạy học sinh là sự đúc kết kinh nghiệm rèn luyện từ bản thân Bác nhằm động viên thiếu nhi Việt Nam cố gắng phấn đấu trong lao động và học tập rèn luyện. Đồng thời, đây còn là mục tiêu, cương lĩnh giáo dục thiếu niên, nhi đồng Việt Nam thể hiện tính toàn diện nhằm xây dựng thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài. 

Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Điều đầu tiên Bác Hồ dạy thiếu nhi đồng là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, là cái nôi, cái gốc để có tình yêu nước, thương dân, bắt nguồn từ tình yêu thương cha mẹ, tình cảm đối với gia đình, quê hương xứ sở. 

Yêu Tổ quốc

Yêu Tổ quốc chính là ý chí quyết tâm giữ gìn từng tấc đất của quê hương, tuyệt đối không để đất nước bị mất tự do hoặc phụ thuộc vào nước khác. Khi Tổ quốc thanh bình phải hăng hái sản xuất làm cho đất nước giàu mạnh, yên vui, đồng thời phải hiểu biết, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Yêu đồng bào

Yêu đồng bào nghĩa là yêu quý, kính trọng tất cả những người con đất Việt mà biểu hiện gần nhất chính là cách giao tiếp, cư xử với mọi người, gia đình, bạn bè, thầy cô, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cuộc sống.

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 3
Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng

Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt

Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Phấn đấu học tập rèn luyện và lao động chính là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước.

Học tập tốt

Học tập tốt nghĩa là phải xác định đúng động cơ và thái độ học tập chăm chỉ. Học sinh không chỉ học trong sách, vở mà còn phải học tập ở bên ngoài cuộc sống hằng ngày. Cụ thể như: ở nhà, chuẩn bị bài học, sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ. Đến lớp phải chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, tích cực phát biểu, xây dựng và ghi chép bài đầy đủ,...

Lao động tốt

Lao động tốt là phải biết yêu lao động, quý trọng những thành quả và giá trị lao động của bản thân cũng như của người khác. Bác Hồ cũng từng căn dặn thiếu niên, nhi đồng Việt Nam rằng: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…”.

Như vậy, học sinh cần phải biết thực hiện lao động vừa sức, tích cực tham gia lao động cùng tập thể. Cụ thể như: trực nhật trường lớp, phụ giúp cha mẹ những công việc nhỏ,... Tóm lại, lao động giúp ta nâng cao sức khỏe, rèn giũa lòng kiên trì, nhẫn nại và hình thành thói quen tốt.

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 4
Bác Hồ với thiếu nhi ở Việt Bắc năm 1952

Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Điều thứ 3 trong 5 điều Bác Hồ dạy chính là “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”.

Đoàn kết tốt

Tình đoàn kết được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể và xa hơn nữa là trong cộng đồng. Trong học tập, đoàn kết là biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. 

Kỷ luật tốt

Kỷ luật tốt thể hiện ở việc chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy định của nhà trường cũng như những quy định chung ở nơi công cộng.  

Điều 4 : Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt là điều thứ 4 trong 5 điều Bác Hồ dạy. Ở đây, Bác muốn đội viên, nhi đồng phải biết giữ gìn vệ sinh ở trường, ở nhà, ở nơi công cộng cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Cụ thể như: ở trường, thường xuyên trực nhật, vứt rác đúng nơi quy định; ở nhà, biết giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà; ở nơi công cộng, phải biết giữ gìn vệ sinh chung; về bản thân, phải biết giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tác phong gọn gàng, thực hiện ăn chín, uống sôi,... 

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 5
Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1969

Điều 5 : Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Đây là những đức tính rất cần thiết đối với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

Khiêm tốn

Bác Hồ muốn các cháu thiếu nhi phải biết khiêm tốn vì đức tính này sẽ giúp các cháu tiến bộ. Khiêm tốn là không tự kiêu tự đại, biết tôn trọng và lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. 

Thật thà

Trong cuộc sống, trong học tập, đội viên, nhi đồng cần phải trung thực, không gian dối. Xây dựng lối sống trung thực với mọi người, gia đình, thầy cô và bạn bè.  

Dũng cảm

Đây là một đức tính cao quý của con người, cần phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Người dũng cảm sẽ luôn được mọi người quý mến.

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 6

Bác Hồ đến thăm, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi ở trường mầm non thị xã Thanh Hóa (10/12/1961)

4. Phong trào thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy

5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng luôn là nội dung được triển khai xuyên suốt trong công tác đội và phong trào thiếu nhi tại trường học cũng như địa phương.

Năm 2007, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội đồng Đội Trung ương phát động cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” nhằm khơi dậy trong thiếu nhi niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thông qua phong trào này, đội viên, thiếu nhi Việt Nam có thêm điều kiện để thi đua học tập, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, giúp các em nhận thức sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước trong thời kỳ mới. 

Nguồn gốc và ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng 7
Đội viên trường THCS Mường Thanh (Điện Biên) nghe cựu đại tá Nông Văn Khâu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu II, Trưởng Ban Liên lạc Chiến sĩ Điện Biên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu kể chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ (2003)

5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng chính là tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người đồng thời là tài sản vô giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. 

Nguồn ảnh: Internet