Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mua danh ba vạn bán danh ba đồng’

(VOH) - Với nhiều ý nghĩa sâu sắc răn dạy con người, câu thành ngữ “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” là bài học quan trọng mà thế hệ cha ông luôn muốn nhắc nhở chúng ta

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” không chỉ là lời nhắc chúng ta về cách làm người mà còn là bài học cuộc sống để xây dựng và phát triển bản thân tốt hơn. 

1. “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng” nghĩa là gì?

mua-danh-ba-van-ban-danh-ba-dong-voh-1
Thế nào là "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"?

Là câu thành ngữ quen thuộc của người xưa, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” ý muốn nhắc nhở rằng để gây dựng, phát triển danh tiếng tốt, tiếng lành thì rất khó khăn, nhưng đôi khi chỉ cần một hành động xấu, lỡ lầm và dại dột cũng có thể đánh mất hết những uy tín đã tạo dựng trước đó. 

Cụm từ “mua danh” mang hàm ý ám chỉ hành động nhằm tạo dựng lên danh tiếng và uy tín, trong khi “bán danh” lại là hành vi phá hoại danh tiếng của bản thân. Việc sử dụng hình ảnh hoạt động mua và bán giúp mọi người dễ dàng hình dung và hiểu rõ hơn về câu thành ngữ đặc biệt này.  

Cùng với đó, “ba vạn” là đơn vị số đếm ý chỉ 30.000 hay 30 nghìn đồng (1 vạn = 10 ngàn = 10.000 đồng). Đây không phải là một số tiền lớn, nhưng “ba vạn” và “ba đồng” là hai con số cách xa nhau và chênh lệch rất nhiều. 

Như vậy, ý nghĩa dễ nhìn thấy nhất từ câu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” chính là việc gây dựng danh tiếng tốt thì tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cho danh tiếng cả đời xây dựng tan thành mây khói, để lại vết nhơ trong lòng mọi người, thậm chí tiếng xấu lưu truyền muôn thuở.

Thông qua câu thành ngữ này, thế hệ cha ông cúng muốn nhắc nhở con cháu ngày sau cần sống, hành xử sao cho đúng đắn, biết giữ chữ tín và không nên làm điều ác, mọi lời ăn tiếng nói cần đúng mực. Những đức tính tốt đẹp này sẽ giúp chúng ta tránh xa được những điều tiếng không tốt và đồng thời xây dựng cuộc sống lành mạnh, tích cực. 

Xem thêm: Cha mẹ sinh con trời sinh tính’ đúng hay sai?

2. Bài học cuộc sống qua câu nói “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”

Nhìn từ góc độ cuộc sống, xã hội xưa và nay đều rất xem trọng danh tiếng. Đơn giản như việc một người có danh tiếng tốt, hay làm điều thiện, sống tích cực thường sẽ được nhiều người yêu mến, quý trọng hơn. Thanh danh tốt thì làm gì cũng thuận lợi dễ dàng và ngược lại. 

Quan niệm trên dường như là một minh chứng để giúp con người sống thận trọng, tránh xa mọi cám dỗ và luôn chú ý lời ăn tiếng nói để không vướng vào những tệ nạn xã hội hay những điều tiếng không mong muốn.

Cũng nhờ câu thành ngữ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” mà con người sống và làm việc theo tổ chức, theo luật lệ và ràng buộc đạo đức. Đồng thời, con người cũng chú trọng đến việc ca ngợi những người tích cực làm điều thiện và chê trách những người làm điều xấu. Góp phần hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, “danh tiếng” không phải là thước đo chuẩn xác về giá trị của một con người. Một người đạo đức, sống chân thành và lương thiện vẫn có thể bị hiểu nhầm vì một vài lý do nào đó. Và cũng có nhiều kẻ tiểu nhân do thấu hiểu lòng người nên dễ dàng tạo dựng danh tiếng bằng nhiều thủ đoạn để che đậy những điều xấu của bản thân. 

Bởi vậy, không nên chỉ nhìn vào danh tiếng hay bề ngoài để quyết định bản chất của con người, mà chúng ta nên tiếp xúc và tìm hiểu kỹ hơn. Nhìn sâu vào bản chất mới có thể đưa ra được những nhận định đúng đắn, tránh khỏi những hành động đáng tiếc và hối hận.

Xem thêm: ‘Học thầy không tày học bạn’: Câu thành ngữ đề cao tinh thần học tập ở mọi lúc, mọi nơi

3. Một số câu ca dao, tục ngữ đồng nghĩa với “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”

mua-danh-ba-van-ban-danh-ba-dong-voh-2
Những câu nói hay liên quan đến "mua danh ba vạn bán danh ba đồng"

Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói hay nhằm nhắc nhở con người ta cần chú ý lời ăn tiếng nói, hành xử đúng mực để tạo dựng, giữ gìn, bảo vệ danh tiếng của bản thân. Vì chỉ cần một hành động lỡ lầm, có thể khiến chúng ta mang điều tiếng xấu. Cùng điểm qua một số câu tục ngữ, thành ngữ về lời ăn tiếng nói, cách cư xử trong cuộc sống:

  1. Đốn củi ba năm thiêu trong một giờ.
  2. Ăn có nhai, nói có nghĩ.
  3. Ăn lắm thì hết miếng ngon
  4. Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.
  5. Ăn một miếng, tiếng một đời.
  6. Khôn ba năm dại một giờ
  7. Của một đồng, công một nén.
  8. Một lần bất tín, vạn lần bất tin
  9. Lửa thử vàng gian nan thử sức.
  10. Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
  11. Người sa lời nói, như chim sổ lồng.
  12. Sảy chân, gượng lại còn vừa,
  13. Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.
  14. Tốt danh hơn lành áo
  15. Ngôn tất tiên tín.
  16. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng
  17. Chữ tín còn quý hơn vàng.
  18. Rộng miệng cả tiếng.
  19. Danh dự quý hơn tiền bạc

Xem thêm: 'Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa': Câu tục ngữ hay chỉ về các hiện tượng tự nhiên

4. Những điều nên tránh để không “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” 

mua-danh-ba-van-ban-danh-ba-dong-voh-3
Những cách để tránh "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"

Từ thành ngữ “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”, dưới đây là một số những quy tắc dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng và phát triển danh tiếng, tạo cơ hội để bản thân phát triển nhiều hơn nữa.

4.1. Ngưng đổ lỗi

Bất cứ ai khi mắc lỗi sai đều có xu hướng đổ lỗi cho một người hoặc một sự vật bất kỳ. Tuy nhiên, đây lại là hành động khiến người khác có cái nhìn xấu về bạn. Bạn có thể thành công trong suốt các dự án hay công việc nhưng chỉ cần bạn làm sai và đổ lỗi cho người khác, mọi nỗ lực của bạn sẽ đổ sông đổ bể. 

4.2. Nói không có sự suy nghĩ

Lời ăn tiếng nói là chìa khóa để giao tiếp và cũng là nhân tố đánh giá một con người. Nếu bạn liên tục nói mà không suy nghĩ, nói làm tổn thương đến người khác thì danh tiếng, thanh danh của bạn dễ bị người khác đánh giá xấu. Chú ý từng lời ăn tiếng nói, hành xử đúng đắn sẽ giúp bạn tạo dựng nên danh tiếng tốt cho bản thân. 

4.3. Tránh xa các tệ nạn xã hội

Vướng vào các tệ nạn xã hội hay hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật sẽ khiến người khác có cái nhìn không mấy tích cực về bạn. Dù cho trước đó bạn là người sống hết mình, hòa đồng nhưng chỉ cần mắc các tệ nạn xã hội một lần, mọi điều tốt bạn đã làm sẽ không còn ý nghĩa. Vì thế, hãy chú ý sống lành mạnh, tích cực và luôn tránh xa những tệ nạn của xã hội. 

Câu thành ngữ “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” đã thể hiện qua điểm sống đúng đắn về cách hành xử trong cuộc sống xưa và nay. Thông qua quan niệm đó, hy vọng các thế hệ hiện tại và tương lai sẽ học được cách ứng xử đúng đắn và phù hợp.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet