Người xưa thường quan niệm rằng ‘Cha mẹ sinh con trời sinh tính’. Bài viết dưới đây sẽ giải thích cụ thể ý nghĩa cũng như phân tích câu tục ngữ này để giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn.
1. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” nghĩa là gì?
Câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” là những kinh nghiệm dân gian được cha ông ta đúc kết từ xa xưa. Thành phần câu gồm hai vế phân biệt, cha mẹ là người sinh ra con, cho con hình hài, tuy nhiên tính cách, tính tình của đứa trẻ lại phụ thuộc vào “ông trời”.
Chúng ta thường thấy câu nói này được sử dụng sau khi cha mẹ trách phạt con hoặc nói với một người nào khác về hành vi, biểu hiện chưa chuẩn mực của đứa trẻ nhà mình.
Câu tục ngữ này thể hiện hàm ý rằng, trên thực tế có một số đứa trẻ có tính cách không giống với với cha mẹ, có sự khác biệt rất lớn so với những gì cha mẹ mong đợi. Tính nết này có thể do chính bản thân đứa trẻ, do “trời sinh” nên cha mẹ khó can thiệp được, phải chấp nhận.
Tuy nhiên, nếu xét về mặt khoa học, liệu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” có chính xác hay không? Các bạn hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
2. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” đúng hay sai?
Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2000, do Hoàng Phê chủ biên, tính cách là tổng thể những đặc điểm tâm lý trong cách ứng xử của một người, thể hiện thái độ điển hình trong các hoàn cảnh điển hình, và những đặc điểm này là tương đối ổn định ở mỗi người.
Như vậy, tính cách là để chỉ cách thức xử sự, phản ứng, thái độ tương đối ổn định của mỗi người trong các hoàn cảnh cụ thể. Nó gắn liền với quá trình hình thành và phát triển trong cuộc đời của mỗi con người. Những nét tính cách sẽ được tạo nên trong quá trình đứa trẻ tiếp thu tri thức, xã hội hóa từ môi trường nhỏ nhất chính là gia đình.
Vậy nên, “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” là câu tục ngữ dân gian tích lũy kinh nghiệm của người xưa chỉ hiện tượng có những đứa trẻ có tính cách, thái độ, hành vi không giống với cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, câu nói này không hoàn toàn chính xác. Bởi con cái luôn luôn được thừa hưởng bộ gen từ cha mẹ, vậy nên một phần nào đó trong nhân cách sẽ giống với những người sinh ra mình.
Bên cạnh đó, tính cách là thứ được hình thành và phát triển từ những trải nghiệm mà đứa trẻ được tiếp nhận trong cuộc sống, từ sự dạy dỗ của đấng sinh thành. Đối với mỗi đứa trẻ, sự xã hội hóa lớn nhất mà chúng được tiếp nhận đến từ gia đình. Do đó, những hành vi, cách ứng xử, thái độ, sự uốn nắn của cha mẹ cũng là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng.
Để phân tích kỹ hơn về điều này, chúng ta cần phải hiểu rằng, khi những người nói “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” để than thở về một hành vi chưa chuẩn mực của con mình, chưa chắc thực tế đã giống với những gì họ nói. Nghĩa là có thể chính cha mẹ cũng có những hành vi làm ảnh hưởng tới quá trình hình thành tính cách của trẻ, chỉ là bởi chúng ta là người lớn, đôi khi chúng ta bỏ qua những hành xử chưa phù hợp của mình.
Xem thêm: 37 câu ca dao, tục ngữ về lòng tự trọng rèn dũa phẩm chất con người
Khi đứa trẻ tiếp thu tất cả những trải nghiệm đó, từ đây hình thành cách hành xử và thái độ. Đến lúc này, chúng ta sẽ chỉ nhìn nhận ra là đứa trẻ sai, chứ không dễ để thấy rằng mình có liên quan đến cách hành xử như vậy.
Ví dụ cha mẹ bận rộn cả ngày đi làm, thường xuyên công tác xa nhà, không dành thời gian nào để chăm sóc hoặc trò chuyện với con mà giao con cho một người làm bảo mẫu. Những người cha mẹ này quan niệm rằng, mình đi làm kiếm tiền vất vả để nuôi con, vậy nên con phải hiểu rằng mình mới là người yêu thương và chăm lo cho con.
Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ, đặc biệt là trẻ càng nhỏ thì càng cần nhiều sự chăm sóc, thể hiện tình yêu thương, sự che chở, chúng sẽ không thể hiểu được rằng một người không bao giờ gặp gỡ và bày tỏ sự quan tâm lại là người yêu mình nhất. Đối với những đứa trẻ, giá trị liên quan đến vật chất không thể so với tình cảm và sự gắn bó. Chính vì vậy, chúng có xu hướng xa cách, không nghe lời hoặc thậm chí là nổi loạn khi cha mẹ yêu cầu, ép buộc chúng làm điều gì đó.
Lúc này, những người cha, người mẹ thường nói rằng, “Đúng là, cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Mình kiếm tiền để nuôi con, tức là mình rất yêu thương con, nhưng tại sao tính cách của con lại ngỗ nghịch, phản ứng mạnh mẽ đối với mình. “Tính cách này giống ai nữa không biết?”
Tuy nhiên, nếu nói đứa trẻ nào sinh ra cũng sẽ có tính cách giống với cha mẹ hay giống với những gì được cha mẹ dạy bảo thì cũng không chính xác. Như đã nói ở trên, tính cách liên quan rất nhiều tới trải nghiệm, các yếu tố bên ngoài như môi trường, cách giáo dục, sự tự ý thức của trẻ. Chính vì vậy, trẻ cũng có khả năng hình thành những khía cạnh riêng trong tính cách trong khi vẫn thừa hưởng nét tính cách được truyền từ cha mẹ, được cha mẹ dạy.
Thông qua những phân tích và ví dụ phía trên, có thể thấy rằng, câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” không sai nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Câu nói này chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ, không khái quát được toàn bộ vấn đề.
Việc có nên sử dụng câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” hay không phụ thuộc vào quan điểm và bối cảnh mà bạn sử dụng. Bởi xét ở khía cạnh nào đó nó cũng nêu ra được một hiện tượng trong đời sống, tuy nhiên, nếu nói về cách lý giải, câu này lại không hoàn toàn chính xác.
Xem thêm: 55 ca dao tục ngữ về lòng biết ơn, dặn dò trân quý nghĩa tình
3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về tính cách con người
Tương tự với câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ hay nói về tính cách con người.
- Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời.
- Trăm cái khôn dồn một cái dại.
- Khôn khéo vá may, vụng về cày cấy.
- Thật thà là cha quỷ quái.
- Người khôn không nỡ ra đòn, một lời nói nhẹ hãy còn đắng cay.
- Khôn từ trong trứng khôn ra, dại đến già vẫn dại.
- Có cứng mới đứng được đầu gió.
- Ăn ngay nói thật, mọi tật cũng lành.
- Trước có vụng rồi sau mới khéo.
- Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo.
- Khôn nhà, dại chợ.
- Khôn khéo lấy miệng mà xài, vụng dại lấy vai mà đỡ.
- Khôn khi vô sự, thảo khi no lòng.
- Khôn ngoan đến cửa quan mới biết.
- Của thế gian đãi người ngoan hiền thiên hạ.
- Biết việc trời, muôn đời không khổ.
- Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn.
- Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư - Con tài, lo láo, lo kiêu,
Con ngu thì lại lo sao kịp người. - Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em. - Con ơi! Mẹ bảo con này,
Học buôn, học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Dù no dù đói cho tươi,
Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan.
Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng.
Trước là đẹp mặt cho chồng,
Sau là họ mạc cũng không chê cười.
Thông qua bài viết này, hy vọng các bạn đã có cái nhìn rõ nét, cụ thể hơn về câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Theo dõi VOH để cập nhật những bài viết phân tích tục ngữ thành ngữ Việt Nam thú vị.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet