Chờ...

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Học thầy không tày học bạn’ khuyên ta điều gì?

(VOH) – Học tập là một quá trình thu nhận kiến thức diễn ra trong thời gian dài, trong quá trình này không ít lần chúng ta nghe đến câu ‘Học thầy không tày học bạn’. Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì?

Khi nhắc đến vấn đề học tập thì chúng ta phải nghĩ đến yếu tố con người và vai trò không thể thiếu chính là các thầy cô giáo. Thế nhưng, học tập là quá trình tiếp thu kiến thức trong thời gian dài và phải học từ nhiều đối tượng khác nhau, ngoài thầy cô giáo, bạn còn có thể học tập từ chính ông bà, cha mẹ, bạn bè... và cả những người xung quanh, như câu tục ngữ mà ông cha ta thường nói “Học thầy không tày học bạn”. 

1. Học thầy không tày học bạn nghĩa là gì?

Câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” theo nghĩa đen có nghĩa là trong một vài trường hợp việc học từ những người thầy cô giáo sẽ không hiệu quả bằng việc học từ những người bạn. 

Tuy nhiên, với nghĩa bóng thì câu tục ngữ này lại có một tầng nghĩa khác đó chính là ngoài việc chúng ta học những kiến thức ở trường từ các thầy cô giáo thì nên học tập từ nhiều nguồn khác nhau như: Anh chị, ông bà, bạn bè…những người bạn đôi khi họ sẽ là người gần gũi hơn với chúng ta so với các thầy cô giáo. 

Giải thích câu tục ngữ ‘Học thầy không tày học bạn’ nghĩa là gì? 1

Trong một lớp học thầy cô phải chịu trách nhiệm giảng dạy của nhiều học sinh khác nhau nên không thể nắm bắt được tình hình và quan tâm được hết mọi người. Đó là lý do vì sao bạn bè được coi là người quan trọng và thích hợp để cho chúng ta học hỏi. 

Như vậy, ý nghĩa cốt lõi của câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” chính là đề cao việc học tập của tất cả mọi người. Không chỉ dừng lại ở trường lớp mà ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng cần phải học hỏi để nâng cao tri thức.

Xem thêm: Ý nghĩa câu tục ngữ ‘không thầy đố mày làm nên’, những câu nói hay về tình thầy trò

2. Học thầy không tày học bạn khuyên chúng ta điều gì?

Câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” nói đến hai phương pháp học khác nhau nhưng nó không hề phủ nhận vai trò to lớn của người thầy, cô giáo trong việc giáo dục mỗi con người. Mà ngược lại, câu tục ngữ này còn cho thấy, ngoài việc học từ thầy cô giáo, chúng ta còn có thể học hỏi từ những người xung quanh để nâng cao sự hiểu biết và hoàn thiện bản thân.

Xét ở hiện tại, câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” lại càng đúng đắn hơn vì trong quá trình học tập việc hỏi từ bạn bè là rất cần thiết, bởi nó sẽ chúng ta giúp bổ sung những kiến thức còn thiếu ở trường lớp. Khi xã hội ngày càng phát triển sự hiểu biết của con người cũng ngày càng phải tăng lên, nếu như không chịu học hỏi thì bạn sẽ bị tụt hậu không theo kịp người khác. 

Hằng ngày, ở trường thầy cô giáo sẽ là người dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta những điều đúng đắn nhưng đó mới chỉ là kiến thức cơ bản mà chúng ta cần tiếp nhận. Ngoài giờ học, hay trong cuộc sống sẽ còn rất nhiều điều chúng ta cần phải học hỏi từ những người xung quanh. 

Như vậy, có những việc nếu thầy cô không thể trực tiếp chỉ bảo thì chúng ta có thể học hỏi từ bạn bè của mình. Hơn nữa, khi trao đổi, học hỏi với bạn bè cùng trang lứa thì trạng thái của chúng ta sẽ được thoải mái, tự tin, và tăng khả năng hỏi đi sâu vào vấn đề cần biết.

Giải thích câu tục ngữ ‘Học thầy không tày học bạn’ nghĩa là gì? 2
Học thầy không tày học bạn câu thành ngữ nói về học tập mỗi ngày

Học hỏi, tìm hiểu nơi bạn bè chính là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành đạt của mỗi cá nhân, nhưng trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi học sinh, người thầy vẫn đóng vai trò quyết định, bạn bè chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Bởi ông cha ta đã từng nói: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Xem thêm: 'Chiếc áo không làm nên thầy tu' – câu thành ngữ chứa đựng hàm ý sâu sắc không phải ai cũng rõ

3. Những câu tục ngữ về học tập hay nhất

Ngoài “Học thầy không tày học bạn”, kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam còn có không ít những câu tục ngữ, thành ngữ nói về tình thầy trò, về công lao dạy dỗ, giáo dục, học tập của thầy cô giáo. Chẳng hạn như:

  1. Học một biết mười.
  2. Có cày có thóc, có học có chữ.
  3. Ăn vóc học hay.
  4. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.
  5. Dốt đến đâu học lâu cũng biết.
  6. Học hành vất vả kết quả ngọt bùi
  7. Đi một buổi chợ học được mớ khôn.
  8. Học trò đèn sách hôm mai
    Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào
    Làm nên quan thấp, quan cao
    Làm nên vọng tía võng đào nghênh ngang.
  9. Kìa ai học sách thánh hiền
    Lắng tai nghe lấy cho chuyên ân cần.
  10. Dạy con từ thuở tiểu sinh
    Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
    Học cho “cách vật trí tri”
    Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông.
  11. Học là học đạo làm người
    Con đừng lêu lổng kẻ cười người chê.
  12. Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
    Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.
  13. Học là học để làm người
    Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.
  14. Học khôn đến chết, học nết đến già.
  15. Làm trai cố chí học hành
    Lập nên công nghiệp để dành mai sau.
  16. Nhân bất học bất tri lý
     Ngọc bất trác bất thành khí.
  17. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.​
  18. Khôn thì trong trí lượng ra
    Dại thì học lỏm người ta bề ngoài.
  19. Học thầy học bạn, vô vạn phong lưu.​
  20. Làm người mà được khôn ngoan
    Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay
    Nghề gì đã có trong tay
    Mai sau rồi cũng có ngày ích to.​
  21. Học là học biết giữ giàng
    Biết điều nhân nghĩa biết đàn hiếu trung.​

Như vậy, từ những giải nghĩa câu “học thầy không tày học bạn” chúng ta có thể thấy, ở bất kỳ thời đại nào muốn học tốt ngoài việc tiếp thu kiến thức ở nhà trường thì còn cần phải học hỏi những điều hay lẽ phải từ bạn bè và những người xung quanh. Do đó, hãy luôn là một con người học tập không có giới hạn và cũng đừng bao giờ tự mãn với những gì mà mình đã có mà hãy coi đó là nền tảng, bàn đạp để tiến xa hơn nữa.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet