Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Chiếc áo không làm nên thầy tu'

(VOH) – Nhân gian có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” như một lời nhắc nhở chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng vội đánh giá người khác thông qua hình thức bề ngoài.

Xã hội ngày nay, nhiều người thích xem trọng vẻ bề ngoài và xem chúng như một công cụ để đánh giá một người. Thế nhưng, nếu bạn là người biết nhìn xa trông rộng, biết suy tính kỹ càng hãy đánh giá con người về phẩm chất, thay vì đánh giá qua vẻ bề ngoài, bởi điều bạn nhìn thấy chưa chắc đúng về con người của họ. Cũng giống như câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu”  hay "manh áo không làm nên thầy tu" mà ông bà ta truyền dạy.

1. Thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” có nghĩa là gì?

Dường như chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận, đoán định một người từ vẻ bề ngoài của họ, bởi vì hễ mắt nhìn thì sẽ sinh ra liên tưởng, trong tâm tự nhiên cũng sẽ có những yêu-ghét, hiếm khi không có chút cảm xúc nào. Tuy nhiên, không có hình dáng bên ngoài nào đủ để nhận định giá trị một con người, và đó cũng chính là đại ý của câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

chiec-ao-khong-lam-nen-thay-tu-voh-0
Ý nghĩa sâu xa từ câu "chiếc áo không làm nên thầy tu' không phải ai cũng rõ

Hiểu đơn giản, một người khoác lên mình bộ áo nâu giản dị chưa chắc đã là một thầy tu “chính hiệu”. Bởi xã hội ngày nay muốn mặc gì chẳng được?! Chỉ cần bạn thích, ra chợ chọn một xấp vải mang ra tiệm may là đã có ngay một chiếc (manh) áo nâu sồng. Thêm vào đó, chỉ cần “tỉa” lại mái tóc cho gọn gàng là sẽ có ngay hình tướng một người tu.

Ý nghĩa sâu xa hơn của câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” chính là đừng vội vàng phán xét bất kỳ ai khi bạn chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài, vì chỉ khi tiếp xúc và làm việc bạn mới có thể hiểu được đối phương là người thế nào, lúc đó đánh giá hay phán xét cũng không muộn.

Thế giới này, mỗi người sinh ra đều mang một hình hài, một tính cách và một gia cảnh khác nhau. Không phải ai cũng may mắn có được khuôn mặt ưa nhìn, một nhan sắc xuất chúng hay gia cảnh giàu sang. Cũng như có người xinh đẹp thì cũng sẽ có người kém xinh.

Vốn dĩ với những người ta sinh ra có ngoại hình không được hoàn hảo đã là một điều kém may mắn, tuy nhiên cái cốt yếu vẫn là năng lực và đóng góp mà họ xây dựng cho xã hội. Một người có ngoại hình xấu không đồng nghĩa với việc họ không có năng lực. Tương tự, một người có ngoại hình đẹp đẽ chưa chắc đã là người tốt.

Trong cuộc sống, một số người thích xây dựng cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, nhìn bên ngoài cứ tưởng như họ là “thánh sống” giúp đời. Thế nhưng, đến khi mọi chuyện vỡ lở thì thật khiến cho nhiều người bất ngờ, bàng hoàng.

Xem thêm: ‘Lá rụng về cội’ và triết lý nhân sinh sâu sắc mà ai cũng nên tỏ tường

2. Câu chuyện ý nghĩa – Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài liên quan đến thành ngữ 'Chiếc áo không làm nên thầy tu'

Khi nói về câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” đã có câu chuyện kể rằng, ở thành Vệ Xá có một người phụ nữ làm nghề quét rác. Vì đặc thù công việc nên người bà thường rất dơ bẩn. Nhiều người nhìn thấy bà liền tỏ vẻ khó chịu, không muốn lại gần. Điều này khiến bà luôn buồn tủi cho số phận của mình.

Tuy nhiên, chỉ có Đức Phật Thích Ca là không tỏ ra phân biệt đối xử với bà, Ngài còn khuyến khích bà đến nghe thuyết Pháp, truyền dạy bà đạo lý để vượt qua những khổ ải trần gian.

Nhiều người thấy vậy đều bàn tán về cách hành xử của Đức Phật, thậm chí có người còn đến hỏi Đức Phật tại sao lại đi nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu kia. Trong khi lúc nào người cũng nói những lời thanh bạch, dạy mọi người phải giữ cho mình thanh tịnh!

Đức Phật nghe xong liền giải thích, đấy là người phụ nữ đã quét dọn giúp cho thành Xá Vệ luôn được sạch sẽ. Có thể nói bà ấy đã cống hiến rất lớn cho xã hội. Hơn thế bà ấy còn là người khiêm tốn, ham học hỏi. Thế tại sao mọi người lại xa lánh bà ấy?

chiec-ao-khong-lam-nen-thay-tu-voh-1
Đừng bao giờ đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài 

Đức Phật vừa nói xong, người phụ nữ ấy cũng tiến từ ngoài cửa vào với một diện mạo hoàn toàn khác, quần áo tinh tươm và sạch sẽ, không giống thường ngày. Trông bà thật giản dị và thiện lương.

Lúc này Đức Phật mới nói tiếp, người tự nhận mình sạch sẽ nhưng tâm lại kiêu ngạo, suy nghĩ dơ bẩn xấu xa. Hãy nhớ, bẩn thỉu bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn thì khó mà thay đổi.

Mọi người nghe xong liền thấy vô cùng xấu hổ, từ đó về sau không còn dám cười nhạo thân phận của người khác nữa.

Câu chuyện trên như một cảnh tỉnh con người rằng, cuộc sống không một ai thập toàn thập mỹ, cũng như “một chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tâm địa, phẩm chất của con người chắc chắn không thể đoán được qua hình dáng bên ngoài, qua lời nói hay cử chỉ.

Có những con người nói năng ngọt ngào, cư xử nhẹ nhàng trước mặt người khác nhưng sâu thẳm bên trong lại là một người dối trá, thâm hiểm. Thế nên đừng nhìn nhận một con người qua vẻ bề ngoài, mà phải cảm nhận tinh tế bằng trái tim. Nhìn sâu vào bản chất mới giúp được bản thân tránh khỏi những hành động đáng tiếc và hối hận.

Xem thêm: ‘Chung lưng đấu cật’ - câu thành ngữ đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tình đoàn kết

3. Bài học về nhận định sự việc cuộc sống qua hành động từ câu thành ngữ "Manh áo không làm nên thầy tu"

Câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” hay “đừng trông mặt mà bắt hình dong” một lần nữa khẳng định, vẻ bề ngoài không bao giờ phản ánh được nhân cách một con người.

Bởi đôi khi đằng sau sự rách rưới, hôi hám, tồi tàn kia lại ẩn chứa một tâm hồn cao quý và đẹp đẽ. Có thể, trong xã hội hiện nay một số người vẫn còn mang ngoại hình và gia cảnh ra để phán xét, nhận định một cá nhân. Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào hình dáng bên ngoài để phán xét người khác một cách dễ dàng thì đó là một điều không thỏa đáng.

chiec-ao-khong-lam-nen-thay-tu-voh-2

Trong đời sống kinh tế có nhiều thay đổi, đồng tiền vẫn luôn có một vị thế đặc biệt. Sự giàu có hay nghèo khó luôn được đem ra cân-đo-đong-đếm. Tuy nhiên, hãy ngẫm lại câu “một chiếc áo không làm không nên thầy tu” để dừng lại ngay việc đánh so sánh, giá người khác qua vẻ bề ngoài giàu có hay nghèo khổ. Bởi lẽ một trái tim bao la, rộng lớn vẫn có thể được ẩn giấu dưới “tấm áo choàng” của khó nghèo.

Mỗi người sinh ra là một thực thể khác nhau, có cuộc sống khác nhau, nếu đã không thể giúp đỡ nhau, vậy hãy dành cho nhau một sự tôn trọng tối thiểu. Bởi đôi khi chỉ một lời đánh giá, một lời chế giễu của chúng ta cũng đã đủ giết chết một trái tim lương thiện.

Như vậy, với những triết lý sâu sắc được ẩn giấu bên trong câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” hẳn đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc nhìn nhận một con người. Vì thế, hãy là người biết quan sát và cảm nhận thấu đáo về con người và cuộc sống, không nên mù quáng chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Đặc biệt, đừng vội vàng đánh giá người khác khi bạn chưa biết gì về họ.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet