Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’

(VOH) – ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’ là một câu tục ngữ xưa nói về tầm quan trọng của việc chăm chút vẻ đẹp bên ngoài. Đồng thời cũng cho thấy tính cách, phẩm chất bên trong của một người.

Từ xưa đến này khi bàn về vẻ đẹp của con người, ông cha ta thường hay nhắc đến câu “cái răng cái tóc là gốc con người”. Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì mà vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay?

Cái răng cái tóc là gốc con người là gì?

Trước hết ta có thể hiểu “cái răng, cái tóc” ở đây chính là từ chỉ hai bộ phận răng và tóc trên gương mặt mỗi người, là thứ thuộc về ngoại hình. Còn “gốc con người” là một từ mang ẩn ý sâu xa, nói về tính cách của mỗi người.

Tuy nghe qua thì có vẻ ngoại hình và tính cách khó có thể gộp chung lại làm một, thế nhưng một người có vẻ đẹp sáng sủa và sạch sẽ vẫn có thể phản ánh phần nào cá tính của riêng họ.

Về mặt ngữ nghĩa, câu tục ngữ ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’ có thể hiểu rằng: hai bộ phận răng và tóc là thứ góp phần tạo nên vẻ đẹp của con người. Như vậy, câu tục ngữ đang nhắc đến vấn đề hình thức, nhắc nhở mỗi người chúng ta đều cần phải để ý và chăm chút cho vẻ bề ngoài.

cai-rang-cai-toc-la-goc-con-nguoi-voh-1

Ngày nay, mái tóc và hàm răng cũng được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp

Ngày nay, mái tóc và hàm răng cũng được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp và là tiêu chí để đánh giá một người trong lần đầu gặp mặt. Bởi răng và tóc có sạch đẹp chứng tỏ đối phương là một người ưa sạch sẽ và biết cách tự chăm sóc cho ngoại hình của bản thân.

Một người có bề ngoài tươm tất sẽ khiến đôi bên đều thoải mái khi gặp mặt, đồng thời cũng có thể giúp gây ấn tượng với đối phương. Một mái tóc suôn dài gọn gàng, hay một hàm răng trắng bóng sạch sẽ đều là cách ghi điểm cực kỳ tốt và cũng dễ dàng nhận được thiện cảm từ những người xung quanh. 

Cái răng cái tóc là gốc con người nghĩa là gì?

Từ ngàn đời nay, quan niệm về mặt mỹ học của dân tộc Việt Nam vẫn luôn chú trọng tới hàm răng và mái tóc. Câu tục ngữ ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’ cũng là một trong những tục ngữ lý giải vì sao hàm răng và mái tóc lại quan trọng. Bên cạnh đó câu nói này còn mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, trải qua thời gian câu nói này vẫn nguyên giá trị vốn có của nó.

Ngày xưa không có nhiều công cụ và mỹ phẩm làm đẹp giống như hiện nay, vì vậy người xưa chỉ có thể đề cao việc chăm sóc răng miệng và mái tóc. Khi nhìn vào một ai đó và muốn đánh giá xem người đó có phải là một người sạch sẽ và gọn gàng, thì chỉ cần nhìn xem mái tóc của người đó có được chải chuốt mượt mà, hay hàm răng của người đó có sạch đẹp hay không là biết. Nếu như đối phương là một người lười biếng và luộm thuộm thì sẽ không để tâm tới những điều này.

cai-rang-cai-toc-la-goc-con-nguoi-voh-2
Quan niệm về mặt mỹ học của dân tộc Việt Nam vẫn luôn chú trọng tới hàm răng và mái tóc

Quả thực bên cạnh lời khuyên răn của người xưa về tầm quan trọng của việc chăm sóc vẻ bề ngoài, thì câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là gốc con người” còn có thể hiểu là câu nói nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến “cái gốc” của mình, là cội nguồn văn hóa và bản sắc dân tộc. 

Bởi lẽ, người xưa hầu hết đều nhuộm răng đen và để tóc dài, dù là nam hay nữ. Trong lời hiệu triệu kêu gọi các tướng sĩ cùng tiến đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã từng viết: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng.” Câu nói trên không chỉ thể hiện sức mạnh và niềm tin về độc lập chủ quyền của dân tộc mà đó còn là lời khẳng định ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt. 

Ngoài ra, câu tục ngữ này còn mang ẩn ý về vòng đời của mỗi người. Từ khi con người sinh ra cho tới khi trưởng thành rồi qua đời, hàm răng và mái tóc luôn là thứ có sự thay đổi rõ rệt nhất. Khi chúng ta còn nhỏ, hàm răng sữa nhỏ và yếu có tác dụng giúp ta học cách nhai nuốt đồ ăn, lớn lên chúng sẽ được thay thế hoàn toàn bằng răng vĩnh viễn. Răng vĩnh viễn không chỉ có tác dụng để nhai, mà còn là sự tô điểm cho nụ cười xinh đẹp và rạng rỡ trên mặt mỗi người.

Còn về mái tóc, đây chính là bộ phận luôn luôn phát triển không ngừng nghỉ. Qua thời gian, mái tóc dài đen mượt và suôn thẳng của tuổi đôi mươi sẽ được thay thế bằng mái tóc hoa râm khi chúng ta dần dần già đi.

Như vậy, có thể thấy rằng ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’ là câu tục ngữ mang rất nhiều tầng ý nghĩa khác biệt. Đây vừa là câu nói mang ý khuyên bảo, vừa là một trong những tiêu chí để đánh giá vẻ đẹp cả về mặt ngoại hình lẫn tâm hồn của một người.

Xem thêm:
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?

Cái răng cái tóc là gốc con người trong tiếng anh nghĩa là gì?

“Cái răng cái tóc là gốc con người” là một câu tục ngữ của người Việt Nam xưa, vậy bạn đã từng tò mò về việc câu tục ngữ mang đậm chất Việt này khi được dịch sang tiếng Anh sẽ có ý nghĩa như thế nào hay không? 

Trong tiếng anh, câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là gốc con người” có thể được dịch theo kiểu sát nghĩa như sau: (literal) teeth and headhair are the human figure.

Khi nói về nghĩa bóng của câu tục ngữ ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’ ý nói đến việc mái tóc và hàm răng là điều rất quan trọng đối với vẻ bề ngoài. Do đó, trong tiếng anh sẽ được diễn đạt thành: teeth and head hair are the most important when it comes to appearance.

Có thể thấy, câu tục ngữ 'Cái răng cái tóc là gốc con người' đã thể hiện cách nhìn nhận và đánh giá thật tinh tế của ông cha ta. Đồng thời đem đến cho thế hệ trẻ hôm nay những lời khuyên đầy chân tình và sâu sắc.