Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?

(VOH) – Vẻ đẹp từ bên trong luôn là điều mà mọi người coi trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ để hiểu hơn về ý nghĩa câu nói này nhé.

Câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nhắc nhở chúng ta về việc coi trọng những giá trị nội tại thay vì chạy theo những giá trị bên ngoài. Vậy quan điểm này liệu có còn đúng trong bối cảnh hiện tại?

1. “Cái nết đánh chết cái đẹp” nghĩa là gì?

Đã từ rất lâu, con người vẫn luôn tranh luận về giá trị và mức độ quan trọng của vẻ đẹp bên trong với vẻ đẹp bên ngoài. Câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn thường được nhắc đến khi chúng ta bàn luận về vấn đề này.

“Cái nết” nghĩa là tính nết, tính cách, đạo đức, tâm hồn của mỗi con người. Những đặc điểm này không được phô bày ra bên ngoài mà thường ẩn giấu bên trong. Còn “cái đẹp” ở đây là vẻ hấp dẫn, quyến rũ, là nhan sắc được biểu hiện ra bên ngoài của mỗi con người.

(xong) Câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ có nghĩa là gì? 1
“Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu thành ngữ quen thuộc với người Việt Nam

Câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” mang ý nghĩa phần đạo đức, tâm hồn, giá trị phẩm chất bên trong của mỗi người quan trọng hơn, có thể “đánh chết” những vẻ đẹp hình thức, vẻ bóng bẩy ở bên ngoài. Hay nói cách khác, vẻ đẹp nội tâm sẽ tồn tại lâu hơn, bền vững hơn so với vẻ đẹp hình thức bên ngoài, người có tâm hồn đẹp, đạo đức tốt vẫn hơn người bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong lại rỗng tuếch.

2. “Cái nết đánh chết cái đẹp” tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” có ý nghĩa tương tự câu “Beauty is only skin deep”. Câu này tạm dịch theo nghĩa đen là “Cái đẹp chỉ là vẻ bề ngoài”. 

Dưới đây là một số ví dụ về các tình huống thực tế mà chúng ta có thể áp dụng câu thành ngữ tiếng Anh này:

Mom: Don’t be so proud of your pretty face. Remember beauty is only skin deep.
(Tạm dịch: Mẹ nói rằng: Đừng quá kiêu ngạo về khuôn mặt xinh đẹp của mình con nhé. Hãy nhớ rằng cái nết đánh chết cái đẹp.)

A: You look so beautiful.
(Tạm dịch: A: Trông bạn thực sự rất xinh đẹp.)

B: Thanks. But you know, beauty is only skin deep, right?
(Tạm dịch: B: Cảm ơn bạn nhé. Nhưng bạn biết đấy, cái đẹp chỉ là vẻ bề ngoài thôi mà phải không?)

Xem thêm:
39+ câu ca dao tục ngữ, thành ngữ nói về cái đẹp
Những câu nói về cái đẹp kinh điển của Coco Chanel
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Cái răng cái tóc là gốc con người'

3. “Cái đẹp” đè bẹp “cái nết”?

Trong xã hội hiện đại, yếu tố thẩm mỹ, ngoại hình dần lên ngôi, và ngoại hình được nhiều người cho rằng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Vậy liệu rằng câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” còn đúng trong đời sống ngày nay nữa hay không? Hay “Cái đẹp đã hoàn toàn đè bẹp cái nết”?

(xong) Câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ có nghĩa là gì? 2
Vẻ đẹp cũng mang vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hiện đại

Đối với vấn đề này, chúng ta có thể thấy rằng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngoại hình. Những người có phần ngoại hình bên ngoài bắt mắt, nổi bật hơn sẽ dễ có được nhiều cơ hội tốt hơn so với người khác. Ngoại hình, vẻ đẹp sẽ là chìa khóa giúp bạn nhận được sự chú ý của người khác từ cái nhìn đầu tiên.

Tuy nhiên, giá trị của câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” vẫn không hề mai một trong đời sống hiện đại ngày nay. Vẻ đẹp ngoại hình có thể đem tới cơ hội đầu tiên cho bạn, tuy nhiên, để giữ được cơ hội đó và có được những cơ hội tiếp theo thì vẫn phụ thuộc vào những giá trị phẩm chất, tính cách bên trong mỗi người.

Như vậy, trong xã hội hiện nay, giá trị của “cái đẹp” cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không quan tâm, bỏ qua giá trị của “cái nết”, của những nét đẹp tâm hồn. Việc cân bằng và tìm cách cải thiện, chăm chút cho cả hai phương diện “cái đẹp” và “cái nết” không chỉ giúp con người hướng đến chân, thiện, mỹ mà còn góp phần làm nên thành công trong cuộc sống.

4. Một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về nét đẹp tính cách

“Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu thành ngữ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của vẻ đẹp trong tính cách, tâm hồn. Cha ông ta đã đúc kết những bài học tương tự nhắc nhở con người về chuyện vẻ bề ngoài - giá trị bên trong thông qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như sau:

  1. Yêu vì nết, chẳng chết vì người. (Tham vì nết, chẳng chết chi người.)
    Ý nghĩa: Tính nết quan trọng hơn là diện mạo bề ngoài. Trong thương lượng, buôn bán, câu này có hàm ý nói rằng yêu quý là vì tính nết chứ không phải vì không còn người nào khác, nơi nào khác.
  2. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
    Ý nghĩa: Bản chất bên trong tốt đẹp vẫn hơn là vẻ bên ngoài sáng láng.
  3. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
    Ý nghĩa: Vẻ bề ngoài có thể không đẹp nhưng có tính nết tốt đẹp vẫn hơn là chỉ có vẻ ngoài sáng sủa mà nội tâm không có gì.
  4. Xấu chữ nhưng lành nghĩa.
    Ý nghĩa: Vẻ bên ngoài xấu nhưng nội tâm, bản chất tốt lành, đẹp đẽ thì vẫn hơn.
(xong) Câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ có nghĩa là gì? 3
  1. Chùa rách, Bụt vàng.
    Ý nghĩa: Vẻ bề ngoài xấu xí, tồi tàn nhưng bên trong lại chứa đựng những giá trị tốt đẹp, quý giá.
  2. Tốt mã giẻ cùi.
    Ý nghĩa: Những người có vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng nội tâm không có giá trị gì.
  3. Người xấu duyên lặn vào trong, bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
    Ý nghĩa: Không nên vội đánh giá những người có ngoại hình không bắt mắt, bởi bên trong họ còn có thể ẩn chứa những phẩm chất, giá trị riêng.
  4. Xấu mã, có duyên thầm.
    Ý nghĩa: Vẻ bên ngoài không đẹp đẽ, bóng bẩy nhưng có sự duyên dáng, nội tâm phong phú.
  5. Xanh vỏ, đỏ lòng.
    Ý nghĩa: Diện mạo không đẹp, tưởng như không có gì nhưng bên trong lại ẩn chứa những giá trị, phẩm chất riêng.
(xong) Câu thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ có nghĩa là gì? 4

Có thể thấy rằng, câu thành ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” không chỉ là bài học nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của nhân cách, phẩm chất đạo đức con người trong thời xưa mà nó còn giữ vững được giá trị của mình trong thời đại ngày nay. Hi vọng, qua phần giải thích ở trên bạn đã hiểu được dụng ý của ông cha ta đồng thời ghi nhớ lời dạy này.

(Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận