Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Chia ngọt sẻ bùi" khuyên ta điều gì?

(VOH) - Tục ngữ chia ngọt sẻ bùi là một câu tục ngữ không quá xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Vậy ý nghĩa của chia ngọt sẻ bùi là gì?

Tinh thần đoàn kết, nhường cơm sẻ áo không còn xa lạ trong truyền thống của dân tộc Việt Nam ta – một dân tộc đoàn kết cùng vượt qua bao khó khăn. Thông qua ca dao, tục ngữ đó là những lời dạy của ông cha ta cho thế hệ sau này. Thế hệ trước đã gửi gắm tinh thần đoàn kết qua câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi”. Hãy cùng tìm ý nghĩa của câu tục ngữ này nhé.

1. Chia ngọt sẻ bùi có nghĩa là gì?

Trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta luôn có đủ đắng, cay, ngọt, bùi. Không cuộc sống nào mà chỉ có vị ngọt cũng không có cuộc sống nào chỉ toàn đắng cay. Bởi lẽ đó, ông cha ta đã gửi gắm lại cho con cháu sau này một thông điệp “chia ngọt sẻ bùi” nhằm để có sự san sẻ, cùng giúp đỡ nhau ngay cả lúc vinh quang hay cả lúc suy tàn nhất. 

Tìm hiểu ý nghĩa của chia ngọt sẻ bùi là gì? 1

Chia ngọt sẻ bùi là một câu tục ngữ có hai vế là chia ngọt và sẻ bùi. Đầu tiên, “chia ngọt”, mang hàm ý đến việc cùng nhau chia sẻ nhau những thành công, những “quả ngọt” hay những sự giàu sang, phú quý. Nghĩa là khi thành công, giàu sang thì ta không chỉ tận hưởng những điều tốt đẹp đó một mình mà phải biết san sẻ đến những người thân yêu, những mảnh đời thiếu thốn hơn. Sự lan tỏa này không những đem lại cho bản thân một giá trị nhân văn tốt đẹp mà còn làm cho cộng đồng được gắn kết hơn.

Vế còn lại trong câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi” là việc “sẻ bùi”. Đó là sự giúp đỡ, san sẻ nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống đầy biến trở này. Bởi vì không phải ai cũng sẽ mãi đứng trên đỉnh của sự thành công mà sẽ luôn có những sự thất bại chực chờ bạn vấp ngã. Chính những lúc khó khăn, hoạn nạn như thế thì việc được những người bên cạnh san sẻ, giúp đỡ sẽ là liều thuốc tinh thần lẫn vật chất rất lớn để giúp chúng ta có thể bước qua khó khăn. 

Thông qua câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi” ta có thể thấy được một lời dạy rất ý nghĩa mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ sau, đó là: dù có là lúc vinh quang hay lúc nghèo đói chúng ta hãy cùng chung tay chia sẻ cùng nhau. Đừng chỉ biết bên cạnh người khác khi họ có những thành công mà hãy luôn bên cạnh để giúp đỡ nhau ngay khi hoạn nạn. 

2. Ý nghĩa của việc chia ngọt sẻ bùi trong xã hội ngày nay

Nhìn lại lịch sử huy hoàng của đất nước ta, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đã có những khẩu hiệu như “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay thành lập các quỹ cứu đói. Cả dân tộc Việt Nam ta đã chung tay “chia ngọt sẻ bùi” để rồi chúng ta đã chiến thắng được giặc đói nhằm xây dựng đất nước sau Cách mạng tháng Tám. Đây là một thành tích to lớn cho cách mạng lúc bấy giờ, từ đó có thể thấy giá trị to lớn của việc cùng nhau san sẻ để vượt qua khó khăn

Trong xã hội ngày nay, câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi” càng cho thấy ý nghĩa to lớn của mình. Khi xã hội phát triển một cách nhanh chóng, mọi người đều cố gắng vươn mình lên, thì bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những mảnh đời thiếu may mắn không được cuộc sống đủ đầy. Vì thế với xã hội hiện nay rất cần những tinh thần san sẻ, đồng cảm cùng mọi người. 

Tìm hiểu ý nghĩa của chia ngọt sẻ bùi là gì? 2
Sự sẻ chia giữ người với người không kể nhiều hay ít, chỉ cần mỗi chúng ta đều biết đoàn kết, yêu thương nhau

Sự sẻ chia ấy không kể nhiều hay ít, chỉ cần mỗi người dân chúng ta đều nâng cao tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ những người nghèo khổ vượt qua hoạn nạn cũng đã góp phần nhân lên truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Không nói đâu xa, điển hình cho việc chia ngọt sẻ bùi là sự giúp đỡ của các mạnh thường quân cho người dân vùng lũ lụt miền Trung hàng năm. Khi hàng chục nghìn sinh mạng rơi vào khó khăn đó cũng là lúc tinh thần san sẻ của dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ nét. Nhân dân cả nước đã không để người dân miền Trung phải lẻ loi chống lũ mà đã chung tay giúp đỡ, động viên về mặt tinh thần lẫn vật chất. Từ đó cho thấy một tinh thần đồng cảm, chia sẻ đáng ngưỡng mộ của dân tộc Việt Nam. 

Xem thêm:
Ý chí của con người thể hiện qua câu tục ngữ 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'
Những ngụ ý sâu xa mà người xưa truyền lại qua câu tục ngữ "Hữu thân hữu khổ"
Bài học rút ra từ câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” mà người cầu tiến nào cũng cần biết rõ

3.  Những câu ca dao, tục ngữ về sự đồng cảm, chia sẻ

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam không chỉ có câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi” là nói về sự đồng cảm, chia sẻ trong cuộc sống. Mà còn có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác nói về sự san sẻ giữa con người với con người. Sau đây là những câu ca dao, tục ngữ về sự sẻ chia: 

Tìm hiểu ý nghĩa của chia ngọt sẻ bùi là gì? 3

3.1 Những câu tục ngữ về sự chia sẻ

  1. Tương thân tương ái
  2. Chị ngã, em nâng
  3. Nhường cơm, sẻ áo
  4. Thương người như thể thương thân
  5. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ
  6. Anh em như thể tay chân
  7. Thấy người hoạn nạn thì thương.
  8. Chia ngọt sẻ bùi.
  9. Dứt dây ai nỡ dứt chồi.
  10. Cành dưới đỡ cành trên.
  11. Người với người là bạn.
  12. Nhiều no lòng, ít mát ruột.
  13. Nhiều làm phúc, ít làm duyên.
  14. Ưa nên tốt, ghét nên xấu.
  15. Lắm người yêu hơn nhiều kẻ ghét.

Xem thêm: 
16 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng dũng cảm nâng cao giá trị con người
40 câu tục ngữ về con người và xã hội được dùng hằng ngày, bạn có hiểu hết nghĩa?
250 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tình cảm gia đình hạnh phúc

3.2 Những câu ca dao về sự chia sẻ

  1. Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng
  2. Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
  3. Anh em cốt nhục đồng bào,
    Kẻ sau người trước phải hào cho vui.
  4. Lọ là ăn thịt ăn xôi,
    Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng.
  5. Gương không có thuỷ gương mờ,
    Thuyền không có lái lửng lơ giữa dòng.
    Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
    Cho thuyền cập bến gương trong ngàn đời
  6. Đó nghèo thì đây cũng nghèo
    Hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau.
  7. Quen nhau từ thuở hàn vi,
    Bây giờ sang trọng há chi bần hàn.
  8. Rủ nhau xuống bể mò cua,
    Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
    Em ơi chua ngọt đã từng,
    Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau..
  9. Có anh có chị mới hay ,
    Không anh không chị như cây một mình.
  10. Lúc thương nhau, cho đường thêm bánh
    Buổi ghét nhau, tay đánh miệng la.
  11. Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Trên đây là ý nghĩa của câu tục ngữ “chia ngọt sẻ bùi” cùng những câu ca dao tục ngữ về sự đồng cảm, chia sẻ. Hãy học cách chia sẻ cùng mọi người để cho người với người sống để yêu thương nhau. Dùng những hành động bắt đầu từ nhỏ nhất để lan tỏa yêu thương đến mọi người. Vì “ sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ” bạn nhé!

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận