Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’

(VOH) - Một trong những câu tục ngữ quen thuộc mà chúng ta rất thường nghe, đó là ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Vậy bạn đã hiểu hết ý nghĩa của câu tục ngữ đó chưa?

Từ lâu, tinh thần đoàn kết đã trở thành một đức tính tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta và được lưu truyền, phát huy đến ngày nay. Để thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, ông cha ta có câu ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ này nhé!

1. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là gì ?

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ 1

Câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người với người, nhấn mạnh sự hợp nhất, đồng lòng tạo nên sức mạnh trong cuộc sống. 

Trong câu tục ngữ trên, dân gian đã khéo léo sử dụng hình ảnh “cây” và “núi” tượng trưng cho con người và sức mạnh. “Một cây” chỉ một cá thể đơn lẻ trong cuộc sống, “ba cây” chỉ một tập thể gồm nhiều người, “chụm lại” chỉ sự kết hợp, đoàn kết, “núi cao” ẩn dụ cho sự thành công cuối cùng sau khi đoàn kết lại. 

Nếu một cái cây đơn độc sẽ không thể tạo ra một khu rừng nhưng nếu có thật nhiều cây chụm lại sẽ tạo lên cả một vùng núi rộng lớn. Thật vậy, con người nếu chỉ một mình làm việc sẽ không thể thành công bằng cả một tập thể cùng nhau đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn. 

Xem thêm: ‘Chung lưng đấu cật’ - câu thành ngữ đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tình đoàn kết

Đoàn kết là khi một nhóm người hoặc một tập thể cùng chung mục đích, chung chí hướng, cùng nhau hợp sức để thực hiện mục đích đó. Chỉ có đoàn kết, gắn bó mới đem lại sức mạnh to lớn để đối mặt và thực hiện những công việc trọng đại, lớn lao.

Câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” không chỉ khẳng định đức tính tốt đẹp bao đời nay của dân tộc ta mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống. Đồng thời nhắc nhở ta nên sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển tốt hơn trong cuộc sống. 

2. Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Trong xã hội ngày nay, mỗi con người chỉ là một cá thể bé nhỏ và sẽ gặp khó khăn nếu một mình chống chọi với những giông bão trong cuộc sống. Ngược lại, sức mạnh đoàn kết có thể giúp ta vượt qua mọi khó khăn. 

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ 2

Một cá thể nhỏ bé có thể sống tự chủ, độc lập nhưng không có nghĩa là sống cô lập, từ chối mọi sự giúp đỡ của mọi người. Điều đó khiến chúng ta tách mình ra khỏi xã hội, bản thân sẽ bị quên lãng, mờ nhạt. 

Trong công việc, trong học tập, nếu cả một tập thể cùng hợp nhất đồng lòng để phấn đấu thì không chỉ thành tích tập thể mà thành tích cá nhân cũng sẽ tốt hơn, bản thân cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm khác nhau, chúng ta cũng bớt đi gánh nặng và áp lực. 

Bên cạnh tinh thần đoàn kết, sự giúp đỡ, sẻ chia và đùm bọc lẫn nhau cũng là điều không thể thiếu trong xã hội loài người. Sống có ý nghĩa là sống biết yêu thương, biết cho đi và nhận lại. Sự yêu thương, gắn bó giữa người với người có thể xuất phát từ những hành động nhỏ như: giúp bạn giảng bài, chăm sóc bạn khi bị ốm,... tất cả đều thể hiện sự đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển trong cuộc sống.

Trong xã hội còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn, cơ cực. Nếu chúng ta không đoàn kết, giúp đỡ mà vô cảm, sống vị kỷ thì chỉ khiến xã hội càng trì trệ, chậm phát triển. Sự tương trợ, sẻ chia và đùm bọc không chỉ giúp tình cảm giữa người với người tốt hơn mà còn giúp xã hội ngày càng phát triển hơn, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. 

Xem thêm: Tổng hợp hơn 30 câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người hay nhất

3. Làm thế nào để duy trì được tinh thần đoàn kết trong cuộc sống?

Ý nghĩa câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ 3

Một người không thể làm cả xã hội trở nên tốt đẹp mà cần có sự đoàn kết, gắn bó, đồng lòng của tất cả mọi người. Vậy làm thế nào để mọi người cùng đoàn kết trong cuộc sống? Chúng ta hãy thực hiện những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn ở dưới đây để duy trì được tinh thần đoàn kết nhé.

  • Sống mở lòng, chan hòa với mọi người, hạ thấp cái tôi và sẵn sàng làm việc vì tập thể.
  • Đừng sống ích kỷ và nghĩ đến lợi ích riêng của bản thân, hãy vì mục đích chung và lợi ích chung của tập thể. Nếu cả tập thể gặt được thành công thì cá nhân mỗi người cũng được hưởng niềm vinh quang đó.
  • Không ngại khó, ngại khổ, luôn làm việc bằng cả nhiệt huyết của mình.
  • Sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta biết “cho đi” thì sẽ “nhận lại” được sự kính trọng và giúp đỡ của người khác. Đùm bọc, tương trợ lẫn nhau cũng là biểu hiện của sự đoàn kết giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn
  • Có trách nhiệm với tập thể, cộng đồng, tích cực đóng góp, cống hiến hết mình

Xem thêm: 28 câu ca dao, tục ngữ về lòng nhân ái dạy chúng ta sống ở đời phải biết 'nhường cơm sẻ áo

4. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

Để lưu truyền và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, ngoài câu nói “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, ông cha ta còn đúc kết nhiều câu ca dao, tục ngữ khác vô cùng ý nghĩa!

  1. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
  2. Lá lành đùm lá rách
  3. Ngựa chạy có bầy, chim chạy có bạn
  4. Khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ
  5. Môi hở răng lạnh
  6. Góp gió thành bão
  7. Cả bè hơn cây nứa
  8. Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức
  9. Bẻ đũa không bẻ được cả nắm
  10. Con chim khôn cả đàn cùng khôn, con chim dại cả đàn cùng dại
Ý nghĩa câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ 4
  1. Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết
  2. Hợp quần gây sức mạnh
  3. Đồng cam cộng khổ
  4. Chung lưng đấu cật
  5. Thương người như thể thương thân
  6. Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng
  7. Một hòn chẳng đắp nên non
    Ba hòn đắp lại nên cồn Thái Sơn
  8. Thiếu cơm thiếu áo chẳng màng
    Thiếu tình đoàn kết, xóm làng không vui
  9. Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
  10. Dân ta nhớ một chữ đồng
    Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
Ý nghĩa câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ 5

Tinh thần đoàn kết và đức tính tốt đẹp và truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Hãy cùng đoàn kết, đồng lòng hợp nhất để tạo nên sức mạnh to lớn góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận