Quan điểm toàn diện là gì? Ý nghĩa của quan điểm toàn diện trong triết học

(VOH) - Quan điểm toàn diện là một khái niệm được sử dụng tương đối rộng rãi trong cuộc sống ngày nay. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn quan điểm toàn diện là gì nhé!

Quan điểm toàn diện là một cách nhìn mang tính toàn thể, đúng đắn và mang lại hiệu quả cao, qua đó thể hiện những quan điểm tiến bộ và khoa học. 

1. Quan điểm toàn diện là gì?

quan-diem-toan-dien-la-gi-voh-1
Quan điểm toàn diện là gì?

Quan điểm toàn diện là một quan điểm mang tính phương pháp luận triết học. Quan điểm này thể hiện rằng chúng ta xem xét đánh giá một sự vật, hiện tượng hay tình huống bất kỳ một cách toàn diện ở mọi khía cạnh. 

Thay vì cái nhìn phiến diện, đánh giá một cách chủ quan, thì quan điểm toàn diện đòi hỏi ta nhận thức rõ những mối liên hệ qua lại của các yếu tố, bộ phận cấu thành sự vật, hiện tượng, điểm khác biệt giữa các sự vật, hiện tượng cũng như mối quan hệ giữa chúng với môi trường, hoàn cảnh xung quanh.

Quan điểm toàn diện không chỉ đòi hỏi chúng ta nắm bắt được những vấn đề hiện hữu cùng sự vật, sự việc mà phải thấy được cả quá khứ và chiều hướng phát triển của chúng trong tương lai, chỉ ra được những biến đổi mang tính tiến bộ hay thụt lùi.

Ngoài ra, quan điểm toàn diện cũng đòi hỏi chủ thể khi xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng phải biết nhận thức trọng tâm, trọng điểm. Có như vậy ta mới nhận thức đúng đắn, có quan điểm toàn diện, rõ ràng về sự vật, hiện tượng.

2. Ý nghĩa của quan điểm toàn diện

quan-diem-toan-dien-la-gi-voh-2

Dựa trên định nghĩa, ta nhận thấy quan điểm toàn diện giúp đánh giá sự vật, hiện tượng đúng theo bản chất, trọng tâm. Quan điểm toàn diện hướng chúng ta đến những suy nghĩ tích cực, bao quát về sự vật hiện tượng để không bị phiến diện, dàn trải, tiêu cực. 

Ngoài ra, quan điểm toàn diện còn giúp bạn có cái nhìn cụ thể, đúng đắn, hạn chế được những đánh giá sai lệch dựa trên cảm tính và góp phần thay đổi nhận thức.

Xem thêm:
Tầm quan trọng của rèn luyện tư duy sáng tạo bạn đã biết
Tư tưởng là gì? Những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại
Đạo lý là gì? Những câu nói về đạo lý sống làm người trên đời

3. Ví dụ về quan điểm toàn diện trong thực tế

Để hiểu rõ hơn về quan điểm toàn diện là gì, chúng ta cùng đi sâu với những ví dụ thực tế.

Để đạt kết quả cao trong học tập, sẽ cần đến rất nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan tác động đến. Bên cạnh tài năng, trí thông minh sẵn có, ai cũng cần nỗ lực rèn luyện. Sự rèn luyện ấy được bồi đắp từ những kiến thức đến từ thực tiễn lẫn trong sách vở, có như vậy mới tạo nền kiến thức phù hợp với cuộc sống. 

Ngoài ý thức và sự nỗ lực từ chính bản thân mỗi người thì các yếu tố khách quan như môi trường học tập, người hướng dẫn, việc tạo điều kiện của cha mẹ… cũng có vai trò nhất định. 

Như vậy, khi xem xét trên nhiều góc độ cũng như xem xét mối quan hệ của việc đạt kết quả cao trong học tập cùng các yếu tố khác, chúng ta có thể tìm cách cải thiện vấn đề, vận dụng các yếu tố để đạt được kết quả như mong muốn. 

4. Quan điểm toàn diện trong triết học 

quan-diem-toan-dien-la-gi-voh-3
Quan điểm toàn diện trong triết học

Quan điểm toàn diện là khái niệm được nhắc đến, phản ánh trong phương pháp luận triết học. Từ quá trình nghiên cứu về quan điểm biện chứng cũng như sự liên hệ phổ biến của sự vật hiện tượng, triết học cho rằng, những đánh giá, nhìn nhận một sự vật phải được thể hiện một cách toàn diện, phản ánh đúng bản chất, tính đúng đắn của sự vật đó. 

Bởi mọi sự vật, hiện tượng bao giờ cũng tồn tại mối liên kết với những sự vật khác. Những mối liên hệ ấy rất đa dạng, phong phú, thế nên ta cần quan sát tổng thể, nhìn nhận vật theo mọi góc độ. Không nên đánh giá phiến diện, áp đặt quan điểm của ta để kết luận về bản chất hay về tính quy luật của vật. 

Theo triết học Mác - Lênin khi muốn hiểu được bản chất, hiểu rõ những sự thật đằng sau của sự vật, hiện tượng thì cần có cái nhìn đa chiều, bao quát, nghiên cứu tất cả các mặt, các mối liên hệ trực tiếp lẫn gián tiếp của của sự vật đó. Từ đó, ta biết sử dụng, kết hợp các biện pháp khác nhau tác động lên vật nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. 

Quan điểm toàn diện giúp chúng ta hạn chế được những kết quả phiến diện, máy móc trong nhận thức, đồng thời giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hơn. 

Xem thêm:
Vai trò của thế giới quan của con người trong đời sống và triết học
Ikigai là gì? Cách xác định Ikigai của bản thân
Triết lý là gì? Suy ngẫm triết lý nhân sinh, cuộc sống

5. Phân biệt quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể

quan-diem-toan-dien-la-gi-voh-4
Sự khác biệt giữa quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể

Quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi con người khi xem xét sự vật, hiện tượng cần chú ý đến cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin, mọi sự vật, hiện tượng của thế giới đều tồn tại, vận động và phát triển trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định, khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất, đặc điểm của sự vật. Bởi vậy, cần nghiên cứu chúng trong các không gian, thời gian, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau.

Có thể thấy điểm tương đồng giữa quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể là đều yêu cầu việc nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng dựa trên những cái nhìn đa chiều, cụ thể, xem xét kỹ các mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi không gian và thời gian cụ thể khi đánh giá sự vật. 

Với quan điểm lịch sử cụ thể, việc xem xét sự vật hay hiện tượng phải được gắn với thời gian, địa điểm cụ thể, có thật, trong khi quan điểm toàn diện không yêu cầu điều đó. Nhìn chung, cả hai quan điểm này đều đem đến những giá trị riêng và vẫn còn được vận dụng cho tới tận ngày nay.

Từ phần giải thích về quan điểm toàn diện là gì, hy vọng bạn đọc đã nhận ra tầm quan trọng của của góc nhìn tích cực, toàn diện. Đặc biệt, hãy cố gắng hạn chế những suy nghĩ phiến diện, tiêu cực về sự vật, hiện tượng trong đời sống để nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn hơn.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận