Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt là với năm 2023 khi thế giới liên tục phá vỡ những kỷ lục về nhiệt độ và những dự đoán của các nhà khoa học về một kiểu thời tiết khắc nghiệt, đó là hiện tượng El Nino đang quay trở lại.
1. El Nino là gì?
Hiện tượng El Nino (En Ni-nhô) là một thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng nước biển nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, khiến thời tiết trên phạm vi toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.
El Nino là “pha ấm” của hiện tượng lớn hơn trong khí quyển-đại dương, gọi là dao động Nam bán cầu El Nino Southern Oscillation (ENSO). La Nina chính là “pha lạnh” của ENSO-một hiện tượng khiến nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường.
Hiểu đơn giản, El Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương, được thể hiện chủ yếu thông qua hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, chỉ cần một phía thay đổi sẽ gây ra phản ứng với phía còn lại.
El Nino không phải hiện tượng mang tính cục bộ, mà là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn, phức tạp. Nó là một phần của bộ máy khí hậu vùng nhiệt đới, liên quan đến nhiều hiện tượng thời tiết thế giới và cũng là biểu hiện sự dao động trong cơ chế của khí hậu toàn cầu.
1.1 El Nino được phát hiện từ khi nào?
Nguồn gốc của từ “El Nino” bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha (fenómeno El Niño), có nghĩa là “bé trai”, một số người gọi là “Chúa hài nhi” hoặc “con trai của Chúa” vì hiện tượng này thường xảy ra vào dịp Giáng sinh.
Khoảng đầu thế kỷ XX, một số ngư dân ở khu vực dọc bờ biển Peru và Ecuador phát hiện, cứ cách vài năm, từ tháng 10 cho đến tháng 3 của năm sau sẽ xuất hiện một dòng nước ấm đi sát bờ biển tiến xuống phía nam, khiến nhiệt độ nước biển tầng ngoài tăng lên rõ rệt.
Bờ Đông Thái Bình Dương vốn chủ yếu là dòng nước lạnh, nhưng mỗi khi dòng nước ấm này xuất hiện, loài cá bản địa ưa lạnh liền chết với số lượng lớn, khiến ngư dân nơi đây gặp phải thảm họa.
Vào năm 1920, một nhà khoa học người Anh tên là Gibert Walker, trong lúc nghiên cứu biến động của gió mùa đã tìm được một số loại hình mưa của Nam Mỹ với sự thay đổi nhiệt độ đại dương. Ông cũng phát hiện mối quan hệ khí áp ở phía Đông và Tây Thái Bình dương và gọi nó là Dao động Nam bán cầu (Southern Oscillation).
Ông còn nhận thấy khí áp phía Đông Thái Bình Dương giảm thường có liên quan đến hạn hán ở Australia, Ấn Độ và một phần Châu Phi, làm cho mùa Đông ở Canada ấm lên. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật thời điểm ấy chưa phát triển nên phải mấy chục năm sau phát hiện của ông mới được công nhận.
Năm 1966, nhà khí tượng Jacob Bjerknes đã phát hiện ra tương tác hai chiều giữa đại dương và khí quyển. Sự ấm lên của nước biển trong dải xích đạo từ ngoài khơi Nam Mỹ đến giữa Thái Bình Dương có liên quan đến sự yếu đi của đới gió tín phong.
1.2 Đặc điểm của hiện tượng El Nino
Hiện tượng El Nino thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển-đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ.
Theo đó, chu kỳ hoạt động của El Nino thường xảy ra mỗi 3-5 năm, nhưng có thể đến thường xuyên như mỗi 2 năm hoặc là hiếm khi 7 năm một lần.
Thời gian xuất hiện trung bình của một hiện tượng El Nino là khoảng 9-12 tháng. Nó thường bắt đầu hình thành vào mùa xuân, đạt mức cao điểm vào giữa tháng 12 và tháng Giêng năm sau. Sau đó, phân rải ở những tháng còn lại.
Trong quá khứ, chu kỳ dài nhất của El Nino được ghi nhận là kéo dài đến 18 tháng (El Nino năm 1982-1983).
2. Nguyên nhân hình thành El Nino
El Nino là hiện tượng thiên nhiên, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác là gì, song họ vẫn cho rằng hoạt động của hiện tượng El Nino có thể liên quan đến 2 yếu tố, đó là:
2.1 Gió tín phong đông nam suy yếu
Thông thường, gió tín phong đông bắc thổi sát gần xích đạo bắc bán cầu, gió tín phong đông nam thổi sát gần xích đạo nam bán cầu. Nước biển có gió tín phong đi từ phía đông hướng về phía nam sẽ tạo ra hai dòng nước ấm bắc xích đạo và dòng nước ấm nam xích đạo.
Bình thường nước biển từ phía đông Thái Bình Dương chảy ra ngoài thường sẽ nương tựa vào tần dưới mà bổ sung dòng nước vọt ra lên cao, khiến cho nước lạnh tầng dưới của khu vực nổi lên trên, dẫn đến nhiệt độ nước thấp hơn xung quanh, tạo ra chênh lệch nhiệt độ mặt biển của phần phía đông và phía tây.
Khi gió tín phong đông nam thổi sát gần xích đạo nam bán cầu suy yếu, vùng nước lạnh ở khu vực Thái Bình Dương sẽ giảm bớt hoặc không hoạt động, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương nóng ấm khác thường. Dòng nước ấm nóng men theo một số khu vực bờ biển Thái Bình Dương đi xuống phía nam, khiến nhiệt độ nước biển những nơi này lên cao dữ dội.
Ở một số khu vực sát bờ Thái Bình Dương cũng có thể sẽ phải nhận giáng thủy (phần lớn là mưa) bất thường, trong khi một số nơi khác lại bị khô cạn nghiêm trọng.
2.2 Hoạt động tự quay Trái Đất
Hiện tượng El Nino cũng có liên quan đến sự biến hóa vận tốc tự quay Trái Đất. Cụ thể, khi tốc độ tự quay Trái Đất tăng tốc trong khoảng thời gian ngắn, nhiệt độ mặt biển của phía đông Thái Bình Dương xích đạo sẽ hạ xuống thấp. Khi tốc độ tự quay Trái Đất giảm chậm, nhiệt độ mặt biển của phía đông Thái Bình Dương xích đạo lên cao.
Như vậy, sự giảm chậm của tự quay Trái Đất có khả năng là nguyên nhân chủ yếu hình thành hiện tượng El Nino.
Xem thêm:
Nguồn gốc của hiện tượng sấm sét do đâu mà có?
Sự tàn phá của hiện tượng vòi rồng và cách đối phó khi nhìn thấy vòi rồng
Cực quang - Bí ẩn về nguồn "ánh sáng kỳ bí" nổi tiếng thế giới
3. Các hiện tượng El nino từng xảy ra trong quá khứ
Có tài liệu ghi chép, từ năm 1900 tới nay, đã phát sinh ít nhất 30 sự kiện El Nino, mạnh có nhẹ có.
Một số hiện tượng El Nino đã từng xảy ra trong quá khứ được ghi chép ở các khoảng thời gian là: 1982-1983, 1986-1987, 1991-1994, 1997-1998, 2002-2003, 2004-2005, 2006-2007, 2009-2010, 2014-2016, 2018-2019. Trong đó, sự kiện El Nino vào năm 1982-1983, năm 1997-1998 và năm 2014-2016 được coi là mãnh liệt nhất.
Các nhà khoa cho biết, sự kiện El Nino năm 2014-2016 có “sức mạnh” tương tự như các năm 1982-1983 và 1997-1998, nhưng đã thiết lập kỷ lục mới cho một số vùng trung tâm Thái Bình Dương.
Nhiệt độ đại dương ở phía đông Thái Bình Dương được ghi nhận cao hơn mức trung bình 2 độ C, từ đó gây ra rất nhiều những tác động đến các kiểu thời tiết trên thế giới và dẫn đến hạn hán, ngập lụt, cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều khu vực.
- Ở Nam Mỹ xuất hiện mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và làm suy giảm quần thể cá.
- Ở Châu Phi, mùa mưa bị trì hoãn dẫn đến mất mùa, thiếu lương thực.
- Ở Đông Nam Á, El Nino gây hạn hán và nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân.
- Ở một số khu vực như Hoa Kỳ và Canada còn xuất hiện bão và lốc xoáy, ở Indonesia và Úc xảy ra cháy rừng.
Sự kiện El Nino năm 2016 còn được ghi nhận là năm nóng kỷ lục (đến nay) do có sự kết hợp của biến đổi khí hậu toàn cầu. El Nino tăng trực tiếp vào nhiệt độ toàn cầu năm 2016 thêm 0,12 độ C. Mực nước biển cũng tăng 7mm do sự giãn nở về nhiệt.
4. Những tác động từ hiện tượng El Nino
Những tác động chính của hiện tượng El Nino thường xảy ra ở trong và xung quanh các vùng nhiệt đới. Mưa bão, lũ lụt, hạn hán… là những ảnh hưởng dễ thấy của El Nino.
Lý do là dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương chạy dọc theo các nước Chile, Peru… đã đẩy một lượng hơi nước rất lớn vào không khí. Điều này khiến cho các quốc gia ở Nam Mỹ phải hứng chịu một lượng mưa bất thường, có khi lượng mưa lên đến 15cm mỗi ngày.
Hơn thế, những cơn gió ở Thái Bình Dương cũng bất ngờ đổi hướng vào thời điểm có El Nino, chúng thổi về phía đông thay vì phía tây như bình thường. Những cơn gió này “đưa” mây vượt qua Nam Mỹ, đến tận Romania, Bulgaria, hoặc bờ biển Đen của Nga, khiến cho nơi đây chìm trong mưa bão, ngập lụt.
Trong khi, các quốc gia thuộc đông bán cầu lại phải hứng chịu hiện tượng khô hạn. Các quốc gia thường xuyên chịu các đợt hạn hán nghiêm trọng do El Nino gây ra có thể kể đến là: Úc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…
Ngoài ra, trên bề mặt của Thái Bình Dương, năng lượng được giải phóng vào khí quyển cũng gây ra hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Dưới đây là một số ảnh hưởng của kiểu thời tiết El Nino tới Việt Nam:
4.1 Bão và áp thấp nhiệt đới
Trong 45 năm (1956-2000), có 331 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Cùng thời gian trên có tổng số 150 tháng El Nino với 63 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp, trung bình mỗi tháng El Nino có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%.
Trung bình cả mùa bão (từ tháng 6 đến tháng 12) nhiều năm có 6,64 cơn, mỗi tháng mùa bão có 0,95 cơn. Trong điều kiện El Nino, trung bình cả mùa bão có 4,83 cơn, mỗi tháng mùa bão có 0,69 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 27%.
4.2 Nhiệt độ
Nhiệt độ trung bình ở các tháng El Nino đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè và ở các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn khu vực phía Bắc.
4.3 Lượng mưa
Mức thâm hụt lượng mưa trong từng đợt ENSO được định nghĩa là hiệu số giữa tổng lượng mưa thực tế trong từng đợt ENSO với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm của cùng thời kỳ, ở một điểm nào đó, biểu thị bằng % (DR).
Theo kết quả nghiên cứu, hầu hết các đợt El Nino đều gây thâm hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng, DR phổ biến từ 25-50%.
4.4 Tần số front lạnh
Trong những năm El Nino, số front lạnh ảnh hưởng đến nước ta đều ít hơn bình thường. Tỷ lệ giữa tổng chuẩn sai dương và tổng chuẩn sai âm của tần số front lạnh tại Hà Nội của các tháng trong năm chỉ bằng 70%. Thời gian kết thúc không khí lạnh cũng diễn ra sớm hơn.
4.5 Mực nước biển ở các vùng ven biển và hải đảo
El Nino gây ra hiệu ứng âm (∆h < 0) đối với mực nước biển ở ven biển và hải đảo nước ta.
4.6 Độ mặn nước biển vùng ven biển và hải đảo
Thời tiết El Nino là tăng độ mặn của nước biển ở vùng ven biển và hải đảo ở nước ta.
4.7 Dòng chảy sông ngòi
Trong những năm El Nino, phần lớn các trạm có dòng chảy năm nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên, những năm El Nino nghiêm trọng có thể giảm 50-60%.
Dòng chảy mùa cạn trong những năm El Nino, lượng dòng chảy 3 tháng liên tục nhỏ nhất ở hầu hết các trạm đều nhỏ hơn trị số trung bình nhiều năm của thời kỳ tương ứng và đạt khoảng 80-90%.
4.8 Sản lượng thủy điện
Ảnh hưởng của thời tiết El Nino có thể làm giảm sản lượng thủy điện.
4.9 Sản xuất nông nghiệp
El Nino có thể khiến cho năng suất lúa bình quân của vụ Đông Xuân giảm, nhưng lại làm tăng năng suất lúa vụ mùa.
4.10 Đời sống và sức khỏe con người
Hiện tượng El Nino có thể gây ra nhiều diễn biến thời tiết thất thường, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sinh hoạt, kinh tế, sức khỏe của con người.
Xem thêm:
Cầu vồng lửa - hiện tượng thiên nhiên siêu đẹp, cực hiếm gặp
Triều cường là gì và ảnh hưởng như thế nào đến đời sống?
Những kiểu mây kỳ lạ trên bầu trời hiếm khi xuất hiện
5. El Nino có mang lại lợi ích nào không?
Mặc dù được xếp vào kiểu thời tiết khắc nghiệt, nhưng không phải El Nino lúc nào cũng gây tai họa cho con người.
Cách đây hơn 5.000 năm, khi người dân phát hiện ra El Nino thì họ cho rằng đó là may mắn. Vì nước biển lúc ấy tăng lên đủ ấm để vi sinh vật phát triển để cung cấp thức ăn cho cá. Nhờ thế, nghề đánh bắt cá của các nước ven biển Nam Mỹ cũng phát triển mạnh. Nếu năm nào El Nino không làm nhiệt độ nước biển tăng quá cao thì năm đó sẽ có mùa cá bội thu.
Ngoài ra, hiện tượng El Nino còn gây ra mưa ở những nơi khô cằn, chẳng hạn như hoang mạc Atacama (Nam Mỹ) nhờ có được những cơn mưa lớn mà thực vật và hoa đã phát triển nở rộ vào năm 2015.
6. Hiện tượng El Nino 2023 được dự đoán là năm nóng kỷ lục
Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 có thể tăng rất cao do hiện tượng El Nino, tương tự như năm 2016, bên cạnh ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Các mô hình khí hậu cho thấy, hiện tượng El Nino có khả năng sẽ quay trở lại vào cuối mùa hè ở phương bắc và sẽ mạnh lên vào cuối năm.
Năm nóng nhất trên thế giới từng được ghi nhận là năm 2016. Tuy nhiên, nếu El Nino mạnh lên, rất có thể năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất khi xét đến việc thế giới tiếp tục ấm lên do con người vẫn đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ngày 20/4 vừa qua, các nhà khoa học ở Copernicus đã công bố một báo cáo đánh giá các điều kiện khí hậu cực đoan trên thế giới vào năm ngoái cho thấy, năm 2022, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục trong khi ở Pakistan xảy ra lũ lụt thảm khốc.
Vào tháng 2/2023, mực nước biển ở Nam Cực cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhiệt độ trung bình của thế giới hiện đã cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bên cạnh biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino sắp tới có khả năng khiến cho thời tiết trên khắp thế giới đạt mức nóng kỷ lục.
7. Có thể đối phó hiện tượng El Nino bằng cách nào?
Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động không nhỏ cho nhân loại, nó làm cho hiện tượng El Nino xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn. Đây là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, buộc con người phải có những giải pháp để ngăn chặn hoặc giảm bớt sức ảnh hưởng từ hiện tượng này.
Theo đó, các nhà khoa học đã đề ra ba giải pháp đối phó với hiện tượng El Nino đó là:
- Khai thác tất cả tiềm lực văn minh nhân loại để dự báo thời tiết chính xác sẽ xuất hiện, dự báo đường đi cũng như sức công phá.
- Ngăn chặn việc tàn phá rừng, thải khí cacbonic vào không khí, vì El Nino càng mạnh mẽ hơn nếu mặt đất thiếu cây xanh hay để xảy ra hiện tượng nhà kính.
- Lên các phương án dự phòng khi phải sống chung với El Nino, ví dụ xây nhà phao tránh lũ, dự trữ nước,…
Trên đây là những thông tin khái quát về El Nino-hiện tượng thiên nhiên có thể tạo ra những kiểu thời tiết bất thường trên khắp thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn biến đổi khí hậu diễn ra toàn cầu, hiện tương El Nino tái suất có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.