Nhà khoa học Phạm Thị Thu Hà: Tình yêu cho con – Tình yêu cây lúa!

(VOH) - Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của người nữ tiến sĩ trẻ xuất thân từ vùng đất Bến Tre luôn cháy bỏng một tình yêu dai dẳng với cây lúa, với người nông dân.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống, Trường đại học Tôn Đức Thắng là một trong ba nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019. Tiến sĩ Thu Hà đã có những trải lòng về công việc nghiên cứu khoa học, về những áp lực của người phụ nữ khi cân bằng giữa đam mê công việc và cuộc sống đời thường, để rồi gói gọn đong đầy trong hai tình yêu lớn của cuộc đời: tình yêu cho con – tình yêu cho cây lúa Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống, Trường đại học Tôn Đức Thắng

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của người nữ tiến sĩ trẻ xuất thân từ vùng đất Bến Tre luôn cháy bỏng một tình yêu dai dẳng với cây lúa, với người nông dân. Hành trình nghiên cứu của Tiến sĩ Thu Hà tập trung phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai chéo hỗ trợ đánh dấu, để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam; được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.

Năm 2019 Tiến sĩ được vinh danh là một trong ba nhà khoa học nữ xuất sắc dược trao Giải thưởng L’Oréal – UNESCO. Với đề tài nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Hà chia sẻ, trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu diễn biến rất nghiêm trọng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn rất nhiều, mặn đi kèm với hạn nên nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Công trình nghiên cứu cho ra giống lúa chịu mặn này là cả một quá trình từ trước. Nữ tiến sĩ cùng cộng sự của mình cố gắng nghiên cứu để tạo ra những giống nào có thể thích nghi để cải thiện năng suất cho người nông dân. Đề tài này ứng dụng công nghệ chọn lọc bằng macro phân tử để chọn lọc ra các dòng mà mang gen chống chịu mặn, sau đó triển khai thử nghiệm ở các vùng nhiễm mặn như Bến Tre, Cà Mau…những vùng có độ mặn rất cao. Mục tiêu hy vọng chọn ra được những giống thích ứng được với các vùng canh tác để cải thiện kinh tế cho những người nông dân ở vùng đó.

Quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Thu Hà cũng là tác giả của nhiều giống lúa đã được phát triển và thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau, chọn ra được một số giống, như giống OM6600, OM11267 (MNR1), một số giống lúa chống khô hạn, giống chịu mặn OM10252, các giống chống chịu rầy nâu, giống chịu ngập OM8927…là những giống được công nhận sản xuất thử.

Chọn học tiến sĩ ở Nhật Bản, sau đó trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, khi được hỏi rằng, liệu có phải do xuất phát của chị, gốc ở miền Tây hay không, sinh ra và lớn lên nơi đồng ruộng chân chất, lại là người chị hai trong gia đình, nên duyên nợ gắn với ruộng đồng. Tiến sĩ Hà thừa nhận: “Gia đình gốc nông dân. Ý tưởng học về nông nghiệp của mình từ năm lớp 11. Năm 2001, mình thi đậu vào Đại học Cần Thơ và theo học luôn. Ra trường, mình làm việc và nghiên cứu tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, từ đó là đam mê cây lúa cho đến thời điểm hiện tại, không thay đổi. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, mình tiếp tục học tiến sĩ ngành chọn giống ở Hiroshima, Nhật Bản”.

Chung quy lại, tình yêu lớn nhất của Tiến sĩ Thu Hà, đó là bà vẫn theo đuổi nghiên cứu và trọn vẹn niềm đam mê dành cho cây lúa. Theo Tiến sĩ, nhóm nghiên cứu đang nỗ lực bằng nhiều phương pháp khác nhau, hy vọng rút ngắn được thời gian chọn giống, sớm có được giống lúa đáp ứng kịp thời trong tình hình không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng đang rất khó khăn về giống.

Bản thân thừa nhận mình không giỏi ngoại giao, chỉ chú tâm vào công tác nghiên cứu, nhưng với chị - niềm vui khi nhắc đến các giống lúa mới, các đề tài về nông nghiệp mà mình đang theo đuổi, với chị là lý tưởng sống. Nhưng, trong hành trình nghiên cứu đó, chị có lúc nào nghĩ mình dừng lại bỏ công việc nghiên cứu mà chuyển sang hướng khác? “Chưa nghĩ bao giờ. Tôi mê làm việc kinh khủng, rất thích làm việc. Khi bắt tay làm việc là tôi không ăn, không nói chuyện với ai, ngay cả lúc ăn cơm cũng là vừa ăn, vừa học, vừa làm…chứ không nghỉ, ngay cả buổi trưa cũng làm việc. Ngay cả khi bước về nhà, dù một tay nấu cơm, máy tính vẫn mở sẵn trên bàn để làm mọi lúc mọi nơi. Khi công việc chưa hoàn thành – mình biết mình vậy là không tốt, nhưng áp lực công việc đè nặng đến nỗi mình ăn, mình ngủ mình cũng phải nghĩ đến công việc đó. Khi nào mình giải quyết xong việc thì mình mới cười nói, còn chưa xong thì không buông được” - Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà trần tình.

Quê gốc Bến Tre, ba mẹ Tiến sĩ Hà mất sớm, một mình phải nuôi em, ăn học thì tự lực. Học xong tiến sĩ ở Nhật, chị quay về nước, làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hành trình ấy không thể thiếu đứa con gái – động lực duy nhất giúp chị vượt qua những thử thách trong học tập, nghiên cứu nơi xứ người. Chị kể, mình mang bầu con lúc đang học thạc sĩ ở Hà Nội. Mình đi học tiến sĩ ở Nhật cũng mang con theo: vừa học, vừa làm, vừa nuôi con chỉ một mình. “Lúc ấy con gái chỉ mới 3 tuổi thôi. Bé ở nhà, tự chăm sóc, tự lo, tự làm mọi thứ. Chính con gái là động lực để mình cố gắng, nếu không có con chắc mình không thể nào vượt qua được. Con ngoan, phong cách như một người Nhật vậy, ba tuổi mà biết được mọi thứ, biết tự chăm sóc, biết ủng hộ mẹ biết lo lắng cho mẹ. Mình dạy cho bé tự lực nên cũng yên tâm chứ không phải lo nhiều như những người mẹ khác phải chăm con, đút con ăn…Khi mình làm việc thì cứ tập trung lo làm việc. Bé tự sắp xếp, mình cảm thấy đó cũng là một thiệt thòi cho bé. Mình rất mang ơn con vì đã lớn lên cùng hành trình nghiên cứu của mẹ” – Tiến sĩ Thu Hà xúc động khi nhắc đến con gái.

Sau bao năm nghiên cứu, bây giờ cũng đã có những sự đền đáp, chị đã gặt được “trái ngọt” từ công việc nghiên cứu khoa học của mình, có thể kể đến như Giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019. Nhờ đó, chị mới cảm nhận rằng thì ra mình cũng có giá trị, công việc mình làm cũng có người công nhận. Mình nghĩ đơn giản, cứ cố gắng làm công việc của mình, đừng quan tâm nó sẽ đi đến đâu, mà chỉ cần mình cố gắng thì sẽ được đền đáp.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà tốt nghiệp Tiến sĩ Ngành di truyền và chọn giống, Đại học Hiroshima, Nhật Bản năm 2018; là tác giả và đồng tác giả hơn 60 bài báo khoa học; trong đó có hàng chục bài báo thuộc danh mục ISI, hơn 20 báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước, quốc tế; và là tác giả một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau như: OM6600, OM11267 (MNR1), OM11271 (MNR5) OM7398, OM10041, OM7345, OM10252, OM10375 và OM8927…