Khoảng 91% rạn san hô Great Barrier của Úc đã bị "tẩy trắng" do đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè, theo báo cáo mới của chính phủ được công bố vào tối thứ Ba.
Trong số 719 rạn san hô được khảo sát, có tới 654 rạn san hô (chiếm tỷ lệ 91%) bị tẩy trắng ở một mức độ nào đó.
Đây là lần đầu tiên rạn san hô lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi sự tẩy trắng như vậy trước điều kiện hiện tượng khí hậu La Nina, thường gây ra hiện tượng nhiệt độ nước biển thấp bất thường.
Báo cáo cảnh báo “các rạn san hô đang phải chịu hậu quả trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng”, đồng thời cũng chỉ ra rằng đây là lần thứ 4 đợt “tẩy trắng” ập vào rạn san hô kể từ năm 2016.
Từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, Cơ quan quản lý công viên biển Great Barrier Reef đã thực hiện các cuộc khảo sát toàn diện về rạn san hô được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới này.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, vùng biển bắt đầu ấm lên vào cuối tháng 12 và ba khu vực chính nơi có rạn san hô là nơi chịu tác động của hiện tượng này, từ đó dẫn đến tình trạng làm phai màu các rạn san hô do tảo tạo màu bị "trục xuất" ra ngoài.
Cũng theo báo cáo này, san hô bị tẩy trắng còn sống và có thể phục hồi nếu tình trạng được cải thiện nhưng "san hô bị tẩy trắng nặng có tỷ lệ chết cao hơn".
Báo cáo được công bố 10 ngày trước cuộc bầu cử liên bang Úc, sẽ diễn ra vào ngày 21/5, trong đó chính sách trọng tâm của chính phủ là các vấn đề về biến đổi khí hậu.
Tháng 6 này, Unesco sẽ phải xem xét để ra quyết định có nên đưa Great Barrier vào danh sách các địa điểm "có nguy cơ biến mất".
Ngoài ra, Úc cũng đã triển khai kế hoạch bảo vệ Great Barrier mang tên "Reef 2050" trị giá hàng tỷ USD sau khi Liên Hợp Quốc cảnh báo việc hạ xếp hạng Di sản Thế giới này vào năm 2015.