Theo VTC News, lúc 4h40 sáng nay 29/9, các tay săn ảnh tại TP Quy Nhơn, Bình Định đã chụp được hình ảnh sao chổi C/2023 A3 xuất hiện sau 80.000 năm tuyệt tích.
Sao chổi này có nguồn gốc là đám mây Oort, thường được ví như "vùng tăm tối" của hệ Mặt Trời, một vành đai nằm ngoài rìa của hệ với rất nhiều tiểu hành tinh và sao chổi băng giá.
Theo những tay săn ảnh, để quan sát tốt được sao chổi này nên chọn vùng tối thoáng đãng, ở cách xa đèn nhân tạo, để mắt mình quen với bóng tối khoảng 10 phút rồi hướng mắt về vùng trời phía Đông Đông Nam ở ngay trên đường chân trời, quan sát kĩ bạn sẽ thấy một ngôi sao có cái đuôi dài và sáng, đó chính là sao chổi C/2023 A3.
Có thể nhìn thấy sao chổi ở ngay phía trên đường chân trời hướng Đông Đông Nam trong chòm sao Kính Lục Phân, khoảng gần 1 tiếng trước khi Mặt trời mọc cho đến ngày 2/10. Khác với sao băng xuất hiện trong nháy mắt, sao chổi di chuyển rất chậm trên bầu trời nên chúng ta rất thoải mái quan sát, một nhiếp ảnh gia cho hay.
Tờ SciTech Daily cho biết, theo các tính toán, sao chổi C/2023 A3 (hay còn gọi là Tsuchinshan-ATLAS) dự kiến sẽ đạt đến điểm điểm gần Trái Đất nhất vào ngày 12/10, điểm cận nhật gần Mặt Trời nhất ngày 27/9 cho đến ngày 2/11.
Sao chổi C/2023 A3 có thể đạt độ sáng tương đương sao Bắc Đẩu và mọi người có thể quan sát được.
Ảnh chụp sáng nay tại TP. Quy Nhơn về sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) đang tiến gần đến trung tâm của Hệ Mặt trời hơn quỹ đạo của Sao Kim.