Khí hậu thay đổi gây hạn hán, đất đai khô nứt nghiêm trọng. Ảnh minh họa.
Bạn đã từng có một kỳ nghỉ dưỡng tại Bắc Cực, trải nghiệm những chuyến trượt tuyết kiểu Bắc Âu và thời tiết lạnh âm độ hay chưa? Nghỉ dưỡng ở Bắc Cực? Điều này nghe có vẻ khá hoang đường.
Tuy nhiên, nếu quay về thời điểm 56 triệu năm trước đây, bạn sẽ chẳng nghĩ như vậy. Chắc hẳn bạn sẽ thích nhiệt độ mát mẻ và cảnh quan xanh tươi ở Bắc Cực lúc bấy giờ (mặc dù phải khá cẩn thận với cá sấu dữ tợn).
Trái Đất đã từng nóng đến cực độ
Băng ở cực tan chảy do Trái Đất nóng lên. Ảnh minh họa.
Khi ấy, Trái Đất đang ở giữa giai đoạn nóng lên cực độ, được gọi là Paleo-Eocene Thermal Maximum. Hành tinh của chúng ta nóng đến mức hai cực cũng đạt nhiệt độ gần như nhiệt đới.
Hiện tại, khi mỗi tháng nhiệt độ toàn cầu lại tăng, phá vỡ kỷ lục ghi nhận trước đó, người ta đặt ra câu hỏi “Trái Đất đã bao giờ nóng như hiện tại chưa?”
Thật ra, Trái Đất từng hơn một lần trải qua những giai đoạn nóng lên cực độ. Băng ở hai cực nhiều lần đóng, tan ra và lại đóng băng trở lại. Hiện nay, Trái Đất lại một lần nữa nóng lên.
Trao đổi với Live Science, Stuart Sutherland, nhà cổ sinh vật học của Đại học British Columbia chia sẻ, biến đổi khí hậu ngày nay không đơn thuần chỉ là một phần nhỏ trong chu kỳ tự nhiên, mà trở thành một vấn đề khủng khiếp đối với nhân loại.
Kỳ Băng Hà xảy ra từ rất nhiều năm trước
Thời kỳ băng hà đã từng xảy ra trong quá khứ. Ảnh minh họa.
Khí hậu Trái Đất luôn dao động tự nhiên, qua hàng chục nghìn năm, vòng xoay của nó quanh mặt trời dần thay đổi, dẫn đến sự thay đổi mọi thứ, từ các mùa đến ánh sáng mặt trời. Một phần kết quả của những dao động này đã khiến Trái Đất trải qua các giai đoạn băng hà (thường gọi là Kỳ Băng Hà) và các giai đoạn nhiệt độ ấm hơn làm băng tan.
Tuy nhiên, để tạo ra một thời kỳ nóng lên cực độ như Paleo-Ecocene, cần sự thay đổi lớn hơn về độ nghiêng trục Trái Đất hoặc quỹ đạo mà trục quay quanh Mặt Trời.
Các giai đoạn nóng lên cực độ luôn liên quan đến một thủ phạm vô hình – thứ mà chúng ta quá quen thuộc hiện nay: một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2).
Khí nhà kính chịu phần lớn trách nhiệm cho việc gây ra thời kỳ nóng cực độ (Paleo-Eocene Thermal Maximum). Tuy nhiên, nồng độ CO2 đã tăng cao như thế nào khi con người vẫn chưa xuất hiện?
Sébastien Castelltort, nhà địa chất tại Đại học Geneva cho biết, các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân. Họ chỉ đưa ra dự đoán có khả năng nhất, là do núi lửa phun trào tạo ra CO2 trong khí quyển, giữ nhiệt và làm tan chảy các túi khí metan kẹt dưới đáy đại dương từ lâu. (Metan là loại khí nhà kính mạnh hơn CO2)
“Vụ thảm sát hành tinh đẫm máu” Permi-Trias
Khu vực nhiều núi lửa - Những cái bẫy ở Siberia. Ảnh minh họa.
Mặc dù các thời kỳ nóng lên cực độ được đẩy nhanh bởi nhiều loại khí nhà kính xuất hiện trước đây, nhưng điều này không có nghĩa là những thời kỳ đó vô hại. Lấy ví dụ về sự kiện đại tuyệt chủng kỷ Permi-Trias, xảy ra vài triệu năm trước khi loài khủng long xuất hiện trên Trái Đất. Dùng từ “tuyệt chủng” cũng không thể nào diễn tả mức độ thảm khốc của sự kiện này, bởi đại tuyệt chủng kỷ Permi-Trias là “vụ thảm sát đẫm máu” nhất lịch sử Trái Đất, đã diệt vong gần hết mọi thứ có trên hành tinh.
Sự kiện nóng lên cực độ xảy ra cách đây 252 triệu năm, Stuart Sutherland gọi nó là "điển hình cho sự mất kiểm soát hậu quả từ hiệu ứng nhà kính”, gây ra bởi hoạt động của núi lửa, khiến khí hậu hỗn loạn và sự chết chóc lan rộng. (Trường hợp này là vụ phun trào của nhiều núi lửa tại một khu vực, các núi lửa đó được gọi với tên “Những cái bẫy ở Siberia”)
Trao đổi với Live Science, Sutherland nói "Bạn hãy tưởng tượng quang cảnh lúc bấy giờ: hạn hán cực độ, thực vật chết khô, lục địa ngày càng biến thành hoang mạc Saharah.” Nhiệt độ tăng 18°F (10°C), quá cao so với sự gia tăng nhiệt độ kể từ khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch (2.1°F~1.2°C). Khoảng 95% sự sống dưới biển, 70% sinh vật trên cạn đã tuyệt chủng.
“Với khí hậu này, quá nóng và khó chịu cho các sinh vật sống được”, Sutherland cho hay.
Tốc độ tăng nhiệt ở Trái Đất thay đổi theo thời gian
Nhiệt độ Trái Đất tăng cao gây cháy rừng Ảnh minh họa.
Không thể biết rõ nồng độ khí nhà kính cao đến mức nào trong đại tuyệt chủng Permi-Trias, nhưng có khả năng cao hơn nhiều so với hiện nay. Một số giả thuyết cho rằng nồng độ carbon dioxide đã tăng cao tới 3.500 phần triệu (ppm). Con số này hiện nay là 400 ppm, khá thấp so với lúc đó, nhưng vẫn được coi là cao.
Tuy nhiên, tốc độ thay đổi nồng độ CO2 trong không khí hiện nay nhanh chưa từng thấy. Trước kia, phải mất hàng nghìn năm để nhiệt độ tăng cao đến mức đó và gây ra sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias. Theo một số nghiên cứu thì khoảng thời gian này là 150.000 năm.
Trong giai đoạn nóng cực độ Paleo-Eocene, nhiệt độ phải mất 10000 - 20000 năm để đạt được. Quá trình này đã từng được coi là khá nhanh chóng rồi, nhưng quá trình nóng lên ngày nay còn nhanh hơn, chỉ mất 150 năm.
Castelltort nói đó là khác biệt lớn nhất giữa biến đổi khí hậu ngày nay và trong quá khứ, và cũng là nguyên nhân khiến con người khó dự đoán được hậu quả của biến đổi khí hậu. Ông cũng cho rằng, ngoài việc quan tâm đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, điều cần chúng ta quan tâm hơn là tốc độ tăng nhiệt nhanh đến mức nào và biện pháp giúp con người thích nghi được.
Theo ông, dựa trên các sự kiện nóng lên trong quá khứ, không một chuyên gia nào có thể nói rằng tốc độ nóng lên ở hiện tại sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Họ chỉ không thể dự tính được mức độ khủng khiếp của hậu quả.
Nguồn ảnh: Internet