Chờ...

Trái Đất ra đời từ thế giới mang hình chiếc bánh?

VOH - Một phát hiện mới gây chấn động giới khoa học khi các nhà khoa học từ Đại học California Los Angeles cho rằng Trái Đất có thể đã hình thành từ một thế giới mang hình chiếc bánh donut khổng lồ.

Từ lâu, các nhà khoa học đã luôn trăn trở về nguồn gốc hình thành của Trái Đất và hệ Mặt Trời. Theo mô hình phổ biến nhất, hệ Mặt Trời hình thành từ một đĩa tiền hành tinh khổng lồ, bao gồm khí và bụi, quay quanh một ngôi sao trẻ.

Tuy nhiên, các mô tả trước đây về đĩa tiền hành tinh này thường dựa trên quan sát từ một số hệ sao trẻ khác, và cho rằng nó có hình dạng dẹt và mỏng.

anh do hoa_voh
Ảnh đồ họa mô tả lại một ngôi sao còn đĩa tiền hành tinh dày bất thường, gần như hình xuyến mà các nhà khoa học cho rằng hệ Mặt Trời ban đầu đã sở hữu - Ảnh: NASA

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh Bidong Zhang thuộc UCLA đã đưa ra một giả thuyết mới dựa trên phân tích các thiên thạch sắt rơi xuống Trái Đất.

Các phân tích cho thấy những thiên thạch này có thành phần kim loại khác biệt so với các thiên thạch khác trong hệ Mặt Trời. Chúng chứa nhiều kim loại chịu lửa hơn, vốn chỉ có thể hình thành ở môi trường nhiệt độ cao, gần với một ngôi sao đang hình thành.

Điều này đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào những kim loại này có thể di chuyển từ khu vực bên trong hệ Mặt Trời (nơi chúng được hình thành) ra khu vực bên ngoài, nơi các thiên thạch được tìm thấy?

Theo các nhà khoa học, giải pháp duy nhất cho câu hỏi này là đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời phải có hình dạng khác biệt so với mô hình truyền thống.

Họ đưa ra giả thuyết rằng đĩa tiền hành tinh này có thể có hình dạng giống như một chiếc bánh donut khổng lồ, với phần rìa dày hơn phần trung tâm.

Trong mô hình này, các hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc và Sao Thổ hình thành ở khu vực trung tâm của đĩa, tạo ra những khoảng trống lớn.

Những khoảng trống này khiến cho các vật thể giàu kim loại khó có thể di chuyển từ khu vực bên trong ra khu vực bên ngoài đĩa.

Tuy nhiên, ở phần rìa dày hơn của đĩa, do mật độ vật chất cao hơn, các vật thể kim loại có thể di chuyển dễ dàng hơn.

Sau khi đĩa tiền hành tinh nguội dần và dẹt lại, các kim loại này bị "mắc kẹt" ở khu vực bên ngoài, cùng với các thiên thạch được hình thành từ đó.

Phát hiện mới này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành hệ Mặt Trời và Trái Đất.

Nó cũng đặt ra những câu hỏi mới về sự hình thành của các hành tinh khác trong vũ trụ.