Chờ...

Năm 2024: Tăng tốc điều chỉnh lộ trình Net Zero như cam kết

VOH -  Lộ trình phát triển bền vững và Net-zero đang được các địa phương, ban ngành và doanh nghiệp tăng tốc, VN cũng đưa ra chiến lược phát triển NL hydrogen và xuất khẩu NLTT ra nước ngoài.
Năm 2024: Tăng tốc điều chỉnh lộ trình Net Zero như cam kết 1
Ảnh minh họa: internet

Tăng tốc với lộ trình Net-Zero 2050

Năm 2024, thế giới bắt đầu tăng tốc điều chỉnh lộ trình Net-Zero 2050, theo Thỏa thuận Paris 2015, mục hạn chế sự nóng lên toàn cầu trên mức tiền công nghiệp ở +2 độ C và lý tưởng nhất là ở +1,5 độ C. Điều này sẽ giảm khả năng gây ra những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết thế giới cần cắt giảm 43% lượng khí thải nhà kính trong khoảng 2019-2030, và sau đó đưa lượng khí thải CO2 tăng thêm hàng năm trở về con số 0 vào năm 2050, gọi là Net-Zero. Thế giới đã có những nỗ lực lớn nhằm đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhưng thực tế chúng ta chưa đi đúng hướng.

Tỷ lệ năng lượng sơ cấp được sản xuất bởi các nguồn tái tạo đã tăng chậm, từ 8% năm 2010 lên 12% vào năm 2021. Nếu lượng phát thải vẫn giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, ước tính từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy Net-Zero sẽ không đạt được ngay cả đến cuối thế kỷ này.

Đây là lần đầu tiên từ trước đến nay các nước thông qua thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu cùng những tai ương thảm họa từ đó.

Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững.

Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là “không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá”.

Taị Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) hướng đến các mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.

Còn thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050. Đây thực sự là một thay đổi tích cực cho tình hình khí hậu thế giới hiện nay, và về cơ bản báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.

Sau năm 2030 không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới

Bộ Công Thương đã khẳng định: Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon.

Để thực hiện mục tiêu này, tất cả các phương án đề xuất, tính toán đều phải thực hiện chuyển đổi năng lượng tại Quy hoạch điện VIII.

Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) đạt khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất và khoảng 67,5 - 71,5% vào năm 2050.

Thực hiện khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: Giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp.

Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

Với chương trình phát triển nguồn điện đề ra trong Quy hoạch điện VIII, mức phát thải CO2 của ngành điện năm 2030 đạt 204 - 254 triệu tấn, 2035 đạt 226 - 254 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ ở mức 27 - 31 triệu tấn (thấp hơn hạn mức 35 triệu tấn nêu ở trên).

Tăng cường đầu tư điện mặt trời

Năm 2024: Tăng tốc điều chỉnh lộ trình Net Zero như cam kết 2
Nhà máy Điện Mặt trời của Tập đoàn Sao Mai quy mô lên đến 275 ha, tọa lạc tại H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã từng giải đáp câu hỏi liên quan đến kế hoạch ban hành các cơ chế, chính sách để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt với tổng công suất nguồn điện là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), tăng 21.000 MW so với tổng công suất nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (130.000 MW).

Tổng công suất lắp máy các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đã chiếm tỷ trọng 28,5% tổng công suất nguồn điện. Đây là một tỷ trọng rất lớn mà ngay cả các nước phát triển, có trình độ công nghệ cao, sở hữu hệ thống lưới điện thông minh và các thiết bị lưu trữ điện năng ở mức cao thì tỷ trọng này cũng chỉ ở ngưỡng trên dưới 20%.

"Đây là một mục tiêu phấn đấu rất cao và bên cạnh những nỗ lực của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là cam kết JETP", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện cho các nguồn điện mới như: pin tích trữ năng lượng, phát triển thủy điện tích năng… bởi đây là các nguồn điện linh hoạt cao.

 Đẩy mạnh khuyến khích các hoạt động đầu tư điện mặt trời tự sản tự tiêu, không nối lưới để khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), chú trọng phát triển các loại thiết bị lưu trữ điện.

Song song với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh; đẩy nhanh xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp và thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ.

Bộ Công Thương, ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, để hiện thực hoá mục tiêu tiêu tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tập trung vào 2 nhóm đối tượng sử dụng năng lượng lớn là công nghiệp và gia đình hướng đến các chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng và tuyên truyền ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ hiệu suất cao.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của luật.

Bắt đầu bán tín chỉ carbon

Cùng với thế giới, Việt Nam tranh thủ tuyên bố Kế hoạch Huy động nguồn lực (RMP) cho gói vốn có tên Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là gói vốn có giá trị 15,5 tỉ đô la do nhóm đối tác quốc tế dành cho nâng cấp lưới điện, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, hạn chế điện than… của Việt Nam với khoảng một nửa là vốn vay ưu đãi và một nửa là vốn vay thương mại.

Theo khảo sát, những chuyển biến theo sau COP28 ở nước ta tỏ ra khá nhanh và đa diện. Việt Nam bắt đầu thu được những khoản bán tín chỉ carbon đầu tiên từ những cánh rừng Bắc Trung Bộ. Kể từ ngày 1-1-2024, Việt Nam bắt đầu áp dụng trách nhiệm tái chế đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển năng lượng hydrogen song song với việc xuất khẩu năng lượng tái tạo ra nước ngoài.

Thông qua quá trình thảo luận và các cam kết tại COP28 chúng ta có thể thấy cuộc điều chỉnh lớn lộ trình Net-Zero không chỉ nằm trong việc loại bỏ năng lượng hóa thạch mà còn là việc sắp xếp lại mục tiêu một cách công bằng cho tất cả mọi quốc gia, doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi trước đây được hình dung như chỉ có một thách thức duy nhất là giảm lượng khí thải từ năng lượng, vật liệu, sử dụng đất và các hoạt động khác của con người. Điều này tạo nên sự kèn cựa và thậm chí là không công bằng giữa các nước cũng như các doanh nghiệp, dẫn đến việc chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu một cách chậm chạp, và nhiều công ty bắt đầu hụt hơi vì sản phẩm không thể đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.