Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp cho Đồng bằng sông Cửu Long

VOH - Ngày 14/11, Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp ĐBSCL" tại Cần Thơ.

Hội thảo do Sở Công thương TP phối hợp với Trung tâm Khoa học và Hợp tác NetZero Việt Nam - Asia (VANZA) và Tập đoàn Huawei tổ chức gần 400 đại biểu từ các doanh nghiệp, đại diện sở ngành cùng giới nghiên cứu và cơ quan báo chí.

DSC09335_voh
Toàn cảnh hội nghị
DSC09312_voh
Gần 400 đại biểu từ các doanh nghiệp, đại diện sở ngành cùng giới nghiên cứu và cơ quan báo chí.

Tiềm năng của ĐBSCL trong phát triển năng lượng tái tạo

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch quốc gia, ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời, điều này tạo cơ hội phát triển kinh tế bền vững và giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

DSC09328_voh
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

 

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ đánh giá cao ý tưởng của VANZA, khẳng định năng lượng xanh là xu hướng tất yếu cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam cũng như hội nhập toàn cầu. Ông khẳng định đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng rất lớn phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là mô hình điện mặt trời, tự sản xuất - tự tiêu thụ. Ông mong quý doanh nghiệp nỗ lực đóng góp ý kiến, để cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách, nhằm tạo mọi thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, hội nhập với thế giới, đưa đất nước phát triển.

Chính sách mới thúc đẩy năng lượng xanh

Nghị định 135/2024 tạo ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là mô hình điện mặt trời mái nhà. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh, giảm chi phí mà còn tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.

DSC09358_voh
Ông Nguyễn Hoàng Dũng đại diện từ Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) trình bày tham luận tại hội nghị

Đại diện từ Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3), ông Nguyễn Hoàng Dũng, nhấn mạnh rằng: “Mô hình điện mặt trời mái nhà là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp tự sản xuất điện năng để tiêu thụ nội bộ, giảm chi phí và áp lực lên lưới điện quốc gia. ĐBSCL có nguồn bức xạ mặt trời dồi dào, nếu khai thác tốt mô hình này sẽ gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm tác động xấu tới môi trường.”

ĐBSCL - Thách thức và cơ hội chuyển đổi xanh

DSC09321_voh
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch VANZA phát biểu tại hội nghị

ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, đến nhu cầu cấp thiết về năng lượng xanh. Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch VANZA mong rằng, buổi hội thảo sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ công nghệ về năng lượng xanh, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhằm tạo ra những thay đổi thực chất, đặc biệt khi xét đến đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Buổi hội thảo là diễn đàn chia sẻ chính sách về khuyến khích phát triển năng lượng xanh, đưa ra sáng kiến.

Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về Net Zero

Từ đầu cầu Hà Nội, bà Phạm Hương Giang, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh đến nhu cầu rất lớn về năng lượng tái tạo trong tương lai. Đây cũng là chủ trương nhất quán. Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, mặt trời, sinh khối và chế từ rác thải. Để khai thác được tiềm năng này, cơ quan quản lý ở đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục minh bạch hóa chính sách, giảm thủ tục hành chính, ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao và chú trọng bảo vệ môi trường. Tất cả nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển năng lượng xanh một cách bền vững. 

DSC09339_voh
Bà Phạm Hương Giang, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ thông tin từ đầu cầu Hà Nội

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất của công ty sữa Vinamilk trình bày những cách thức và đổi mới công nghệ đang áp dụng tại doanh nghiệp. Tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi năng lượng là chủ trương lớn. Ban lãnh đạo tập đoàn quyết tâm rất cao. Thành quả hiện nay, là 87% hoạt động sản xuất của Vinamilk là sử dụng năng lượng tái tạo. 

DSC09350_voh
ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất của công ty sữa Vinamilk trình bày tham luận tại hội nghị

Với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh và quản lý tối ưu hóa năng lượng, Huawei đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu suất vận hành. Huawei là nhà cung cấp Giải pháp Điện Mặt Trời thông minh hàng đầu trên thế giới với việc nắm giữ khoảng 30% thị phần toàn cầu thị trường Biến tần chuỗi thông minh.

Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Trưởng phòng giải pháp - Huawei Digital Power cũng đã chia sẻ các giải pháp của Huawei không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và chiến lược trung hòa carbon của Việt Nam.

Chia sẻ với VOH, ông Ngô Văn Thiện, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển chiến lược của VANZA nói rằng, điều ông kỳ vọng nhất ở hội thảo lần này là lãnh đạo lĩnh vực công thương các tỉnh thành hiểu hơn về năng lượng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và sử dụng năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch. Ông rất vui khi thấy được sự chuyển biến này trong những năm gần đây. Ngoài ra, ông cũng mong doanh nghiệp hiểu hơn về ý nghĩa của chuyển đổi năng lượng xanh, và nỗ lực chuyển đổi, để cả nước tiến tới net zero năm 2050.

Hợp tác và cam kết phát triển bền vững

Trong khuôn khổ hội thảo, một lễ ký kết văn bản ghi nhớ đã diễn ra giữa PECC3 và Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ, đánh dấu sự hợp tác về tư vấn, thiết kế, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các nhà máy của Chiếu xạ Cần Thơ. Sự hợp tác này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng mà còn giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về phát triển bền vững.

164356 IMG_9940_voh
Lễ ký kết văn bản ghi nhớ đã diễn ra giữa PECC3 và Công ty Cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ

Các sáng kiến xanh được đề xuất

Tại hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đã chia sẻ nhiều giải pháp kỹ thuật, sáng kiến nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, ứng dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất. Các giải pháp quản lý năng lượng thông minh, hệ thống lưu trữ năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa năng lượng đều được đưa ra thảo luận. Các đại biểu cũng kêu gọi tận dụng các cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn tín dụng xanh để phát triển hạ tầng năng lượng xanh.

DSC09381_voh
Đại diện Huawei trình bày tham luận tại hội nghị Tập đoàn Huawe

Phần tọa đàm với chủ đề “Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho ĐBSCL” đã xoay quanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, đầu tư vào công nghệ hiện đại và các mô hình hợp tác công - tư để hỗ trợ chuyển đổi xanh. Đại diện từ cơ quan nhà nước đã cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh. Tọa đàm cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án năng lượng thành công, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương.

DSC09417_voh
Tọa đàm với chủ đề “Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho ĐBSCL”
DSC09416_voh
Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại tọa đàm

Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho ĐBSCL” đã giúp kết nối doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia, cùng nhau thảo luận về chiến lược phát triển năng lượng xanh, mở ra cơ hội mới cho hợp tác và phát triển bền vững. Khu vực ĐBSCL với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào hứa hẹn sẽ trở thành đầu tàu trong công cuộc chuyển đổi xanh, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

174135 IMG_0014_voh
Đại biểu và doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
DSC09361_voh
Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho ĐBSCL” là nơi kết nối doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia.
Bình luận