Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Phát triển bền vững 22/4: Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

VOH - Nhiều cơ hội cho TP HCM từ thị trường tín chỉ carbon; Chuẩn bị chuỗi cung ứng nhiên liệu xanh cho ngành hàng không; Nghiên cứu các quy định đặc thù đối với điện gió ngoài khơi.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu.

Phát triển bền vững 22/4: Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải 1

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thời gian qua, cơ quan này đã nhận được một số kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon, quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của nhà nước.

Một số kiến nghị điều chỉnh một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thực hiện các chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Nhiều cơ hội cho TP HCM từ thị trường tín chỉ carbon

TP HCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon lẫn thu hút đầu tư từ việc phát triển thị trường này

Phát biểu tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon – Động lực xây dựng Việt Nam xanh" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Để thực hiện hiệu quả chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính nói chung và cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Theo đó, TP HCM được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tài chính đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thí điểm cơ chế tài chính, với mục tiêu là triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời đề xuất lựa chọn 2 dự án tiềm năng là thay thế đèn đường LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công.

Chuẩn bị chuỗi cung ứng nhiên liệu xanh cho ngành hàng không

Các hãng bay quốc tế American, Delta và United, All Nippon Airways, Japan Airlines, Singapore Airlines rục rịch chuyển đổi không sử dụng xăng dầu mà sẽ bay với loại nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) được sản xuất từ nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng, chất thải nông nghiệp...

Phát triển bền vững 22/4: Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải 2

SAF là giải pháp thay thế có tính tái chế và ít phát thải carbon, giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã kêu gọi chính phủ, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý chung tay hợp tác để giải quyết các vấn đề về phát thải với mục tiêu "Net Zero" vào năm 2050.

Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam khẳng định đây là xu hướng chuyển đổi xanh, không thể thấy "khó" để "chậm" chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải. Trong số 6 hãng bay tại Việt Nam, Vietnam Airlines và Vietjet đang có những kế hoạch nhất định tiến tới sử dụng SAF.

Giải bài toán thiếu điện mùa khô: Khơi thông dòng điện năng lượng tái tạo

Nguồn điện tái tạo, điện mặt trời mái nhà, điện gió... vẫn là kho tiềm năng lớn nhưng còn nhiều vướng mắc về chính sách phát triển nên chưa được khai thác một cách toàn diện, mặc dù doanh nghiệp và người dân đã sẵn sàng để cùng “hòa lưới điện quốc gia”.

Phát triển bền vững 22/4: Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải 3

Dự kiến lượng điện sử dụng toàn quốc sẽ đạt đỉnh điểm tới hơn 1 tỷ kWh/ngày trong những ngày nắng nóng nhất từ nay đến tháng 7, tăng hơn 10% so với hiện tại, kéo theo nguy cơ cho hệ thống khi tất cả nguồn điện đã được huy động.

Dự báo nhu cầu sử dụng điện mùa khô năm 2024 tăng đến 13%, riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục đến 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài điện khí LNG, điện gió ngoài khơi cũng là nguồn điện quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Thế nhưng việc thúc đẩy các dự án trên thực tế lại không dễ dàng do thiếu các quy định, chính sách, quy hoạch không gian, chính sách giá đối với điện, khiến các nhà đầu tư lấn cấn về giá bán.

Đối với các doanh nghiệp, việc tận dụng năng lượng mặt trời thành nguồn điện cho sản xuất hướng tới dây chuyền sản xuất xanh là điều rất cần thiết và quan trọng để hướng tới mục tiêu Net Zero đến năm 2050.

Để khơi thông cho điện mặt trời, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Nghiên cứu các quy định đặc thù đối với điện gió ngoài khơi

Theo tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), góp ý về giải pháp phát triển điện gió ngoài khơi vừa gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Công Thương có thể nghiên cứu các quy định đặc thù đối với điện gió ngoài khơi nếu cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư có quy định: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và nghị định hướng dẫn đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung.

Cụ thể, bổ sung quy định tại Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Kế hoạch và Đầu tư như ý kiến của Bộ tại văn bản trước đó về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi); đồng thời, xác định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư...

Bình luận