2017, năm bùng nổ của M&A các dự án bất động sản

(VOH) - Năm 2017 được nhận định làm một năm bùng nổ của M&A các dự án bất động sản.

Hôm nay, 13/12, Hội nghị bất động sản VRES 2017 lần đầu tiên được tổ chức với những thông tin và định hướng trong ngành bất động sản Việt Nam của những lãnh đạo cao cấp trong các doanh nghiệp BĐS hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia kinh tế - tài chính, bất động sản.

Bùng nổ M &A

Năm 2017 được nhận định làm một năm bùng nổ của M&A các dự án bất động sản. Tuy nhiên, đa phần thông tin đều được bảo mật hoặc giá trị thương vụ không được tiết lộ.

Ông Phan Xuân Cần, chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn BĐS Sohovietnam, một công ty chuyên về tư vấn mua bán, sáp nhập và chuyển nhượng dự án bất động sản (BĐS) cho biết: những giao dịch được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhiều giao dịch mua bán dự án BĐS diễn ra âm thầm, tỷ lệ những dự án được M&A trong ngành BĐS được công bố ước tính chỉ đạt 20 – 30% so với tổng lượng giao dịch thực tế trên thị trường.

Trong năm này, hoạt động M&A trong ngành BĐS tại Việt Nam nhìn chung vẫn rơi vào hai điểm nóng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá minh bạch hơn với số lượng các giao dịch M&A được công bố nhiều hơn so với thị trường Hà Nội.

Ngoài ra, thị trường M&A sôi động trong thành phố Hồ Chí Minh cũng có sự đóng góp không nhỏ của “làn sóng” các nhà đầu tư ngoại.

Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp nước ngoài giữa tháng 5/2017 của lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đến từ Singapore cho biết, họ đang tập trung mua lại các dự án như: Duxton Hotel Saigon, Empire City, Kumho Asiana Plaza, Mizuki Park, …

Theo ông Stephen Wyatt, CEO của Jones Lang Lasalle Việt Nam, với cư dân đô thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2017, BĐS đứng trong top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất và top 5 các nước đầu tư vào Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan.

Những quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài M&A dự án BĐS có thể kể đến như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C,… với các thương vụ trị giá từ 20 triệu đô trở lên.

Năm 2017, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Đại Việt Group dù không có biến động mạnh nhưng nhiều nhà đầu tư cũng đã đưa ra được nhiều dự án mang tính thương mại cao, nguồn cung đa dạng. Sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài dành cho bất động sản ngày càng tăng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính phát biểu tại hội nghị

Sẽ có nhiều  nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group đánh giá, khác với sự bình ổn của thị trường bất động sản 2017, năm 2018 được kỳ vọng sẽ là năm bản lề của thị trường bất động sản và cả nền kinh tế. Ông Hưng phân tích, Việt Nam hiện đã chính thức mở cửa thị trường bán lẻ. Động thái này chính là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó tác động mạnh mẽ đến phát triển bất động sản. Tương lai của ngành bất động torng thời gian tới chính là bất động sản công nghiệp và thương mại sẽ lên ngôi; quỹ đầu tư và các kênh huy động vốn sẽ tham gia nhiều hơn.

Giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới theo TS. Cấn Văn Lực cần quyết liệt hoàn thành tái cơ cấu; tăng cường ứng dụng CNTT và phân tích thị trường nhằm giảm chi phí, phát triển đúng và bài bản; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, tiềm lực tài chính, nhân sự lao động; tăng cường hợp tác liên kết, xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh: Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

Bình luận