4 tháng đầu năm: 7/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực

(VOH) - Sáng nay 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021.

Qua báo cáo xem xét tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 cho thấy hầu hết các ngành, lĩnh vực trên đà tăng trưởng trở lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hop
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11/5/2022

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và đồng tình, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong phát triển KT-XH năm 2021. Đến nay, trên cơ sở báo cáo bổ sung của các cơ quan về kết quả thực hiện cả năm 2021, một lần nữa khẳng định 11 nhóm kết quả đạt được và 8 nhóm hạn chế, khó khăn chủ yếu trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 như đã được Chính phủ báo cáo Trung ương, Quốc hội.

So với báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên vẫn có một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Những thay đổi tích cực như, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (343,67 nghìn tỷ đồng); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28-29%).

Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như: Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 4,4-4,9%), thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).

Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận lao động nghỉ việc, cũng như chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động của doanh nghiệp cũng như năng suất lao động chung của cả nước.

4 tháng đầu năm 2022 đạt những kết quả tích cực

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu bật các kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021, qua đó tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển KT-XH và tạo đà tích cực cho Quý II và cả năm.

Đồng thời, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (14,7%). Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD).

Tình hình doanh nghiệp rất tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 lần đầu tiên vượt mốc 15.000 doanh nghiệp. Tính chung 4 tháng, nước ta có hơn 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đối tượng chính sách; xuất cấp 27.190 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Tiếp tục hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I/2022 giảm so với quý trước, thu nhập người lao động được cải thiện; giải quyết tốt các vụ việc đình công phát sinh.

Công tác phòng chống dịch, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt. Từ ngày 21/4/2022 nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Số ca nhiễm mới giảm dần; số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong duy trì ở mức thấp và trong phạm vi kiểm soát...