542 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019

(VOH) - Tối 20/2, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Lễ trao danh hiệu cho 542 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019.

Trong đó có14 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập ngành Thực phẩm được đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng và công bố, nâng tổng số lên 102 doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập này.

542 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019

Trao danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 cho các doanh nghiệp.

Tại buổi lễ, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chặng đường 23 năm Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, gần 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai vào thực tiễn cuộc sống đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Những doanh nghiệp đạt danh hiệu chứng nhận là những doanh nghiệp đã xây dựng được “Văn hoá Tiêu chuẩn - Chất lượng - Thương hiệu” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; là điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến sản xuất, hệ thống cung ứng, phân phối và phát triển thương hiệu sản phẩm; đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật và đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Danh hiệu chứng nhận thực sự là một sự tôn vinh xứng đáng cho những doanh nghiệp đã nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Qua đó, chứng minh những cải tiến không ngừng nghỉ của Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao và Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong những năm vừa rồi về cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận và hội nhập thị trường trong nước và quốc tế thông qua các sản phẩm như Bộ tiêu chí Chuẩn hội nhập - Ngành thực phẩm, Bộ tiêu chí Chuẩn hội nhập – Ngành phi thực phẩm,… là hướng đi đúng đắn, hiệu quả; đã thu hút được sự quan tâm và tạo được uy tín cao trong cộng đồng doanh nghiệp, uy tín đối với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, cũng như người tiêu dùng trong xã hội".

Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều nước khu vực ASEAN đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ. Hầu hết các nước Asean đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh.

Về vấn đề số hóa, bà Vũ Kim Hạnh nói: "Số hóa thì không có ý nghĩa chỉ có đối với máy móc thiết bị, mà nó là cả một chuỗi giá trị, tôi nghĩ số hóa thật ra là công việc để có thể thực hiện phương thức số hóa trong toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp thì nhiều lắm, và tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, từng ngành mà người ta xác định là người ta đi vào những lĩnh vực nào, công đoạn nào. Tôi cho là hiện nay, cái quan trọng nhất vẫn là làm sao để doanh nghiệp hiểu về vai trò, tác động của kỹ thuật số trong công việc kinh doanh của mình".

Như vậy, 23 năm là một hành trình không ngơi nghỉ của hàng Việt Nam chất lượng cao. Từ hành trình đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu đã vươn lên, bay cao, bay xa. Và có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.

Bình luận