Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, phân tích tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 từ những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế.
Theo đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3%. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo từ 2,9% xuống 2,6% và là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Morgan Stanley cuối tháng 5/2019 đã nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nếu Mỹ áp thuế 25% vào 300 tỷ USD hàng còn lại của Trung Quốc. Thêm vào đó, FED sẽ cắt giảm lãi suất về 0% vào mùa xuân năm 2020. Phản ứng với động thái của FED, tính đến hết tháng 6, đã có 23 NHTW giảm lãi suất (Australia, New Zealand, Ấn Độ, Malaysia, Phillipines, Nga…) trong khi chỉ có 7 NHTW tăng lãi suất.
PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019
Với một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung chỉ ra những ảnh hưởng có thể được nhận thấy qua dữ liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu 2019 như: Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tăng trưởng chậm lại xuất hiện đồng thời cả 3 khu vực. Tăng trưởng sản xuất khu vực nông – lâm – thuỷ sản giảm mạnh nhất, mức giảm là 1,54%; khu vực dịch vụ giảm 0,21%; khu vực công nghiệp – xây dựng chỉ giảm nhẹ ở mức 0,14%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI vào tăng trưởng ổn định và tiếp tục góp phần chính cho thặng dư của cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung cũng đánh giá cao những nỗ lực kiểm chế lạm phát trong thời kỳ vừa qua của NHNN khi điều hành tiền tệ trong bối cảnh dòng vốn FDI vào lớn, giá điện tăng mạnh, giá xăng dầu liên tục tăng trong tháng 4 và tháng 5/2019.
Một trong những hoạt động của hội thảo là phiên tọa đàm “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019”. Chia sẽ về diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó đến kinh tế thế giới, ông Bùi Quốc Dũng – Trợ lý Trưởng ban kinh tế Trung ương cho rằng cuộc chiến này bắt nguồn khi ông Donald Trump tranh cử Tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “Make America Great Again”. Bắt đầu từ tháng 7/2018, ông Trump đã chính thức hiện thực hóa những cam kết khi tranh cử dẫn đến khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiếp sau đó là những phản ứng liên tục không tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia. Cuộc chiến thương mại leo thang trong lĩnh vực công nghệ với việc Mỹ cấm vận các hoạt động của công ty công nghệ Huawei. Tuy có lúc cuộc chiến thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng trên thực tế vẫn có những động thái qua lại về thuế. Do đó, việc bùng phát cuộc chiến thương mại rất cao
Ông Bùi Quốc Dũng – Trợ lý Trưởng ban kinh tế Trung ương chia sẻ về diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó đến kinh tế thế giới
Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đối phó với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS. Phạm Phú Quốc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có những suy giảm so với cùng kỳ năm 2018 và những chỉ tiêu kinh tế đã đề ra đến cuối năm 2019 sẽ khó có thể đạt được.
Tuy nhiên, ông đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua và cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong tương lai trước những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông cũng nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam với Mỹ và các quốc gia đối tác trong hiệp định CPTPP khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.
Nói về động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trong những năm gần đây đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước trong giải quyết việc làm, thực hiện nghĩa vụ thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đang ngày càng thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự kết nối của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam khá yếu.
TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng nếu có sự biến động kinh tế thế giới sẽ tác động ngay đến sự kết nối của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, ông cho rằng cần phải đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để làm được điều này, Chính phủ cần có những giải pháp nhằm giải phóng nguồn lực cho khu vực tư nhân phát triển từ đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.