6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 2,8 triệu tấn

(VOH) - Sáng 24/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghị Sơ kết Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2019.

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, ngoại trừ thị trường Philippines.

Theo dự báo tháng 6/2019 của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), nguồn cung lúa, gạo thế giới được dự báo tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất lớn tăng cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều ảm đạm.

xuất khẩu gạo Việt Nam

Xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm

Tính đến thời điểm ngày 31/5/2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 2,8 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,18 triệu đô la Mỹ. Công tác điều hành xuất khẩu gạo cũng bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng.

Các tháng đầu năm cũng ghi nhận sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng như những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá: “Về cơ bản chúng ta cũng đã tiêu thụ hết được lúa vụ Đông Xuân cho bà con nông dân, giữ cho giá lúa không giảm quá sâu và về cơ bản cũng đảm bảo được lợi ích của người nông dân theo chính sách hiện hành, thì đây có thể nói là một nỗ lực hết sức lo lớn của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về công tác điểu hành xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm của cả hai Bộ Công thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đã cố gắng bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân cho người nông dân, để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong công tác kinh doanh xuất khẩu gạo.

Năm 2019 hướng đến mục tiêu cơ bản nhất là thông qua xuất khẩu, chúng ta hỗ trợ được việc tiêu thụ hết những hàng hóa cho người nông dân ở một mức giá có thể bảo đảm được lợi ích cho họ”.

xuất khẩu gạo Việt Nam, xuất khẩu gạo

Hội nghị Sơ kết Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2019.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Vinafood 1, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp gạo hiện nay rất khó khăn mặc dù nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo bà Thanh Tâm trong thời gian tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần quy tụ được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để giúp đỡ chia sẻ nhau, từ đó hiểu nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh, ép giá lẫn nhau. Hiệp hội cần phải thực hiện được việc này, để trở thành chỗ dựa, điểm tựa và nơi chia sẻ thông tin, cũng như là nơi cùng phân tích để đưa ra định hướng cho thị trường, đặc biệt là trong những hoàn cảnh ngành gạo hết sức khó khăn.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc công ty Trung An, cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện cho các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý để tăng cường mua lúa gạo cho người nông dân.

Để tận dụng các cơ hội thị trường, thúc đẩy tiêu thụ lúa, gạo cho người nông dân trong những tháng cuối năm, ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu, trong đó tập trung vào xác định thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và các thức phối hợp, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

Ông Đức kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên xác định lại cơ cấu diện tích đất lúa hợp lý, trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho đến năm 2050 và mỗi năm xuất khẩu 5 triệu tấn. Bộ cũng cần xem xét lại lịch thời vụ làm sao cho khoa học hơn; Bộ Công Thương tiếp tục tìm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều quốc gia hơn, nhưng quan tâm đàm phán với Trung Quốc, thúc đẩy và ổn định chính sách thương mại nông sản giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đó là chiến lược lâu dài.

Nguồn cung bùng nổ, 40.000 căn hộ condotel được mở bán trong vòng 2 năm - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong hai năm 2018, 2019 sẽ có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán.

Giá thép xây dựng hôm nay 24/6: Giá thép tăng, sản lượng quặng sắt tăng 1,5% - Giá thép xây dựng thế giới tăng, dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng quặng sắt của Trung Quốc tăng nhanh hơn trong ...

Bình luận