6 tháng năm 2020, Techcombank lợi nhuận trước thuế đạt 6,7 nghìn tỷ đồng

(VOH) - Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 6,7 nghìn tỷ đồng.

Ngày 27 tháng 07 năm 2020, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 6,7 nghìn tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 51,5% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông đã thông qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 5,4 nghìn tỷ, tăng 19% so với mức 4,5 nghìn tỷ của nửa đầu năm 2019. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng gần nhất đạt 2,9%. Vị thế vốn vững chắc của Ngân hàng thể hiện qua chỉ số CAR theo Basel II đạt mức 16,9%.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh của Techcombank

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh của Techcombank

Kết thúc Quý 2/2020, doanh thu (TOI) của Ngân hàng đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với doanh thu 9,1 nghìn tỷ đồng của nửa đầu năm 2019. Thu nhập lãi thuần (NII) của nửa đầu năm 2020 đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 2,0 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng 57% so với 6 tháng đầu năm 2019; và chiếm 16,8% tổng doanh thu, cao hơn mức 13,8% của nửa đầu năm 2019 do có sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu. 

Chi phí hoạt động của 6 tháng đầu năm 2020 là 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được cải thiện ở mức 32,5%, so với mức 35% cùng kỳ năm ngoái. 

Trong Quý 2/2020, Ngân hàng đã tiếp tục chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của nửa đầu năm 2020 tăng lên mức 1,2 nghìn tỷ đồng so với mức 239 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục thể hiện sự thận trọng của Ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Tổng tài sản đạt 395,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với thời điểm kết thúc quý 2 năm 2019 và tăng 3,2% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/06/2020 là 265 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và 2,7% so với cuối năm 2019. 

Tiền gửi khách hàng tại 30/06/2020 là 249,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 30/06/2019. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 86 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với thời điểm kết thúc Quý 2/2019. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 163,9 nghìn tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, do Ngân hàng tiếp tục tập trung vào tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn. Nhờ đó, tỷ lệ CASA cuối Quý 2/2020 đạt 34,4%, cao hơn mức 30,4% cuối Quý 2/2019. 

Techcombank đã duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 72,5% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn đạt 25,5%, tốt hơn đáng kể so với mức 38,4% vào thời điểm cuối năm 2019. 

Trong Quý 2/2020, Techcombank đã huy động thành công 500 triệu USD từ khoản vay hợp vốn nước ngoài. Đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,5%/năm. Số tiền vay được dùng để bổ sung cho nguồn vốn kinh doanh chung của Ngân hàng và đóng vai trò tăng cường khả năng thanh khoản cho ngân hàng. “Thành công vượt trội của giao dịch này đã chứng minh cho sự tin tưởng mạnh mẽ của các định chế tài chính nước ngoài đối với vị thế tín dụng và chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm”, ông Phùng Quang Hưng – Giám đốc Điều hành, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Techcombank cho biết. 

Tại thời điểm 30/06/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,1% tại 31/03/2020 và 1,8% tại 30/06/2019. Tỷ lệ nợ xấu giảm do Ngân hàng đã chủ động xử lý nợ xấu trong nửa đầu năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 30/06/2020 là 108,6%.  

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Techcombank đã có thêm hơn 330.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên gần 8 triệu. Ngân hàng đã tiến hành các biện pháp an toàn để bảo vệ khách hàng và nhân viên, đồng thời vẫn duy trì hoạt động bình thường của tất cả các chi nhánh, cây ATM. Những biện pháp này cùng với vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động giúp đảm bảo khách hàng luôn được phục vụ tốt nhất trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4 và sau khi biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt đạt 153 triệu giao dịch (tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 2 triệu tỷ (tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái). 

T.N 

Bình luận