Chờ...

80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu?

VOH - Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 04 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD), gạo (2,58 tỷ USD), cà phê (2,76 tỷ USD), hạt điều (1,95 tỷ USD).

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan đánh giá, trong những tháng cuối năm 2023, khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan 
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan 

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và là biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Trên thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam mặc dù được xuất khẩu trên thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa có thương hiệu.

Thống kê cho thấy, hiện tại 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan xác nhận, nhiều sản phẩm có mặt trong những siêu thị lớn của nước ngoài, chữ trên bao bì không phải là Việt Nam nhưng sản phẩm bên trong là của Việt Nam.

Đây là một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì xây dựng thương hiệu, giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến vấn đề này. Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng sầu riêng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không thể xây dựng thương hiệu khi chen chúc người trồng dẫn đến phá vỡ những hợp đồng, có thể vì sản lượng mà vô tình hay cố ý làm giảm chất lượng; hay sự chen lấn của các doanh nghiệp làm trục trặc chuỗi ngành hàng. Cũng đừng nhầm lẫn thương hiệu và nhãn hiệu, bởi nhãn hiệu dễ xây dựng, chỉ cần đăng ký là xong, nhưng thương hiệu là điều in vào tâm trí của người tiêu dùng, bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình và mất nhiều năm để hình thành.