Chiều 30/10, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.
Nông dân thua lỗ, bỏ ruộng, nhà máy đường ngưng hoạt động
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2019, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm, trị giá hơn 12,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước có 40 doanh nghiệp ngành mía đường. Niên vụ 2017-2018, chỉ có 37/41 nhà máy đường hoạt động còn 4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngưng hoạt động. Niên vụ 2019-2020 các nhà máy sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường, giảm hơn 300.000 tấn đường.
Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện giảm 30% đến 60% so với các năm trước. Thiếu mía nguyên liệu nên các nhà máy giảm công suất. Hiện chi phí mỗi ha mía khoảng 70 triệu đồng nhưng chỉ thu được 30-40 triệu đồng nên nông dân thua lỗ, bỏ ruộng, nợ ngân hàng, cũng đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Giá đường của Việt Nam hiện cao hơn Thái Lan, bên cạnh đó, còn do cạnh tranh không bình đẳng vì gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá...
Ông Cao Anh Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam xác nhận, giá thành sản xuất đường cát của Thái Lan khoảng gần 7.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg và giá mua mía nguyên liệu tại nhà máy khoảng 700.000 đồng/tấn cũng thấp hơn 100.000 đến 150.000 đồng/tấn mía tươi. Năng suất mía của Việt Nam khoảng 70 tấn/ha so với Thái Lan 72-75 tấn/ha. Ngoài ra, Thái Lan còn có một số chính sách hỗ trợ nên ngành mía đường Thái Lan có giá thành rẻ hơn...
Bên cạnh đó, một số khó khăn nữa, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN ATIGA, từ ngày 01/01/2020, mặt hàng đường từ các quốc gia trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu còn 5% sẽ là áp lực lớn cho ngành mía đường Việt Nam.
Tình hình gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan thông qua biên giới Campuchia vào khu vực các tỉnh Tây Nam. Các đối tượng tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu rồi quay vòng giấy tờ cho đường nhập lậu khác. Tình trạng in ấn bao bì trong nước rồi chuyển sang đóng bao ở Campuchia rồi đưa vào trong nước một cách hợp pháp...
“Chúng ta, kể cả về phía các cơ quan chức năng, hiệp hội, các nhà máy trực tiếp sản xuất mía đường, nói thẳng nói thật và bàn ra giải pháp thật sự, cùng bàn và sau đó báo cáo Chính phủ để có giải pháp căn cơ", ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại hội nghị
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Hội nghị đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Cụ thể như cơ quan chức năng tiếp tục công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, truy xuất nguồn gốc đường sản phẩm; kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật còn sơ hở, bất cập; vấn đề quy hoạch, phát triển ngành mía đường. Số liệu thống kê sản xuất kinh doanh mía đường chưa chính xác. Hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế biên giới, địa bàn khó khăn, qua đó nhân dân khu vực biên giới không tham gia tiếp tay, vận chuyển hàng lậu cho các chủ đầu nậu. Đối với Hiệp định ATIGA, xác định lộ trình thực hiện cam kết phù hợp, dựa trên các nguyên tác công bằng, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp của quốc gia, các bên liên quan và ổn định an ninh, kinh tế, chính trị tại các địa phương.
Về phía Hiệp hội Mía đường, các doanh nghiệp và nông dân cần sử dụng giống mía năng suất cao, chất lượng tốt, chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, cạnh tranh với đường ngoại nhập, hạn chế tình trạng buôn lậu đường như hiện nay.
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết thêm: Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn đối với mặt hàng đường. Hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường đối với một số đơn vị thành viên, thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường.
"Đề xuất điều tra xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt ở những vị trí nhạy cảm tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép những đơn vị có giấy phép được tham gia đấu giá, trước mắt chỉ cho các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia”, ông Văn Ba nói.
Theo các cơ quan chức năng, bình quân mỗi năm Việt Nam tồn kho thường xuyên 400.000 tấn đường, nhập khẩu chính ngạch 50.000 tấn, sản xuất từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu tấn đường, còn lại lượng đường nhập lậu ít nhất 400.000 tấn.