Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bài 2: Bến Tre - Xây dựng cộng đồng nông nghiệp hữu cơ

(VOH) - Dự án Nông nghiệp hữu cơ do tổ chức Seed to table tài trợ bắt đầu có những thành quả sau một thời gian kiên trì theo đuổi.

Tại 03 huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Bình Đại của tỉnh Bến Tre hình thành nên các nhóm cộng đồng nông nghiệp do chính người nông dân tự quản. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, còn tồn tại câu chuyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu từ phía con người.  

Khó đảm bảo nguồn cung - cầu ổn định

Theo thống kê từ tổ chức Seed to table, năm 2021, có 30 hộ tham gia nông nghiệp hữu cơ (NNHC), canh tác trên 54.000m2 diện tích. Tuy nhiên, số lượng không ổn định.

Theo đó, huyện Ba Tri là nơi triển khai thực hiện đầu tiên dự án này vào năm 2015. Ban đầu, có 4 nhóm nông dân tham gia nhưng đến cuối năm 2016, chỉ còn 2 nhóm tiếp tục hoạt động là nhóm An Hội ( thị trấn Ba Tri) và An Phú ( xã An Hòa Tây 2).

Năm 2017, dự án mở rộng tại hai xã Vĩnh An và An Bình Tây, thành lập thêm 2 nhóm nông dân nhưng đến cuối năm một nhóm ngưng hoạt động do số lượng thành viên giảm, không đủ để lập nhóm. Tiếp đó, đến năm 2018, nhóm còn lại tên Phú Quý sản xuất rau không đạt chuẩn NNHC vì mắc lỗi sử dụng phân bón hóa học. Nhóm này buộc phải dừng hoạt động.

Rau do nhóm sản xuất có sản lượng cao nhưng chỉ có thể đem đi tiêu thụ ở chợ truyền thống.

Bài 2: Bến Tre - Xây dựng cộng đồng nông nghiệp hữu cơ 1

Nụ cười hạnh phúc của nông dân khi gắn bó với NNHC.

Nguyên nhân dẫn đến những thất bại gồm ảnh hưởng của tình trạng hạn, mặn đến chất lượng rau trồng làm nản lòng người nông dân; Thu nhập từ NNHC ban đầu thấp, trong khi thời gian canh tác kéo dài nên không hấp dẫn người tham gia; Các hộ nông dân thiếu đoàn kết; Khi sản xuất đạt chuẩn thì doanh nghiệp thu mua ít.

Tạo được liên kết rồi nhưng năng lực tiêu thụ của doanh nghiệp còn hạn chế, thu chưa hết rau của nông dân. Hệ thống cần có sự tham gia của nhiều bên, không chỉ nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương”, bà Huỳnh Thị Bích Ngân - phó liên nhóm Ba Tri chia sẻ.

Với những nơi đất canh tác tốt, lượng rau sản xuất dồi dào khiến nguồn cung vượt cầu. Có thời điểm rau thu hoạch dư, doanh nghiệp chỉ thu mua đúng sản lượng đã đặt trước đó.

Chị Thái Thị Hồng Đào - thành viên của Liên nhóm  Mỏ Cày Nam cho biết, trung bình một tháng liên nhóm sản xuất 500 kg rau, quả. Nhóm có liên kết bán rau với công ty Proci food ( TPHCM), trường hợp rau dư, nhóm đem bán ra bên ngoài. Điều mà chị cũng như những hộ nông dân khác mong mỏi, khi tổ chức Seed to table không còn tài trợ cho dự án thì chính quyền địa phương cần chung tay hỗ trợ.

Vấn đề vẫn là con người

Theo bà Ino Mayu- trưởng đại diện tổ chức Seed to table Nhật Bản, dự án NNHC chú trọng nâng cao năng lực cho người dân bản địa, từ thế hệ lớn tuổi đến thế hệ trẻ. Dự án này áp dụng chế độ PGS (viết tắt của thuật ngữ - Hệ thống đảm bảo có sự tham gia).

Hệ thống này đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp sản phẩm hữu cơ. Chứng nhận PGS cấp cho tập thể, không cấp riêng lẻ cho cá nhân. Vì thế, để có được chứng nhận PGS, bộ máy cần hoạt động tốt nhưng hiện nay, ban điều phối PGS Bến Tre không ổn định tổ chức và không hoạt động thường xuyên nên việc xử lý các thủ tục giúp cho các nhóm nông dân, doanh nghiệp chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống PGS.

Có máy móc, có cơ sở hạ tầng đầy đủ hết mà không có con người thì không chạy được. Con người thì phải có hiểu biết, tâm huyết, hy sinh nhưng hy sinh mình vẫn có lời mà. Con người tử tế thì mới tồn tại bền vững được, chứ không phải máy móc nọ kia” - bà Mayu cảm thấy không an lòng khi dự án rút đi. 

Trước trăn trở này của bà Mayu, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, Sở sẽ củng cố, hoàn thiện ban điều phối dự án nông nghiệp hữu cơ; mở rộng thêm những vùng sản xuất và đầu tư phát triển thương mại NNHC hoặc đưa vào thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Những hộ nông dân tham gia dự án NNHC cũng có phần “tủi thân” khi địa phương chưa tuyên truyền ý nghĩa của dự án đến nhiều nơi. Hiện nay, họ rất cần chính quyền hỗ trợ hệ thống tưới nước tiết kiệm để đối phó với tình trạng hạn, mặn đang xảy ra ở tỉnh Bến Tre.

Có thể thấy, còn nhiều những lo lắng khi tổ chức Seed to table rút khỏi dự án NNHC ở Bến Tre, liệu sản xuất NNHC ở đây  có gián đoạn ?

Bài 2: Bến Tre - Xây dựng cộng đồng nông nghiệp hữu cơ 2

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười trao tặng bằng khen cho bà Ino Mayu.

Tại Hội nghị tổng kết dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giáo dục khởi nghiệp và hướng nghiệp khởi nghiệp thông qua việc xây dựng vườn rau sạch tại trường và nghiên cứu chế biến các món ăn địa phương giai đoạn 2018 -2021, diễn ra ngày 26-3-2021, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển NNHC để không phụ lòng tâm huyết của bà Ino Mayu.

Những kiến nghị đề xuất của tổ chức Seed to table và cô Mayu, chúng ta tiếp tục nhân rộng, phát huy với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Bến Tre", bà Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị.

Trước khi kết thúc nhiệm vụ ở tỉnh Bến Tre, tổ chức Seed to table đã tài trợ cơ sở vật chất cho các liên nhóm làm NNHC, giới thiệu nguồn tiêu thụ sản phẩm cho họ. Điều quan trọng còn lại, những người đã tham gia và đồng hành cùng dự án sẽ làm sao để công sức bỏ ra trong 10 năm qua của các bên tiếp tục duy trì, phát triển bền vững.

Từ thành công ở tỉnh Bến Tre, có thể sẽ lan tỏa đến những tỉnh khác, để nâng cao đời sống cho người nông dân. Với NNHC, hy vọng sẽ không còn những cảnh nông dân lam lũ cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn nghèo khó.

Bình luận