Bản tin tài chính 15/6: Cước vận tải đua theo giá xăng, nhiều nhà xe gặp khó

(VOH) - Chưa kịp phục hồi sau dịch, giá xăng dầu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào tình cảnh khốn khó. Nhiều doanh nghiệp phải cho xe nằm bãi hoặc chấp nhận bán xe và chuyển công việc.

Cước vận tải đua theo giá xăng, nhiều nhà xe gặp khó

Chưa kịp phục hồi sau dịch, giá xăng dầu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào tình cảnh khốn khó. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho xe nằm bãi hoặc chấp nhận bán xe và chuyển công việc khác.

Dọc tuyến quốc lộ 13 hướng về TP.HCM, tình trạng xe tải, taxi nằm bãi la liệt hoặc dán chữ "bán xe" ngày càng nhiều. hàng trăm chiếc taxi 4 - 7 chỗ phải nằm bãi gần 1 tháng nay và chưa có dấu hiệu khởi động lại. Một số hãng xe chở khách đang lâm vào tình cảnh bi đát, có nguy cơ phá sản, buộc phải thanh lý xe giá rẻ vì càng chạy càng lỗ.

Theo ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM), giá xăng dầu đang ở mức quá cao so với sức chịu đựng người dân, DN. Do đó, cần giảm các loại thuế phí để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, bởi mỗi lít xăng dầu đang gánh tới 38% thuế phí trong cơ cấu giá.

Bản tin tài chính 15/6: Cước vận tải đua theo giá xăng, nhiều nhà xe gặp khó 1
 

Đồ cũ có thể là thị trường hơn 5 tỉ USD ở Việt Nam

Khảo sát của Carousell Recommerce Index 2021, cho thấy 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua đồ đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

Việc ngày càng nhiều người Việt tái sử dụng đồ cũ đã thúc đẩy thị trường mua bán đồ cũ phát triển với giá trị thương mại dự kiến 5,1 tỉ USD vào năm 2026.

Các nhà kinh doanh cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái toàn diện cho mua bán đồ cũ thông qua việc phối hợp với các đối tác chiến lược cung cấp các dịch vụ kiểm định, chứng thực, bảo hành, và tài chính. 

Bản tin tài chính 15/6: Cước vận tải đua theo giá xăng, nhiều nhà xe gặp khó 2
Ảnh: TTO

Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế

Chuyển đổi số đang ngày càng tiến sâu vào từng ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, truyền thông đa nền tảng được xem là xu hướng tất yếu mà các cơ quan báo chí đều đang hướng đến. Trong giai đoạn hiện nay, truyền thông số đang góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh cho biết: Người ta nói về việc radio, truyền hình sẽ “chết” dưới tác động của mạng xã hội nhưng hiên chưa có đơn vị nào “chết” nhưng khó khăn là có thật, trong khi đó digital đang phát triển. Nếu không chuyển đổi số chắc chắn là khó tồn tại. Chúng ta nên làm ngay hơn là chờ đợi. Không có cách nào khác, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển đổi số phù hợp

Về vấn đề phòng chống tin giả trên các nền tảng số. Bản thân người đọc tin cũng phải có trách nhiệm trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện, phòng tránh tin giả, bắt đầu bằng việc chia sẻ có trách nhiệm, hoặc hạn chế chia sẻ những tin tức đọc được trên mạng.

Thanh toán không tiền mặt vẫn 'bùng nổ' sau đại dịch

Đại dịch COVID-19 đang dần khép lại, cuộc sống của hầu hết người dân cũng đã trở lại trạng thái bình thường. Giải pháp thanh toán không tiền mặt được khuyến khích trong giai đoạn dịch bùng phát để hạn chế tiếp xúc tưởng chừng lắng xuống theo dịch, thế nhưng thực tế lại đang trở thành thói quen của nhiều người. COVID-19 thực sự đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Do tác động của đại dịch COVID-19, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần. Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, theo sau đó là an toàn tránh lây nhiễm và bảo mật giao dịch.