Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ tài sản của chính doanh nghiệp!

(VOH) - Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình của doanh nghiệp - ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngày nay tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Khi đã thực sự là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới và đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm.

luật sở hữu trí tuệ

Ảnh minh họa

Công ty của bà Ô Mỹ Phương hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, công nghệ và thiết bị sấy, giặt công nghiệp cho hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn tại Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Điều mà doanh nghiệp lo lắng là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu về những giải pháp cung ứng trong các hợp đồng ký kết với đối tác. Bởi nếu hợp đồng bị hủy thì giải pháp được đưa ra sẽ bị sao chép ý tưởng, sao chép phương án thực hiện và doanh nghiệp bị mất rất nhiều chi phí.

Bà Mỹ Phương lo lắng: “Bởi vì phần lớn các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thường là cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhưng cho đến khi hợp đồng được ký kết thì họ mới được thu phí. Cho nên vấn đề sở hữu trí tuệ cho các thiết kế, giải pháp vẫn chưa thật sự rõ ràng cho nhiều  doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Nếu như chưa có đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đơn vị cung cấp dịch vụ thì nó sẽ trở thành chi phí của công ty nếu như không ký kết được hợp đồng đó”.

Lo lắng của bà Ô Mỹ Phương là có cơ sở vì thực tế trong thời gian qua cũng đã có không ít doanh nghiệp bị xâm phạm các quyền lợi có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Tình trạng xâm phạm thể hiện trên các vấn đề về kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu, sáng chế và thậm chí cả chỉ dẫn địa lý. Song, việc theo đuổi các vụ việc tranh chấp để đòi lại quyền sở hữu trí tuệ thì mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí và vô cùng khó khăn đặc biệt là tại thị trường nước ngoài.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ các vụ bị xâm phạm đình đám xảy ra với kiểu dáng của sản phẩm võng xếp Duy Lợi, xe đạp Martin hay chỉ dẫn địa lý của cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc… Vì vậy, song hành với các sáng chế, sáng tạo thì doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức trong vấn đề đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ và đó cũng chính là xác lập quyền sở hữu tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, cùng với quá trình hội nhập và bùng nổ công nghệ cũng sẽ kéo theo tình trạng làm giả, làm nhái, xâm phạm kiểu dáng, thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu  nổi tiếng sẽ dễ dàng lọt vào tầm ngắm của những người làm ăn bất chính và bị làm nhái, làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách tinh vi. Do đó, việc cung cấp thông tin, trang bị cho doanh nghiệp về những kiến thức liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng.

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhấn mạnh: “Tài sản sở hữu trí tuệ có một vai trò  ảnh hưởng rất  lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng vai trò này nhiều khi chưa được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá đúng và đủ. Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh hiệu quả cần quan tâm đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ ở thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế nhằm giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững”. 

Theo số liệu được công bố mới đây, trong 3 tháng đầu năm 2018, trung bình mỗi ngày cả nước có gần 300 doanh nghiệp thành lập mới và tham gia vào thị trường. Số doanh nghiệp này đa phần là nhỏ và vừa. Theo các chuyên gia thuộc tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là nguồn lực chính của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, vấn đề sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp không chỉ trở thành tài sản có giá trị về tài chính và mang lại nguồn thu lớn cho bản thân doanh nghiệp mà còn là của quốc gia đó.

Hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện phổ biến thông qua nhiều hình thức như bảo hộ quốc gia, khu vực hay các hệ thống quốc tế mang tính toàn cầu. Tùy vào hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như thị trường, doanh nghiệp có thể đăng ký và chọn lựa hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp để có thể bảo vệ thương hiệu, logo và tên sản phẩm nhằm tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ để vận dụng hiệu quả, nhất là hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tạo thành từ các Luật sở hữu trí tuệ quốc gia và quy trình thủ tục, trên cơ sở đăng ký bảo hộ để đạt được sự bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu quốc tế, kiểu dáng công nghiệp.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong thời gian qua, có hơn 53.000 đơn của doanh nghiệp gửi đến để đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Dù con số này không nhiều so với sản phẩm, nhãn hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp nhưng cũng cho thấy tín hiệu vui khi doanh nghiệp đã hiểu biết và ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ tại thị trường nội địa mà còn ở các thị trường xuất khẩu.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay trong  bối cảnh chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, toàn cầu hóa về khoa học công nghệ đòi hỏi sự quan tâm  của các doanh nghiệp đối với việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm của mình tại các thị trường nước ngoài. Công nghệ là yếu tố cốt lõi để quyết định sản phẩm, dịch vụ của mỗi doanh nghiệp. Chính vì thế chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng sự hiểu biết của mình về sở hữu trí tuệ để trên cơ sở đó bảo vệ sản phẩm, dịch vụ của mình trên toàn thế giới. 

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp. Và việc toàn cầu hóa tại các thị trường quốc tế, cùng với những Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là yếu tố sống còn của chính doanh nghiệp.

Bình luận