Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho rằng: Người sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, có tới trên 80% cơ sở lao động chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động và chưa tổ chức khám bệnh nghiệp cho người lao động.
Đại biểu chia sẽ tại hội thảo.
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ tính riêng tại số cơ sở lao động được quản lý, hiện nay có gần 1,2 triệu người lao động tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố có hại, nguy hiểm, trong đó lao động nữ là hơn 626 ngàn người. Trong số 933.186 mẫu quan trắc môi trường lao động, các yếu tố tác hại như khí hậu, bụi, ồn, ánh sáng, hơi khí độc, độ rung, phóng xạ, từ trường…đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3-18%.
Trong các bệnh nghề nghiệp mà người lao động hay mắc phải, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn mắc nhiều nhất, sau đó là bệnh sạm da nghề nghiệp…Mặc dù công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng được chú trọng nhưng số vụ tai nạn lao động ngày càng gia tăng, số người chết vẫn còn cao.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, vai trò của công đoàn là phải có trách nhiệm trong việc đào tạo đội ngũ quản lý cán bộ an toàn vệ sinh viên. Việc trang bị cho người sử dụng lao động và người lao động các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là hết sức quan trọng, chủ động giúp họ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra.