Chờ...

Biến đổi khí hậu có làm cho phí bảo hiểm trở nên đắt đỏ hơn?

VOH - Các hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang gây ra sự tàn phá lớn hơn bao giờ hết. Điều này có thể buộc các công ty bảo hiểm phải tăng phí bảo hiểm.

DW News trích lời ông Ernst Rauch, chuyên gia về khí hậu của Munich Re - một công ty tái bảo hiểm lớn cho biết: “Về cơ bản, nếu như có nhiều thiệt hại hơn thì ai đó phải trả tiền”.

Logic của bảo hiểm là có nhiều người đăng ký nhưng chỉ một số ít bị thiệt hại và được bồi thường. Tuy nhiên, nếu ngày càng có nhiều người bị thiệt hại, các công ty bảo hiểm sẽ chuyển rủi ro và tăng phí bảo hiểm cho người mua bảo hiểm.

Vì một số sự kiện cực đoan trước đây được chứng minh là quá tốn kém để chi trả, nên các công ty bảo hiểm đã lần lượt chuyển rủi ro cho những tổ chức được gọi là công ty tái bảo hiểm.

Munich Re là một trong những công ty như vậy. Công ty nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu trong khoảng 50 năm liên quan đến hậu quả của chúng đối với hoạt động kinh doanh của họ.

bien-doi-khi-hau-240624

Công ty bảo hiểm State Farm của Mỹ không còn đưa ra các chính sách mới ở California, một phần do nguy cơ hỏa hoạn và nắng nóng cực độ - Ảnh: AP

Biến đổi khí hậu khiến công ty bảo hiểm gặp nhiều rủi ro

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những rủi ro lớn đến mức các công ty bảo hiểm không còn muốn bảo hiểm cho một số khu vực trên thế giới hoặc phải tăng phí bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm State Farm đã ngừng bán hợp đồng bảo hiểm ở California với lý do rủi ro thiên tai ngày càng tăng, chi phí xây dựng cao và thị trường tái bảo hiểm đầy thách thức.

Tại California, các công ty bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại từ 1 - 3 tỷ USD hàng năm trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, ngày nay, số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm hàng năm đã tăng lên hơn 10 tỷ USD - ông Rauch nói với DW.

Các khu vực khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra sự tàn phá nghiêm trọng và Đức cũng không ngoại lệ.

Đức đã trải qua những thảm họa như lũ lụt, bão, hạn hán và hỏa hoạn. Cơ quan Khí tượng Đức cảnh báo rằng, những hiện tượng cực đoan như vậy sẽ diễn ra thường xuyên hơn, dẫn đến sức tàn phá lớn hơn, ảnh hưởng đến ngày càng nhiều người.

Ông Rauch cho biết: “Số tiền thiệt hại được bảo hiểm do thiên tai hàng năm hiện lên tới khoảng 100 tỷ USD trên toàn thế giới. Trong đó, 80% đến 90% những thiệt hại này là do thời tiết”.

Ông Rauch phân tích, mức độ thiệt hại ngày càng tăng chỉ một phần là do các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, các yếu tố kinh tế xã hội đóng vai trò lớn.

Giá trị của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, dân số ngày càng tăng và việc xây dựng vẫn đang diễn ra ở những khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng như vùng ven biển hoặc gần sông. Tuy nhiên, số thiệt hại thực tế gây ra còn lớn hơn nhiều vì không phải mọi thứ đều được bảo hiểm chi trả. 

Bộ Môi trường Đức cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Đức, chẳng hạn như mùa hè khô nóng đặc biệt trong những năm gần đây và trận lũ lụt tàn khốc năm 2021 đã gây thiệt hại hơn 80 tỷ euro (gần 86 tỷ USD).

Con số này bao gồm thiệt hại gây ra cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, thiệt hại về mùa màng và lâm nghiệp cũng như những thiệt hại gián tiếp, ví dụ năng suất lao động giảm.

Phí bảo hiểm có thể sẽ tăng

Ông Rauch giải thích, các cơ quan giám sát của Hoa Kỳ không cho phép các công ty bảo hiểm tăng phí bảo hiểm để phản ánh rủi ro ngày càng tăng. Đây là lý do State Farm rút khỏi California.

Tuy nhiên, về lâu dài ông tin rằng một số khu vực nhất định có thể khó được bảo hiểm, một số nơi trên thế giới, ở đó các công ty bảo hiểm có thể tính phí theo ý muốn của họ. Ông Rauch không nghĩ điều này có thể xảy ra trong vòng 5 đến 10 năm tới, ngoại trừ một số khu vực nhỏ hơn.

Chính phủ Đức nhận thấy rằng chi phí tổng thể do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tăng lên rất nhiều ở Đức trong những năm tới. Tùy thuộc vào tốc độ nóng lên của hành tinh, điều này có thể gây ra thiệt hại trong khoảng từ 280 đến 900 tỷ euro vào năm 2050.

Ước tính này không bao gồm tác động của tử vong, chất lượng cuộc sống giảm sút, các loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng và thiệt hại về hệ thống cung cấp nước.

Khi nói đến việc kiểm soát chi phí, việc ngăn ngừa thiệt hại đóng vai trò then chốt bên cạnh những nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu.

Ông Jörg Asmussen, Giám đốc điều hành của Bảo hiểm Đức cho biết: “Nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách có hệ thống và thích ứng với khí hậu, ước tính của chúng tôi cho thấy, phí bảo hiểm sẽ tăng gấp đôi ở Đức trong vòng 10 năm tới chỉ tính thiệt hại do khí hậu”.