Đây là thông tin được bà Trịnh Thị Hương - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại hội thảo "Đối tác khí hậu toàn cầu 2024" do Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility tổ chức chiều 13/5.
Theo bà Trịnh Thị Hương, kinh tế tài chính toàn cầu có thể bị thiệt hại với con số không hề nhỏ vì biến đổi khí hậu, có thể lên đến 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phát triển mà còn đặc biệt tác động nặng nề tới các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bà Hương nhận định, với hơn 3.200km bờ biển và các tỉnh, thành phố có địa hình trũng thấp, đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Tính toán ban đầu của một nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy Việt Nam mất đi khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
Bà Hương cho hay để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng "0", dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040.
Để làm được điều này, bên cạnh nguồn ngân sách, rất cần có sự tham gia mạnh mẽ và tích cực của khu vực tư nhân trong nước cũng như các nguồn lực đầu tư tài chính quốc tế.
Chính vì vậy, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn đầu tư tác động thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.