Chiều ngày 4/12/2024, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc, SSC, Techfest và Agtek tổ chức hội thảo “Kết nối doanh nghiệp lĩnh vực dệt may và da giày năm 2024”. Sự kiện đã thu hút hơn 150 chuyên gia, diễn giả và các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày khu vực phía Nam.
Hội thảo nhằm tổng kết chương trình tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT lĩnh vực dệt may, da giày năm 2024 tại Khu vực phía Nam. Đồng thời chia sẻ các thông tin, xu hướng mới nhất và giới thiệu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày; Hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối, hợp tác, giao thương B2B giữa các doanh nghiệp đầu chuỗi và nhà cung ứng, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Lê Xuân Thọ - quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Thọ - quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “ Hội thảo nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may và da giày. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức về chuyển đổi kép – kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh –đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn môi trường và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, hội thảo là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước và quốc tế thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị sản phẩm.”
"Ngành Dệt may và Da giày là hai ngành kinh tế quan trọng, không chỉ góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà còn tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cần tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng, và mở rộng cơ hội hợp tác." Ông Thọ cho biết thêm.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng – trường ĐH Công nghiệp TPHCM chia sẻ về Dự án
Tại Hội thảo, TS. Phạm Thị Hồng Phượng – trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhân định về Dự án của Bộ Công thương: “Dự án Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất trong nước và quốc tế đã chọn và hỗ trợ 20 doanh nghiệp, trong số 40 DN dệt may và da giày nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; tiếp cận, kết nối với DN khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. Dự án triển khai đã định hình chuỗi giá trị kết nối, đồng hành của Bộ Công thương với các hiệp hội, các doanh nghiệp về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.”
Ông Hahm Wan-Gyu- Giám đốc Trung tâm phát triển Kỹ thuật Dệt may – Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH)
Ông Hahm Wan-Gyu- Giám đốc Trung tâm phát triển Kỹ thuật Dệt may – Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) chia sẻ với hội thảo về các công nghệ mới trong ngành dệt may, các loại sợi tổng hợp, sợi công nghiệp TLCP, PET, sợi SiC, cũng như sợi tái chế và phân hủy sinh học; Những chất liệu nylon đang được ứng dụng rộng rãi trong may mặc, thảm, sợi công nghiệp và nhựa kỹ thuật; Đồng thời đề cập đến phương pháp kéo sợi trong lĩnh vực sợi tổng hợp.
Ông Kim Tae Woo – Giám đốc điều hành FITI – Viện nghiên cứu và thử nghiệm - Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH)
Ông Kim Tae Woo – Giám đốc điều hành FITI – Viện nghiên cứu và thử nghiệm - Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) trao đổi về phương pháp kiểm tra vi nhựa sinh ra trong dệt may; sự quan tâm của xã hội đối với vi nhựa…
Điểm nhấn của hội thảo là tọa đàm “Chuyển đổi kép và nhu cầu kết nối doanh nghiệp của chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam”. Các chuyên gia và diễn giả đã mang đến cái nhìn sâu sắc về những thách thức và cơ hội trong hành trình chuyển đổi kép: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là hai xu hướng định hình tương lai của ngành dệt may Việt Nam.
Các chuyên gia, diễn giả tham tọa đàm “Chuyển đổi kép và nhu cầu kết nối doanh nghiệp của chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam”.
Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp nhiều câu hỏi từ doanh nghiệp, những thành công và bài học khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi toàn diện trong quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số và thực hiện các giải pháp bền vững về môi trường.
Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (Cục Công nghiệp) ký kết hợp tác với Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh.
Ký MOU giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp đầu chuỗi.
Hội thảo đã diễn ra các hoạt động kết nối, ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam và Hiệp hội dệt may thêu đan TPHCM; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Lê Xuân Thọ - quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam - trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia Đề án.