Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Hiệu quả kinh tế của dự án sân bay Long Thành rất cao"

(VOH) - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với 21 đại biểu đăng ký phát biểu.

Đại biểu băn khoăn về vốn vay

Theo đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. “Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu làm không tốt nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu” đang tồn tại”, ông Nghĩa nhấn mạnh dự án cần thực hiện nhanh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, không loại trừ khả năng phải thuê, phải mua của nước ngoài về công nghệ, lực lượng thi công và giám sát dự án.

Các đại biểu trao đổi về dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội, sáng 12/11

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị phải đảm bảo Dự án chất lượng cao, hiệu quả và trình độ công nghệ đón đầu thế giới, vì đây là sân bay trung chuyển nên phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay trong khu vực, nếu không cạnh tranh được thì lỗ nặng. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, đồng tình với việc không vay vốn ODA thực hiện dự án vì sẽ tác động đến nợ công, trong khi đây lại là công trình liên quan tới quốc gia nên cần thận trọng, chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng cho rằng nếu giao dự án cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (đại biểu Hà Nội) cho rằng ba lý do để giao ACV như đây là đơn vị có kinh nghiệm, có nguồn vốn, việc thực hiện không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được thời gian triển khai sớm dự án là chưa thuyết phục.

Ông Cường đặt vấn đề việc chỉ định thầu cho ACV có thể rút ngắn được 1,5 năm nhưng trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án chưa chắc đã rút ngắn được thời gian, vì đây là DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên tất cả các hạng mục triển khai đều phải đấu thầu, có thể làm chậm trễ dự án, trong khi tư nhân thì không phải đấu thầu. 

Ông Cường cũng cho rằng chưa thể khẳng định chỉ ACV chỉ có kinh nghiệm mà các đơn vị khác không có kinh nghiệm, và dù ACV có kinh nghiệm nhất, nhưng thực tế với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân có thể làm tốt.

Chưa kể, theo ông Cường, việc giao cho ACV cũng chưa chắc đảm bảo vốn tốt nhất, bởi 3/4 nguồn vốn dự án phải đi vay, thủ tục phức tạp và khi xảy ra rủi ro Nhà nước có thể gánh. Trong khi đó nhiều tập đoàn tư nhân luôn săn sàng tham gia đầu tư, linh hoạt huy động vốn, điển hình như đường cao tốc Bắc - Nam.

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết việc xem xét toàn bộ hồ sơ dự án theo quy định là chưa có. Về tiến độ thực hiện, mục tiêu đặt ra là khó vì hồ sơ báo cáo chậm, tiến độ thu hồi đất mới chỉ đạt trên 1%, mục tiêu năm sau bàn giao đất sạch vào 2020 khá khó khăn.

Đối với nguồn vốn và khả năng huy động vốn, ông Thành cho rằng cần đánh giá kỹ hơn cũng như tác động khoản vay này đến trần nợ công. Lý do là trong tờ trình nêu ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng từ 21 cảng, song đến nay chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, chưa thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần.

Với số vốn dự kiến gần 5 tỉ USD thì có thể huy động các nguồn nhưng với 11 tỉ USD giai đoạn tiếp theo thì "khả năng huy động vốn thế nào?". Chưa kể về hiệu quả tài chính, liệu đã dựa trên các chi phí đầy đủ và nhất là so sánh với tổng mức đầu tư của hai sân bay đã nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình về sân bay Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về hiệu quả đầu tư dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, "không có sân bay nào hiệu quả kinh tế tốt như Long Thành", bởi khi vừa hoàn thành có thể điều tiết tăng lưu lượng từ 20-25 triệu khách/năm, trong khi một số sân bay mới đầu tư khác chỉ được 10 triệu khách/năm.

Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng cho biết các nhà tư vấn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam đã làm việc hơn một năm qua để hoàn thành dự án, đồng thời Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã thuê tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra. "Bộ cũng sẽ rà soát để đảm bảo tổng mức đầu tư sát thực tế, cố gắng không lãng phí, không trượt giá như một số dự án khác", ông Nguyễn Văn Thể cho hay.

Thừa nhận thực tế giải phóng mặt bằng diễn ra chậm, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp tỉnh Đồng Nai báo cáo Chính phủ để hoàn thành giai đoạn 1 như kế hoạch.

Trước những băn khoăn của đại biểu về năng lực nhà đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư giai đoạn 1), người đầu ngành giao thông cho biết ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng không đầu tư bất cứ lĩnh vực gì chỉ để tập trung cho dự án Long Thành.

Ngoài ra, tình hình tài chính của ACV cũng tương đối tốt, lợi nhuận 10.000 tỷ đồng/năm và kế hoạch từ nay tới năm 2025, ACV sẽ bỏ ra 30.000 tỷ đồng nâng cấp các sân bay khác. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay 5 tỷ USD không thế chấp vì nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy hiệu quả kinh tế của dự án. 

“Chủ trương là cố gắng huy động nguồn lực trong nước. Khi nào nguồn vốn nhà đầu tư trong nước không đảm bảo thì mới tiếp cận nguồn vốn nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

 “Bộ cam kết tối đa, thuê các chuyên gia, tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ, kiểm tra, giám sát ACV để chất lượng dự án đạt hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tập đoàn Tài chính Hana, Hàn Quốc trở thành cổ đông chiến lược của BIDV - (VOH) - Chiều 11/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kim Jung Tai, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc).

Bình luận