Vì vậy, các vướng mắc, điểm nghẽn từ pháp lý đến dòng vốn tín dụng, vốn trái phiếu cần được sớm tháo gỡ, tạo lực để bất động sản đi lên theo đà hồi phục tích cực của nền kinh tế.
Sự kiện do Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp với Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản có 3 kênh kết nối, lưu thông lẫn nhau là mua bán, cho thuê và thuế. Trong đó, thị trường mua bán đã và đang lệch pha, nhà cao cấp nhiều mà không có nhà vừa túi tiền. Còn tại thị trường cho thuê cũng đang gặp khó do đại dịch và việc thu thuế bất động sản gặp khó vì không có dự án…Đáng chú ý, điểm nghẽn lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay là liên quan đến thủ tục. Cụ thể, việc ách tắc thủ tục đang khiến hàng trăm dự án bị ảnh hưởng, làm vốn của doanh nghiệp đưa vào dự án "nằm chết"… Mới đây, dòng vốn vào bất động sản bị siết thì sẽ khó thêm.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, Nhà nước chỉ nên siết tín dụng vào bất động sản đầu cơ, hỗ trợ tháo gỡ vốn cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thực, nếu không thì sự ngưng trệ của bất động sản sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, không thể quy định máy móc tất cả công trình nhà ở chung cư có chung một thời hạn sử dụng là 50 hay 70 năm vì không tương thích với quyền sử dụng đất ở lâu dài của cư dân. Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện đa số các công trình nhà ở chung cư được xây dựng trên đất ở ổn định, lâu dài nên quyền sở hữu nhà ở trên đất là ổn định, lâu dài. Chung cư có tuổi thọ công trình, hết thời hạn, buộc phải kiểm định lại chất lượng. Nếu còn bảo đảm an toàn thì gia hạn thời gian sử dụng, đến khi tòa nhà xuống cấp, nguy hiểm thì buộc phải phá dỡ. Ông Châu cho rằng quy định thời hạn sử dụng cần bảo đảm quyền sử dụng căn hộ chung cư và cả quyền sử dụng đất xây dựng tòa chung cư của các hộ dân.
Ông Châu cũng bày tỏ hoan nghênh việc động thái của lãnh đạo TPHCM trong việc sẽ giải quyết dứt điểm sổ hồng cho 50.000 căn hộ còn tồn đọng tại các dự án chung cư xây dựng trong giai đoạn trước đó nhưng chưa được cấp sổ hồng, giai đoạn 2022 – 2025. “Chúng tôi rất hoan nghênh trong thời gian qua lãnh đạo Thành phố đã có những văn bản báo cáo ra cơ quan trung ương để đề nghị xem xét giải quyết từng trường hợp một. Tât cả động thái đó, tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, những vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp sẽ sớm được giải quyết”, ông Châu nói.
Một số chuyên gia khác cho rằng việc cấp sổ hồng có thời hạn 50 - 70 năm cho căn hộ chung cư cần đi kèm với các quy định nếu hết thời hạn sử dụng nhưng công trình chung cư vẫn còn sử dụng được, thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm gia hạn thời gian sử dụng nhà cho người dân, tùy theo kết quả kiểm định chất lượng tại thời điểm đó.
Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế Phan Công Chánh cũng đề nghị: “Tôi cho rằng cơ quan nhà nước nghiên cứu những chính sách để có những chế tài thích hợp, làm sao chọn lọc các chủ đầu tư đủ chuyên nghiệp, phát triển bền vững đi đến nơi về đến chốn, giao đất cho anh thì anh phải làm ra sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng”.
Theo Luật sư Nguyễn Thành Tựu, đoàn Luật sư TPHCM, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất. Doanh nghiệp phải chuyển đổi số, thích ứng linh hoạt, đón đầu xu hướng mới, bất động sản xanh là xu thế. “Nhà nước nên công bố thông tin chính sách về chế độ sở hữu, các thông tin sau khi quá hạn 50 năm, 70 năm theo Luật định thì Nhà nước có hỗ trợ gì không, lúc này 50, 70 năm xuống cấp thì nhà nước có ưu tiên 1 suất tái định cư cho thế hệ sau hoặc cho chính chủ sở hữu căn đó”, ông Tựu đề nghị.