5 năm thực hiện chương trình ký kết, số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đến các địa phương ngày càng tăng; sản phẩm du lịch được đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, kết nối tour tuyến du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch; sự kinh doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch ngày càng chặt chẽ; các địa phương tích cực hỗ trợ thông tin, xây dựng các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tại TPHCM. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho rằng, việc kết nối chưa đi vào thực chất, chưa có chính sách riêng cho doanh nghiệp để khuyến khích đưa khách về các địa phương hay những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực.
Là một trong những đơn vị đi đầu của ngành lữ hành ở Việt Nam, bà Đoàn Thị Lộc, Phó Giám đốc Khối Du lịch nội địa, Công ty Du lịch Saigontourisrt cho hay: thế mạnh của 3 địa phương này là du lịch biển. Vào mùa hè, lượng khách về tuyến điểm này trải nghiệm biển đảo tăng cao, thế nhưng khó khăn mà đơn vị địa hay gặp phải là thiếu dịch vụ trong mùa cao điểm. Trước thực trạng không thể cung cấp được dịch vụ và chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp buộc phải chủ động tìm điểm đến khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bà Lộc cũng cho hay, Saigontourist cũng quan ngại về nhân sự phục vụ trực tiếp trong lĩnh vực ở 3 địa phương này. Bà Đoàn Thị Lộc cho biết các cơ sở lưu trú 3 sao trở lên rất ít. "Việc makerting điểm đến cũng nên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp. Mong các địa phương hỗ trợ thông tin nhanh và kịp thời như điểm đến, điểm lưu trú, vận chuyển… Các địa phương cũng nên công bố ngay từ đầu năm các sự kiện văn hóa quan trọng diễn ra trong năm để doanh nghiệp biết và đưa vào các sản phẩm của mình. Về việc phát triển 3 điểm đến, các Sở nên ngồi lại với nhau để xác định thế mạnh của 3 tỉnh để giúp doanh nghiệp tập trung xây dựng sản phẩm, chủ yếu là kéo dài thời gian lưu trú của du khách", bà Đoàn Thị Lộc nói.
Lãnh đạo ngành Du lịch TPHCM - Ninh Thuận - Phú Yên - Bình Định ký kết hợp tác giai đoạn 2019 - 2023.
Câu chuyện về chất lượng nguồn nhân lực của 3 địa phương Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận cũng là đề tài được các doanh nghiệp bàn nhiều trong Hội nghị lần này. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tuy Hòa cho rằng, qua hợp tác giữa TPHCM - Tuy Hòa, lượng khách đến với Phú Yên thường xuyên hơn nhưng vẫn còn các hạn chế như công tác hỗ trợ đào tạo chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương. Ông Tùng nói: "Điểm đến đẹp nhưng nhân lực chưa tăng trưởng tương ưng sẽ là một khiếm khuyết, làm mất điểm trong lòng du khách. Ông Tùng đề xuất doanh nghiệp nên xem xét, thúc đẩy phát triển du khách thông qua đường sắt để tạo ra giá tour mềm hơn".
Sau sức hút của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên và Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách tại TPHCM. Ông Nguyễn Minh Quyền, Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, đề nghị các các địa phương nên quan tâm hơn về việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa khách về các địa phương này. Cụ thể, nên có động thái đề xuất các doanh nghiệp chuyên về vận chuyển như máy bay, tàu hỏa giảm giá trên các chuyến bay đến Bình Định, Phú Yên…để tăng sức hút, giúp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch đến với khu vực Nam Trung bộ này. Ngoài ra, các lãnh đạo ngành du lịch Bình Định cũng xây dựng danh mục có hỗ trợ, các doanh nghiệp nên hỗ trợ về giá giảm cho từng dịch vụ để doanh nghiệp lữ hành chủ động xây dựng mức giá.
Đại diện các địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, thừa nhận những hạn chế mà các doanh nghiệp lữ hành đề xuất và kiến nghị. Ông cũng cho rằng: xu hướng lâu dài, muốn phát triển du lịch Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận thì các địa phương phải liên kết lại với nhau, có những hội nghị hằng năm để tổng kết và kịp thời đưa ra những phương án để thúc đẩy liên kết và phát triển du lịch giữa TPHCM với các địa phương.
Trong số các yếu kém và hạn chế mà các ý kiến đề cập, đặc biệt là yếu kém về nhân lực, cơ sở hạ tầng là điều đáng lo nhất. Ông Dũng cũng thừa nhận năng lực bằng hàng không cũng là một hạn chế khi đưa khách đến các điểm đến này vì khó khăn trong những dịp cao điểm Lễ tết, trong khi tiềm năng về du lịch bằng hàng không đang rất hứa hẹn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, đề nghị hợp tác mạnh hơn về công tác quản lý nhà nước. 4 địa phương có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý theo chiều ngang. Trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, 4 Sở quản lý ngành Du lịch các địa phương cần phải tăng cường hợp tác; đẩy mạnh quy hoạch kế hoạch phát triển du lịch, đề ra các biện pháp phát triển cụ thể trong thời gian tới. 4 địa phương cũng tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch cho các thành viên trong chuỗi liên kết, hợp tác du lịch.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho rằng: yếu kém và hạn chế mà các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị lần này đều là những thực tế hay gặp trong hoạt động. Cơ sở lưu trú ít, vận tải đạt chuẩn du lịch thiếu và nguồn nhân lực yếu là 3 điều cần phải khắc phục ở Ninh Thuận, Bình Định và Phú Yên trong thời gian tới. Ông Dũng cũng cho rằng, phát triển du lịch giữa các địa phương nên có sự phối hợp chặt chẽ, đứng trên bình diện tổng thể để quảng bá, không nên “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.
"Việc liên kế khả năng nắm bắt thông tin về sự kiện của lữ hành các địa phương còn yếu, vì hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều mới trưởng thành, chưa mạnh dạn đầu tư trong phát triển các điểm đến, các dịch vụ du lịch đi kèm. Phải có chính sách giảm giá cụ thể cho các doanh nghiệp khi đưa khách về Bình Định, Phú Yên bằng những cam kết, tạo cơ chế thuận lợi cho các đơn vị lữ hành để tạo sự ổn định về giá. Cam kết không tăng giá trong các dịp lễ, tết. Hướng dẫn và giúp doanh nghiệp TPHCM nắm bắt các sản phẩm ở địa phương để xây dựng những tuyến du lịch hấp dẫn", Ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng Bình Định, Phú Yên ngoài những điểm đến độc đáo, ẩm thực cũng là một thế mạnh mà các doanh nghiệp nên tập trung khai thác để tạo sự phong phú và hấp dẫn cho tuyến điểm miền Trung. Du lịch hiện nay có xu hướng liên tour, liên tuyến chứ không chỉ đến một địa phương. Và đây cũng là định hướng mà ngành du lịch các địa phương sẽ tập trung thực hiện trong kế hoạch hợp tác phát triển du lịch giai đoạn mới 2019 - 2023.