Chờ...

Cần quy chuẩn cho nghề môi giới bất động sản

(VOH) - Vai trò của nhà môi giới bất động sản rất quan trọng trong các giao dịch bất động sản hiện nay.

Thế nhưng thời gian qua, có tình trạng tổ chức, cá nhân chưa am hiểu đầy đủ về pháp luật nên hoạt động thiếu sự lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới, góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh? Nội dung này được đưa ra bàn luận tại tọa đàm “Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới” do Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, gần đây, một số hiện tượng đất đai ở một số nơi sốt nóng, giá tăng vọt trong đó có sự tham gia của các nhà đầu cơ và môi giới không chuyên nghiệp: “Chúng tôi mạnh dạn kiến nghị, đề xuất làm thế nào để bình ổn được thị trường trong bất kỳ tình huống nào. Thị trường nhảy múa, giá bất động sản tăng, các phân khúc không phù hợp thì phải có sự điều tiết, chính sách, làm cân bằng thị trường, đưa thị trường đi đúng quỹ đạo”.

Cần quy chuẩn cho nghề môi giới bất động sản 1
 

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Nhà sáng lập DKRA và hệ sinh thái Houze, cho hay, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người tham gia vào hoạt động môi giới bất động sản. Số lượng nhà môi giới tăng nhanh, có trường hợp chất lượng chưa đảm bảo nên xảy ra những hệ lụy không tốt.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp lớn của các công ty môi giới chuyên nghiệp, có đạo đức cho thị trường trong thời gian qua: “Vai trò của nhà môi giới cực kỳ quan trọng. Tìm hiểu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy, nhiều công ty môi giới bất động sản xây dựng lực lượng nhân sự về chuyên môn, năng lực tốt, đạo đức hành nghề tốt. Bằng chứng là các dự án sơ cấp, cao cấp nghỉ dưỡng được đưa ra giới thiệu bởi các công ty uy tín và chuyên nghiệp”.

Cũng cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối kinh doanh và tiếp thị công ty cổ phần đầu tư Nam Long nêu thực tế, 5 năm trở lại đây, các dự án từ cao cấp đến thấp cấp ở vùng sâu vùng xa đều phụ thuộc vào hệ thống môi giới trong nước. Lực lượng này chiếm tới 99% thị phần: "Qua theo dõi quá trình bán hàng, những đơn vị F1 của Nam Long rất tốt, nhưng xuống F2 và những đơn vị dưới nữa quy mô nhỏ, họ không quan tâm bảo vệ thương hiệu chủ đầu tư, cũng không quan tâm trong tương lai phải chăm sóc khách hàng thế nào, chỉ chăm chăm làm xong giao dịch, thu tiền, bỏ qua trách nhiệm với chủ đầu tư và khách hàng. Trước tình trạng ai cũng có thể làm môi giới bất động sản, tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước và Hội môi giới bất động sản cần có những tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn về thành lập công ty, sàn môi giới bất động sản và hoạt động của những đơn vị này”.

Bà Nguyễn Hương, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, tồn tại trên là do chưa có sự đánh giá, xây dựng tiêu chí để xác định điều kiện hành nghề môi giới: "Đã đến lúc cần quy chuẩn cho nghề môi giới. Cần quy định rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề. Qua đó có giám sát, chế tài mạnh tay với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp”.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: "Để phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng này, cần có kiến thức pháp luật. Vừa rồi Chính phủ ban hành một nghị định 02 để thay thế nghị định 76 về kinh doanh bất động sản và nghị định 16 thay thế nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính. Hai nghị định này không đề cập đến môi giới nhưng liên quan nhiều, đó là cách thức kinh doanh, điều kiện kinh doanh phải ký kết hợp đồng…”