Cần sự thống nhất trong các cơ quan quản lý, tạo thuận lợi doanh nghiệp

(VOH) - Hội thảo "Năng lực cạnh tranh Việt Nam - Kết quả và những thách thức đối với doanh nghiệp” diễn ra sáng nay 24/10 tại TPHCM.

Hoạt động do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp cho rằng, còn quá nhiều rào cản về quy định và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể điều kiện kinh doanh là một trở ngại lớn. 

Theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp mất hơn 1 tháng để có chứng nhận hợp quy trên hệ thống và dán tem hợp quy cho sản phẩm dệt may nhập khẩu về kiểm tra Formaldehyte.

Thêm vào đó, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Có tình trạng một số bộ, ngành lợi dụng yêu cầu minh bạch về chế độ quản lý đối với các mặt hàng để mở rộng thêm đối tượng quản lý.

Lấy ví dụ cụ thể về một mặt hàng máy điều hoà nhiệt độ mà có đến 2 bộ quản lý, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu máy điều hoà nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thì thuộc sự quản lý của Bộ  Khoa học và Công nghệ. Còn máy điều hoà có công suất lớn hơn 90.000 BTU thì lại do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, yêu cầu kiểm tra chất lượng trước thông quan.

Đây là sự chia phần quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số vướng mắc, bất cập vẫn còn kéo dài như quản lý kiểm tra còn chồng chéo, danh mục áp thuế không thống nhất giữa cơ quan hải quan với các bộ quản lý chuyên ngành...

Tháo gỡ rào cản, hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp

Các chuyên gia và doanh nghiệp cùng kiến nghị các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để tăng năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, Việt Nam đã tăng được 10 bậc năng lực cạnh tranh qua xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, từ thứ hạng 77 năm 2018 lên thứ hạng 67 năm 2019. Kết quả cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh thể hiện sự nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hội nhập...

Theo kiến nghị từ doanh nghiệp, cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đó cũng là giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bình luận