Chờ...

Chậm làm thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư, đơn vị sẽ bị xử phạt hành chính

(VOH) - Sáng 28/8, Kho Bạc Nhà nước TP tổ chức Hội nghị chuyên đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 với sự tham dự của các ban quản lý, chủ đầu tư để tháo gỡ các nút thắt về giải ngân vốn đầu tư công

Trong năm 2020, Kho Bạc Nhà nước Thành phố được giao kiểm soát gần 5.000 dự án với tổng số kế hoạch vốn được giao là gần 49.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 100 dự án, tương ứng hơn 6.800 tỷ đồng và ngân sách địa phương là gần 4.800 dự án tương ứng hơn 42.000 tỷ đồng.

Hội nghị chuyên đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Tính đến ngày 23/08/2020, tổng số vốn đầu tư công giải ngân qua Kho bạc Nhà nước TPHCM là 23.887 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch vốn năm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 21.000 tỷ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch giao, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều đơn vị thực hiện giải ngân đạt tỷ lệ cao nhưng cũng có những đơn vị thực hiện giải ngân thấp, thậm chí có những dự án chưa thực hiện giải ngân. Đơn cử như Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM được giao vốn hơn 13.800 tỷ đồng dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên). Phần vốn ODA trung ương cấp phát có kế hoạch vốn 2.185 tỷ đồng đến nay chưa giải ngân được.

Theo bà Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tài chính Kế toán - Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nguyên nhân do UBND đang kiến nghị lên Thủ tướng về phương pháp xác định giá trị vốn vay theo nguyên tệ tại quyết định phê duyệt đầu tư. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo điều 59 nghị định 63 năm 2019, đối với khoản chậm làm thủ tục thanh toán thì đó là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt. Các công trình dự án đã ứng vốn Kho bạc Nhà nước TP để chi trả, nếu trong vòng 3 tháng mà không chi bồi thường được thì phải trả về tài khoản cho chủ đầu tư. Đến hẹn 12 tháng sau, nếu không có khả năng chi trả thì phải làm thủ tục hoàn ứng ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm về quy định xử phạt.

“11 dự thảo biên bản nhằm mục đích đối chiếu những khoản nợ cũ, chứ chưa phải lập biên bản xử phạt ngay lập tức, nếu khoản nợ cũ này các chủ đầu tư chứng minh được đó là lỗi khách quan, không thuộc trách nhiệm của mình thì chúng tôi không xử phạt mà chỉ lập biên bản. Biên bản này nhắc nhở, đánh động trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với các khoản nợ quá hạn, khoản nợ đã kéo dài thời gian đến nay, nếu chúng ta không có trách nhiệm với các khoản nợ này thì sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.”- ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, theo quyết định 1797 của UBND T  thì ngày 25/5/2020, các khoản khối lượng nghiệm thu trên thực địa công trường, sau thời gian 30 ngày phải làm thủ tục hồ sơ theo quy định để gởi Ngân hàng Nhà nước giải ngân thanh toán cho nhà thầu. Nếu vi phạm thời hạn theo quy định 1797 này thì sẽ bị trừ thi đua. Còn khoản tạm ứng trong thời gian giải phóng mặt bằng mà cần vốn, Kho bạc Nhà nước TP sẽ thực hiện bố trí vốn, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Năm nay là năm cuối của bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, nếu năm nay không thực hiện được thì sẽ bị mất vốn.

Những trường hợp bất khả kháng mà không giải ngân được thì mới nộp trả ngân sách. Đối với các trường hợp còn tranh chấp, thừa kế hay nợ sổ đỏ ngân hàng thì phải tích cực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn để giải ngân. Nếu trong một dự án có 100 hộ, chỉ có 1 hộ khó khăn vướng mắc, thì 99 hộ kia nên làm thủ tục thanh toán, hộ nào còn vướng mắc thì để lại, không phải vì 1 hộ mà làm trì trệ cả một dự án.

Từ nay tới cuối năm, chỉ còn 23 tuần trong khi giá trị kế hoạch vốn còn phải giải ngân theo tính toán của Kho bạc Nhà nước hơn 20.859 tỷ đồng. Theo đó, để giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch vốn được giao, tính trung bình mỗi tuần phải giải ngân được khoảng 907 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những tuần vừa qua, mức giải ngân ở mức rất thấp, tuần giải ngân cao khoảng 605 tỷ đồng, tuần giải ngân khoảng 308 tỷ đồng, do đó, áp lực dồn về cuối năm vẫn rất lớn.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý cần nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác quyết toán dự án đảm bảo thời gian, chủ động giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán.

“Lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng để tiến hành giải ngân cho dự án và các công trình dở dang chuyển tiếp sang năm 2021 thì cũng phải nghiệm thu các kế hoạch đã hoàn thành để thanh toán vốn cho năm 2020. Việc thứ hai là phối hợp với các sở ngành chuyên môn có liên quan để điều chỉnh kế hoạch vốn mà gặp khó khăn không có khả năng giải ngân năm 2020 điều chỉnh sang tăng vốn cho các dự án có khả năng hấp thu vốn trong năm”- ông Hải đề nghị.

Đối với dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, cần tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, không để dồn thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu, lập hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước thành phố khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán cuối năm, không gây nợ đọng cơ bản.

Lệ Loan