Chờ...

Chất lượng đào tạo quyết định năng suất lao động nông thôn

(VOH) - Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 thì mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân phải đạt từ 3,5%/năm trở lên.

Thu nhập người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so năm 2015. Nhưng để đạt được mục tiêu này là không dễ, bởi chất lượng lao động trong ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn nước ta hiện nay không cao. Đặc biệt với thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị thì đào tạo lao động nông nghiệp-nông thôn đặt ra những yêu cầu mới, rất bức thiết. Về vấn đề này, Phóng viên Huỳnh Sang (VOH) đã phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, trước đây là Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực - thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo kinh tế quốc tế.

VOH: Thưa ông, năng suất lao động ngành nông nghiệp Việt Nam được xem là thấp và chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 phải tăng bình quân 3,5%. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Ông Trần Anh Tuấn: Đúng là năng suất trong ngành nông nghiệp của chúng ta có thấp. Mặc dù chúng ta có 16 triệu hộ lao động ở nông thôn và được xem là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng những năm qua năng suất trong nông nghiệp của ta rất thấp. Theo đánh giá của các Tổ chức Nông nghiệp quốc tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì thu nhập lao động ngành trồng trọt Việt Nam chỉ đạttrên 200 ngàn đồng/1lao động/1 ngày công. Năng suất lao động của ta hiện chỉ bằng 1/3 của Indonesia, chưa bằng một nửa của Thái Lan và của Philippines. Chính vì thế nên chủ trương của Chính Phủ và ngành Nông nghiệp chúng ta làquyết tâm tăng năng suất lao động nông nghiệp với mục tiêu 3,5%/ năm giai đoạn 2017-2020. Còn thu nhập phải tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Trong những năm qua chúng ta rất tích cực, đưa ra các giải pháp toàn diện, trong đó có giải pháp nâng cao hoạt động lao động và các chính sách đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp- nông thôn. Nhìn chung, về mục tiêu, chúng ta cũng có đạt nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương -CPTPP.

VOH: Hiệu quả lao động của riêng thanh niên nông thôn trong tình hình hiện nay ra sao?

Ông Trần Anh Tuấn: Theo tổng kết chung của quốc gia và thành phố về đánh giá lao động nông thôn, thì vấn đề việc làm cho thanh niên nông thôn vẫn là vấn đề được quan tâm. Đa số việc làm cho thanh niên nông thôn hiện thiếu ổn định và thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Lao động Thanh niên nông thôn mặc dù có đào tạo nghề nhưng hầu hết tham gia vào các dịch vụ lao động đơn lẻ. Nhiều người rời bỏ đất để đi vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất làm các vị trí lao động công nhân cũng với thu nhập thấp và chưa ổn định.

Một điều chúng ta quan tâm là trong khu vực nông thôn, kể cả lao động thanh niên nông thôn của thành phố Hồ Chí Minh, dù có nhiều cố gắng nhưng trình độ học vấn chưa cao, quan hệ xã hội hẹp, đa phần là lao động giản đơn,ỷ lại vào đất đai. Ngoài ra, chương trình cho thanh niên vay vốn cũng là chương trình tốt nhưng chúng ta làm chưa được nhiều. Việc phổ biến những nghề mới, đào tạo nghề, tư vấn nghề, hỗ trợ kỹ năng nghề, hỗ trợ khuyến khích đầu tư khu vực nông thôn, nhìn chung cũng còn hạn chế.

VOH: Ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi và yêu cầu đối với lao động ở lĩnh vực này như thế nào? :

Ông Trần Anh Tuấn: Chúng ta thấy rằng, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục. Đặc biệt trong hội nhập kinh tế và tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0 thì thị trường lao động quốc gia và thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm khu vực nông thôn cũng thể hiện sự chuyển dịch phù hợp với định hướng. Tuy nhiên, thị trường lao động của thành phố luôn luôn diễn ra một nghịch lý là: doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu, còn nhiều người thì làm trái ngành, trái nghề, kể cả lĩnh vực nông nghiệp.

Có thể thấy rõ rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong nền nông nghiệp đô thị để nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành. Vì vậy cuối năm 2017, UBND thành phốđã phê duyệt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu kế hoạch này là hình thành và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao có trình độ chuyên sâu; trong đó có cả ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, mỗi năm nhu cầu tăng đều đặn 50% nhưng lực lượng chúng ta đào tạo còn ít. Hiện chúng ta đang hiểu rằng, lao động nông nghiệp chính là lao động giản đơn là sai.

Chất lượng đào tạo, năng suất lao động, nông thôn

Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo kinh tế quốc tế.

VOH: Ở thành phố Hồ Chí Minh rất dễ xảy ra tình trạng là thanh niên hay bạn trẻ chê việc trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Trần Anh Tuấn: Cái này thì hoàn toàn đúng, bởi hiện nay đó cũng là xu hướng đối với thanh niên ở Đồng bằng Sông Cửu Long- nơi nông nghiệp đang phát triển. Năm nay xu hướng chọn nghề của học sinh với ngành nông-lâm -nghiệp không tăng, mà còn tiếp tục giảm. Vì vậy chúng ta thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn công nghệ cao trong nông -lâm - ngư nghiệp. 

VOH: Nhìn một cách tổng thể, để tăng năng suất lao động, hiệu quả và thu nhập cho lao động nông nghiệp-nông thôn, nhất là thanh niên, giới trẻ thì chúng ta cần phải làm gì?

Ông Trần Anh Tuấn: Hiện Nhà nước ta rất chú trọng việc này. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, các chủ trương của Thành Ủy, UBND thành phố khá rõ nét về phát triển lao động nông nghiệp – nông thôn kết hợp nhiều giải pháp. Về khía cạnh của người làm công tác nhân lực, tôi xin có ý kiến 4 nội dung như sau:

Một là, theo tôi các huyện ngoại thành còn tồn tại những khu vực nông thôn đặc biệt như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, với chính sách của thành phố đang xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sinh thái...thì cần có những chương trình việc làm, chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp không có nghề chuyên môn sang lao động ngành công nghiệp, dịch vụ và công nghệ cao.

Hai là, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chính sách, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chú ý nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, chứ không phải đào tạo nghề đơn giản, chung chung! Vì chúng ta phải chú trọng kỹ năng quản lý, kiến thức, thị trường để lựa chọn nghề cho phù hợp.

Ba là, dù lao động nông thôn nhưng cũng là nguồn nhân lực chung, mà nguồn nhân lực lao động sắp tới phải là chất lượng cao. Vì vậy, đào tạo lao động nông thôn phải gắn liền với ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề, ngoại ngữ cho thanh niên nông thôn. Chứ đừng nghĩ, thanh niên nông thôn chỉ làm những việc lặt vặt, tay nghề thấp?! Hiểu vậy là sai. Nông thôn chúng ta vẫn tổ chức khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Hiện nay, các phong trào, dự án khởi nghiệp thành công đa phần từ công nghệ thông tin và công nghệ nông nghiệp. Nhưng các em không chú ý chỗ này, nghĩ rằng học các nhóm ngành khác sẽ tạo được việc làm như kinh tế, pháp luật, tài chánh...thì điều đó không đúng. Quan trọng là phù hợp với nghề!  

Bốn là, phải xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về nông nghiệp-nông thôn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn trong khu vực lao động nông thôn.

VOH: Cám ơn ông.