Chính quyền Trump xem xét cơ sở pháp lý mới để áp thuế lên nhiều nền kinh tế toàn cầu

MỸ - Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét phương án khác về thuế quan sau khi chính sách thuế vừa bị tòa án bác bỏ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc sử dụng các điều khoản pháp lý mới nhằm áp thuế lên phần lớn nền kinh tế toàn cầu, sau khi Tòa Thương mại Quốc tế Mỹ ra phán quyết bất lợi liên quan đến mức thuế quan trước đây.

Theo Wall Street Journal, đội ngũ của ông Trump đang xem xét phản ứng kép sau phán quyết của tòa án, trong đó có khả năng kích hoạt một điều khoản chưa từng được sử dụng trong Đạo luật Thương mại năm 1974 để có một biện pháp thuế tạm thời. Điều khoản này cho phép áp thuế lên đến 15% trong vòng 150 ngày nhằm giải quyết mất cân bằng thương mại.

Biện pháp này được xem là bước đệm, tạo điều kiện để ông Trump xây dựng chính sách thuế riêng biệt cho từng đối tác thương mại, dựa trên một điều khoản khác của đạo luật nói trên – thường dùng để xử lý hành vi thương mại không công bằng từ nước ngoài.

cang-long-beach-cua-my-s
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California (Mỹ) - Ảnh: THX/TTXVN

Nguồn tin cho biết, phương án thứ hai trong chiến lược của ông Trump sẽ yêu cầu một quy trình pháp lý dài hơn, bao gồm thông báo và lấy ý kiến công chúng, song được đánh giá là có nền tảng pháp lý vững chắc hơn so với chính sách thuế quan bị tòa án bác bỏ.

Dù tòa phúc thẩm liên bang vừa quyết định các chính sách thuế của ông Trump vẫn có hiệu lực trong thời gian kháng cáo, chính quyền Tổng thống Trump vẫn cần thêm các tín hiệu để triển khai “kế hoạch B”.

Tòa Thương mại Quốc tế Mỹ hôm 28/5 đã tuyên bố việc chính quyền Trump sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để xử lý thâm hụt thương mại là không hợp pháp. Tòa án nhấn mạnh rằng Hiến pháp Mỹ trao quyền điều tiết thương mại cho Quốc hội, quyền này không bị lấn át bởi quyền khẩn cấp về bảo vệ nền kinh tế mà tổng thống nắm trong tay.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các đối tác thương mại của Mỹ vẫn đang đàm phán thiện chí để hoàn tất các thỏa thuận trước thời hạn tạm dừng thuế quan 90 ngày kết thúc.

Ông thừa nhận tiến trình đàm phán với Trung Quốc đang gặp trục trặc, nhưng kỳ vọng sẽ sớm nối lại đối thoại với các quan chức Bắc Kinh trong vài tuần tới. Bessent cũng không loại trừ khả năng đàm phán cấp cao giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn lại.

Liên quan đến vòng đàm phán thương mại song phương thứ tư giữa Mỹ và Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 29/5 khẳng định Tokyo không có ý định mua thiết bị quốc phòng của Mỹ để đổi lấy việc giảm thuế.

Phát biểu này nhằm bác bỏ thông tin từ trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản trước đó rằng việc mua vũ khí có thể được sử dụng như "con bài mặc cả" nhằm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Ông Nakatani nhấn mạnh các vấn đề thuế quan và an ninh quốc phòng là độc lập, đồng thời cam kết chỉ mua thiết bị phù hợp với nhu cầu phòng thủ của Nhật Bản.

Mỹ đang áp thuế cơ sở 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, cùng mức thuế bổ sung 25% đối với nhôm, thép và ô tô. Tuy nhiên, Washington đang tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày với hầu hết các đối tác thương mại ngoại trừ Trung Quốc.

Theo kế hoạch trước đó, mức thuế mà Mỹ dự định áp với Nhật Bản có thể lên tới 24%.

Bình luận