Một bộ phận người kinh doanh đã và đang tìm cách lén lút buôn bán hàng giả, hàng nhái, lách luật bằng nhiều phương thức khó kiểm soát, nhất là trên các trang mạng xã hội của cá nhân với số lượng người mua không hề nhỏ.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường trong nước đã phát hiện không ít vụ kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng với số lượng lớn. Có thể kể đến vụ “đột kích” trung tâm thương mại nổi tiếng Saigon Square ở quận 1 đầu tháng 11.
Sau hơn 1 ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, quản lý thị trường tạm giữ gần 2.000 sản phẩm thời trang giả thương hiệu nổi tiếng. Hay như vụ triệt phá điểm kinh doanh, chứa hàng hóa Nhật Si 68 ở TP Thủ Đức vài ngày sau đó.
Qua kiểm tra thực tế, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện hơn 1.900 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (Louis Vuitton, Gucci, Dior,…). Tổng giá trị hàng hoá ước tính khoảng 195 triệu đồng.
Hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn đang diễn ra phức tạp, tinh vi, có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, nhất là trên các trang mạng xã hội. Hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm túi xách, giày dép, quần áo,… có bề ngoài giống với các nhãn hiệu nổi tiếng được rao bán.
Thậm chí, các tin, bài quảng cáo còn công khai giới thiệu đây là hàng tuồn từ các nhà máy của Chanel, Gucci, LV,… hoặc hàng cao cấp giống đến 99%, mẫu đang có trên web của các nhà mốt, kèm theo là hộp đựng đề rõ tên thương hiệu nổi tiếng, có cả bill (hóa đơn) và thẻ, khẳng định có thể tra mã code…
Khoảng 80% người tiêu dùng Việt biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, lý do là bởi có nhiều sản phẩm làm giả hàng chính hãng được bán với giá rẻ hơn nhiều lần nên vẫn thu hút một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập hạn chế nhưng lại “sính hàng hiệu”.
Một người bán cho biết: “Buôn bán cũng phải dựa theo sở thích khách, bây giờ cứ tới là họ hỏi mấy mẫu của Adidas, Nike, Gucci..., có người chấp nhận mua hàng cao cấp 4-5 triệu, bây giờ trên thương trường, mình không bán cái đó mà đi bán những cái mẫu tầm thường không nhãn hiệu thì chắc chắn dẹp tiệm”.
Không chỉ các mặt hàng thời trang, nhiều mặt hàng khác cũng đang bị làm giả, làm nhái, kể cả các thương hiệu trong nước.
Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhìn nhận: “Thực tế có những người không có tiền để mua hàng chính hãng, người ta sẵn sàng mua hàng nhái, đó là sở thích cá nhân, người ta biết nhưng người ta chấp nhận dùng… Hội Tiêu dùng chỉ tuyên truyền khuyên người ta nên dùng hàng thật, còn nếu không thể dùng hàng thật thì cũng không nên dùng hàng nhái cổ duý đất sống cho hàng giả hàng nhái tồn tại”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam: “Tâm lý người tiêu dùng có thói quen mua hàng không rõ nguồn gốc vì giá rẻ ! “cũng giống như hàng thật” - ngay cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng vậy. Ví dụ bút Montblanc mua hàng trôi nổi Trung Quốc rồi đưa ra nước ngoài cho cộng đồng người Việt sử dụng".
Phải là người tiêu dùng thông minh, tức có cái sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí để làm sao không mua theo phong trào, không mua vì giá quá rẻ và tránh mua chỉ để khoe khoang, không mua sắm theo cảm xúc… Chúng ta không nên sử dụng hàng giả, như vậy là chúng ta tiếp tay và làm ảnh hưởng đến những sản phẩm hàng hóa chất lượng khác, luật sư Hậu chia sẻ.
Thực tế, số lượng hàng giả, hàng nhái được sản xuất và tiêu thụ càng lớn thì thiệt hại nền kinh tế cũng như quyền lợi người tiêu dùng càng nghiêm trọng.
Để giải quyết được tình trạng hàng giả, hàng nhái, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Tình trạng hàng nhái, hàng giả cần phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là vấn đề thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Đối với những mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt phải tăng cường tuyên truyền để người dân có thông tin, có sự tiếp cận và sự so sánh".
Nhà nước cần phải nâng cao trách nhiệm, quyết liệt hơn trong kiểm tra, kiểm soát, có kế hoạch từ xa, bao phủ diện rộng để chống tình trạng bắt chỗ này chạy chỗ khác, hoặc là khi phát hiện trường hợp ăn chia, bảo kê cho hàng lậu, hàng giả phải xử phạt nghiêm, công khai để răn đe, ông Phong đề nghị.
Để có giải pháp căn cơ và lâu dài trong công tác chống hàng gian, hàng giả có lẽ vẫn còn nan giải, cần có sự đồng bộ từ cơ chế chính sách, lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, sát sao hơn từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình với các chiến dịch truyền thông, kênh phân phối sản phẩm,…; tuyên truyền nâng cao ý thức cần đi vào thực chất đến người tiêu dùng.